Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 7

    Hôm nay: 3803

    Đã truy cập: 9177758

Ngăn chặn vi-rút xấu, độc ăn mòn nhận thức, biến dạng hành vi (Bài 1): “Rác mạng”: Những “biến thể” nguy hại

Với sự “bành trướng” nhanh chóng dựa trên “thế giới phẳng”, sức hút khó cưỡng và lượng người dùng gia tăng theo cấp số nhân, mạng xã hội (MXH) đang cho thấy quyền lực đặc biệt của nó khi tạo ra một “đời sống ảo” song song với đời sống thực. Ở đó, con người “xây” nên nhiều cộng đồng lành mạnh, nhưng cũng xuất hiện không ít cộng đồng cá biệt – tiêu cực, được đắp từ các loại “rác” của nhận thức và hành vi thiếu chuẩn mực, trái pháp luật.


Lễ ra mắt Câu lạc bộ lý luận trẻ cấp tỉnh. Ảnh: P.V

Từ sự hỗn tạp của “thế giới ảo”...

Trong “thế giới ảo”, chỉ cần một chuyện “hot” vừa xuất hiện, thì gần như ngay lập tức MXH sẽ “rực” như than hồng. Nhiều sự việc lan truyền với “tốc độ ánh sáng” khi được người chứng kiến quay video phát sóng trực tiếp, hoặc đăng tải, chia sẻ rầm rộ. Ví như gần đây vụ nam sinh ở Hà Nội tự tử bởi áp lực học hành, hay các vụ đánh ghen lột quần, lột áo được xem là “tư liệu tươi sống” được các trang mạng rầm rộ đăng tải, chia sẻ. Điều đáng nói, dù sự việc đã dần lắng xuống nhưng một số hội, nhóm, cá nhân vẫn liên tục đào xới lại bằng cách chia sẻ, bình luận, chửi bới, lên án, phê phán bằng lời lẽ thô tục; số khác thì bày tỏ quan điểm, thậm chí còn “phán” thay pháp luật và các cơ quan chức năng.

MXH được ví như một “nồi lẩu thập cẩm” hỗn tạp, mà phổ biến nhất hiện nay đang là trào lưu livestream quảng cáo, bán hàng online. Không quá khó để tìm hoặc xem những video phát sóng trực tiếp, với hình ảnh người bán vừa chào hàng vừa khoe thân phản cảm, ví như “Kem trộn Nguyễn Ngọc Tuyền”; “Hà Kiều Anh Shop”; “Bà trùm đồ lót”... Thế nhưng, bấy nhiêu vẫn chưa thấm vào đâu, bởi vẫn còn những livestream chuyên biệt, những hội, nhóm chat kín có không ít cô gái sẵn sàng cởi đồ để kích thích và hút người xem; thậm chí, có người livestream còn dụ người xem chơi những trò cá cược hay bài bạc bất hợp pháp. Rồi thì livestream “bóc phốt”, vạch tội, chửi bới, đe nẹt lẫn nhau. Đặc biệt là hiện tượng “giang hồ mạng” đã tốn không ít giấy mực của giới truyền thông nhưng vẫn “sống khỏe” trên MXH, trên các livestream khoe mẽ bản thân, giảng dạy đạo lý làm người và tất nhiên không thể thiếu lời lẽ thô tục, vô văn hóa như một cách thể hiện “bản lĩnh”, “cái tôi”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho rằng: “Hành vi, ngôn ngữ lệch chuẩn đạo đức, lệch chuẩn văn hóa đang là vấn đề xã hội cần được quan tâm hiện nay. Bởi không riêng MXH và Internet, mà ngay cả trên một số tờ báo, tạp chí cũng thường phản ánh và vô hình trung đã cổ vũ cho một số hành vi sai lệch. Thực trạng này đã và đang tiếp tục đặt ra trách nhiệm cho các cơ quan quản lý, các ngành chức năng cả trên phương diện quản lý xã hội, lẫn quản lý thông tin”.

Đến mầm mống tội phạm...

Qua tìm hiểu của phóng viên, trên MXH thời gian qua đã xuất hiện rầm rộ các hội, nhóm với những cái tên nghe thôi cũng đủ khơi gợi sự tò mò. Phần lớn các hội, nhóm này có tính kết nối và lan truyền tương đối rộng rãi, với số lượng thành viên lớn. Chẳng hạn như “Hội ngoại tình và vụng trộm giao lưu kết bạn toàn quốc”, theo tìm hiểu thì ban đầu, mục đích của những người tham gia chủ yếu là đăng các bài quảng cáo bán thuốc kích dục, bán đồ chơi tình dục... Nhưng dần dà, nhóm này đã biến tướng thành tụ điểm “chào khách” online của không ít gái mại dâm. Còn các thành viên của “Hội những người đã từng đi tù” thì lại xúi giục nhau phạm tội để được trở lại tù; “Hội những người từng đi cai nghiện” thì lại rủ nhau tái nghiện; “Hội những người ghét cha, mẹ” thì đăng tải các bài viết, chia sẻ để “kể tội”, nói xấu, thậm chí thể hiện thái độ thù hằn với chính cha, mẹ mình...

Điển hình trong đó phải kể đến “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”. Với mục đích ban đầu chỉ để giải trí, chia sẻ trạng thái vui vẻ, nhóm này đã nhanh chóng “biến tướng” khi thu hút không ít người có tư tưởng xấu, muốn cấu kết để làm liều. Hiện nhóm đã có tới hơn 4.000 thành viên, mà thành phần chủ yếu là những người thích ăn chơi, lêu lổng, vỡ nợ, cờ bạc... Ví như một tài khoản có tên A.M “trải lòng” về “sự nghiệp” lừa đảo của mình: “Không biết có bác nào trong nhóm như em không. Em làm lừa đảo trên MXH từ năm 2019 đến cuối 2021 cũng được vài tỷ. Đừng hỏi vì sao không bị bắt nhé vì có bài bản hết rồi, em có kinh nghiệm nên trường hợp xấu rất ít xảy ra. Nhưng, đến năm 2022, vì ham mê cờ bạc nên mất hết, mất cả danh dự và tiếng nói. Giờ em nản quá, chắc vài năm mới trở lại như cũ”.

Thực tế, đã có những hành vi phạm tội ngoài đời thật, xuất phát từ các hội nhóm ảo trên MXH. Chẳng hạn như vụ 2 đối tượng dùng dao và súng giả xông vào một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm để cướp 500 triệu đồng. Tại cơ quan công an, hai đối tượng khai nhận đã quen nhau thông qua nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”. Cả hai đều không có nghề nghiệp ổn định và đang nợ tiền của nhiều người nhưng không có khả năng trả nên nảy sinh ý định cướp tài sản để trả nợ. Hoặc gần đây, ngày 27-4, Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Vũ Nguyễn Nhật Vy (22 tuổi, là sinh viên đại học) về tội môi giới mại dâm. Theo cơ quan công an, từ tháng 11-2021 đến nay, Vy đã tạo các tài khoản trên MXH và lập các nhóm kín thu hút khoảng 1.500 thành viên, nhằm mục đích tuyển gái bán dâm nhưng núp bóng sugar baby - sugar daddy...

Vụ cướp táo tợn và hành vi môi giới mại dâm mà các đối tượng phạm tội khai nhận quen biết nhau qua MXH, hoặc lợi dụng MXH để thực hiện hành vi phạm tội kể trên, đã khiến nhiều người không khỏi giật mình tự hỏi: phải chăng MXH đang trở thành “tụ điểm” tập hợp, lôi kéo những đối tượng bất mãn, thiếu niềm tin, lý tưởng? thậm chí là môi tường để “nuôi dưỡng” không ít mầm mống tội phạm? Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Nữ Sinh, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ lý luận trẻ cấp tỉnh, chia sẻ: “Các hội, nhóm có tư tưởng, hành vi tiêu cực thì ngay từ tên gọi cũng đã thể hiện rõ chiều hướng xấu, đi ngược lại với các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục và gây kích thích sự hiếu kỳ, tò mò của người sử dụng MXH, đặc biệt là các bạn trẻ. Tuy là hội, nhóm ảo nhưng hệ lụy lại là thực, nên nếu các bạn trẻ không đủ hiểu biết và tỉnh táo để phân biệt tốt xấu, đúng sai thì nó sẽ là con dao 2 lưỡi có thể gây ra những hậu quả, hệ lụy khôn lường”.

Và mối nguy từ “vi-rút tẩy não”

Gần đây, sau hàng loạt vụ lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt giữ, như CEO Nguyễn Phương Hằng bị bắt về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Chủ tịch Tập đoàn FLC - Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm bị bắt về tội thao túng thị trường chứng khoán; Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - Đỗ Anh Dũng bị bắt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản... thì gần như ngay lập tức MXH xuất hiện “luồng thông tin đen” từ các đối tượng cơ hội, phần tử phản động và một số cá nhân tự xưng là nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền. Để lôi kéo sự quan tâm của người dùng MXH, các đối tượng này đã tập trung “lên bài” cố tình suy diễn, quy chụp và thổi phồng một vài sự việc cá biệt thành “tình trạng đang phổ biến” và là hệ quả của chế độ XHCN, là “căn bệnh” do độc Đảng mà ra. Đi đôi với những luận điệu xuyên tạc thể hiện rõ bản chất “thù địch”, “phản động”, “phá hoại”; chúng còn kích động, hô hào, xúi giục người dân gây rối trật tự an ninh, hoặc “tẩy não” khiến những người thiếu hiểu biết mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Trở lại thời điểm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật cũng được các phần tử phản động, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng như một chiêu bài để chống phá Đảng, Nhà nước. Luồng thông tin xấu độc, sai sự thật này được ví như một “biến chủng” nguy hại không kém gì các biến chủng của SARS-CoV-2. Điển hình như đối tượng Lisa Phạm (tức Phạm Thị Anh Đào) thường xuyên làm các clip xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch, nhằm vu cáo Chính phủ đã “ép nhỏ con số lây nhiễm và tử vong”; hay Lê Văn Sơn - đối tượng hoạt động tích cực cho các báo, đài phản động trong và ngoài nước, thường xuyên đăng tải các bài viết thể hiện quan điểm “đa nguyên, đa đảng” – cũng có nhiều bài viết chống phá công tác phòng, chống dịch của Chính phủ... Qua theo dõi của Bộ Thông tin và Truyền thông, các video clip có nội dung phản động, xấu độc, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam hầu hết nằm trong số hơn 130.000 kênh do Youtube trực tiếp quản lý. Trong đó, đáng chú ý có hơn 80 kênh phản động chuyên nghiệp, thường xuyên đăng tải thông tin, tuyên truyền chống phá Nhà nước như Việt Tân, Tiếng Dân, Đệ tam Cộng Hòa, Chân trời mới...

Năm 2021, hệ thống giám sát an ninh mạng tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận, có 96 lượt cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh thường xuyên bị lây nhiễm mã độc; phát hiện và ngăn chặn 10.379 hành vi dò quét, 599 cuộc tấn công khai thác, chiếm quyền quản trị, 189 cuộc tấn công bằng mã độc, 450 cuộc tấn công vào ứng dụng web. Đồng thời, đã phát hiện một số hội, nhóm có dấu hiệu hoạt động phức tạp, đăng tải, chia sẻ, bình luận các bài viết, thông tin nhạy cảm, tiêu cực, trái chiều liên quan đến các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp và các vấn đề nóng được dư luận quan tâm. Điển hình như các trang: “Thông tin Nghi Sơn”; “Thị xã Nghi Sơn”; “Quê tôi Thanh Hóa”; “Trung tâm tin tức 24h”... Đáng chú ý, đã phát hiện trang facebook “Fans ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng”; “Hội những người đi tù”; “Hội những người chuẩn bị đi tù” đăng tải nhiều tin, bài và bình luận có nội dung xúc phạm uy tín, danh dự của lực lượng công an; kích động, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng; cổ súy tư tưởng đa nguyên, đa đảng... Qua rà soát, theo dõi, lực lượng chức năng đã phát hiện và yêu cầu 248 trường hợp gỡ bỏ tin, bài có nội dung xấu, độc liên quan đến Thanh Hóa; đồng thời, củng cố tài liệu, chứng cứ tiến hành xử phạt đối với 42 trường hợp.

Với sự thay đổi liên tục, tốc độ phát triển chóng mặt và sức hấp dẫn khó cưỡng, không thể phủ nhận, MXH mang lại nhiều tiện ích cho con người. Song, việc thiếu hiểu biết khi dùng MXH; hoặc cố tình lợi dụng MXH cho những hành vi trái pháp luật... đã biến MXH trở thành “con dao hai lưỡi”. Hệ quả là, sự thiếu hiểu biết, dễ dãi, “hiệu ứng đám đông” của một bộ phận người dân; đồng thời, thiếu các “hàng rào kỹ thuật” giám sát, ngăn chặn và chế tài răn đe các đối tượng gây rối, đã tạo cơ hội và môi trường cho vi-rút xấu, độc tấn công và “tẩy não”, ăn mòn nhận thức của người dân. Do đó, việc dẹp “rác” trên không gian mạng ngoài việc cảnh báo người dùng, cũng cần sự quyết tâm một cách cứng rắn từ phía Nhà nước, các nhà quản lý hạ tầng mạng, có như vậy mới mong sớm dẹp được vấn nạn “rác” trên không gian mạng cũng như những nguy hại từ vi-rút mạng...

Nhóm PV phòng XDĐ-NC - baothanhhoa.vn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THANH HÓA

Giấy phép số 12/GP-TTĐT do Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 11/4/2014

Chịu trách nhiệm: Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc

Địa chỉ: Tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa, Đại lộ Nam Sông Mã - Phố Ái Sơn 2 - Phường Đông Hải - Thành phố Thanh Hóa

Số ĐT: (02373) 713.985 - Fax: (02373) 713.985

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa