Để thông tin xấu, độc không lây lan như biến chủng COVID-19: Bài 1- Bẫy thông tin xấu, độc - “mồi câu” dễ mắc
Nếu dịch bệnh COVID-19 đang lây lan với những biến chủng khiến cả thế giới phải “khiếp sợ” thì trên không gian mạng, thông tin xấu, độc cũng đang được ví như một dạng “biến chủng” phát tán tràn lan với tốc độ và cấp độ ngày càng tăng. Qua đó, đã gây tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước; đồng thời gây bất ổn chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Hội nghị tập huấn kỹ năng nhận diện, phòng, chống thông tin xấu, độc trên internet và mạng xã hội. Ảnh: Lê Phượng
Với số lượng người dùng tăng trưởng nhanh chóng, các mạng xã hội (MXH) đang tạo ra một “xã hội” tồn tại song song với xã hội thực. Tuy vậy, cùng với những tiện ích của truyền thông xã hội mang lại, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức từ tác động tiêu cực, khó kiểm soát từ MXH, đó là vấn nạn tin giả, thông tin xấu, độc.
Nhìn từ cấp độ “biến thể”...
Thường xuyên tiếp xúc internet, nhất là các trang MXH, có lẽ chúng ta không còn xa lạ với những thông tin, bài viết có nội dung đề cập đến vấn đề tiêu cực, nhất là những vụ việc sai phạm, những vụ án tham nhũng của các cán bộ, lãnh đạo luôn là đề tài nóng được cả xã hội quan tâm. Lợi dụng sự quan tâm này, các đối tượng cơ hội, phần tử phản động đã tập trung đăng tải trên các website, blog, facebook... của một số hội, nhóm phản động và một số cá nhân tự xưng là những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền. Đặc biệt, để lôi kéo người dân tin tưởng vào các luận điệu xuyên tạc, các đối tượng này đã cố tình suy diễn, quy chụp và thổi phồng cho đó là một “tình trạng đang phổ biến”, là hệ quả của chế độ XHCN, là “căn bệnh” do một Đảng lãnh đạo... Nguy hiểm hơn, để truyền tải rộng rãi các thông tin xuyên tạc tới người dân, chúng còn lập riêng một số website, blog, facebook để đăng tải bài viết, hình ảnh xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ về đời tư, sự minh bạch của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ví như “Tinh hoa Hoa Kỳ”, “Tri thức trẻ 24h”... nhằm kích động, gây hoài nghi trong Nhân dân vào các cấp lãnh đạo, hệ thống chính quyền, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân vào Đảng và chế độ. Và, đi đôi với những luận điệu xuyên tạc chúng cũng bộc lộ bản chất “phản động”, “phá hoại” Đảng, Nhà nước, hô hào, xúi giục Nhân dân gây rối trật tự, đòi dân chủ...
Thời điểm đất nước diễn ra cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội luôn ra sức đẩy mạnh các hoạt động chống phá công tác bầu cử. Trên các trang MXH do các tổ chức phản động, phần tử cơ hội điều hành liên tục lan truyền những bài viết bịa đặt về việc “xếp ghế” cho đại biểu, nhân sự trong Quốc hội. Đồng thời, rêu rao rằng bầu cử ĐBQH chỉ là hình thức... Những luận điệu này đã tiếp cận đến không ít người dùng MXH, thậm chí có một số người dùng MXH non kém, thiếu nhận thức, thiếu hiểu biết đã nghe và tin theo. Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, thời điểm diễn ra cuộc bầu cử riêng tổ chức khủng bố Việt Tân đã duy trì 1.000 tài khoản để chống phá bầu cử.
Trong bối cảnh cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật cũng được ví như một “biến chủng” được các phần tử phản động, thế lực thù địch triệt để lợi dụng như một chiêu bài để chống phá Đảng, Nhà nước. Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, bằng các hình thức, chiêu trò như tạo dựng, cắt ghép hình ảnh, video clip... các đối tượng hết xuyên tạc những nội dung chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm gây rối loạn trật tự, hoang mang dư luận, tạo thêm khó khăn trong công tác phòng, chống dịch; chúng còn tập trung phát tán các thông tin giả, sai sự thật, sử dụng các “con rối” dưới danh nghĩa “nhà dân chủ” để quấy nhiễu công tác phòng, chống dịch COVID-19. Có thể kể đến một số đối tượng nổi cộm như: Lisa Phạm (Phạm Thị Anh Đào, đối tượng thường xuyên làm các clip xuyên tạc sự thật về công tác phòng, chống dịch, vu cáo Chính phủ đã chỉ đạo “ép nhỏ con số lây nhiễm và tử vong”; Lê Văn Sơn, một đối tượng hoạt động tích cực cho các báo, đài phản động, thường xuyên đăng tải các bài viết thể hiện quan điểm “đa nguyên, đa đảng”, còn khi dịch COVID-19 phức tạp, thì tiếp tục có những bài viết chống phá công tác phòng, chống dịch của Chính phủ...
Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu, độc cùng số lượng lớn các video clip tự phát tán tràn lan trên không gian mạng đã gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội. Ngày 23-7-2021 Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành công văn gửi các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về COVID-19 trên MXH. Trong đó, tập trung vào các nội dung về việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc-xin COVID-19; diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương... Theo thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, tính từ ngày 27-4 đến 30-8, các đơn vị chức năng Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý trên 37 trường hợp đăng tải, chia sẻ, bình luận những bài viết, hình ảnh có nội dung sai sự thật, chưa được kiểm chứng liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19.
Trao đổi về tình trạng thông tin xấu, độc trên MXH, tại hội nghị tập huấn kỹ năng nhận diện, phòng, chống thông tin xấu, độc trên internet và MXH tổ chức tại Thanh Hóa, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: “Các thông tin tiêu cực như thông tin sai lệch, xuyên tạc, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá Nhà nước... chủ yếu xuất hiện ở trang tin không rõ nguồn gốc, trên các MXH nước ngoài do các thế lực thù địch lập nên nhằm mục đích tung tin giả, gây nhiễu loạn thông tin, gây mất ổn định xã hội. Nhiều quảng cáo của các doanh nghiệp trong và ngoài nước được đính kèm những clip phản động, vi phạm quy định pháp luật Việt Nam. Qua theo dõi của Bộ Thông tin và Truyền thông, các video clip có nội dung phản động, xấu độc, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam hầu hết nằm trong số 130.000 kênh do YouTube trực tiếp quản lý. Trong đó, đáng chú ý có khoảng 80 kênh phản động chuyên nghiệp, thường xuyên đăng tải thông tin, tuyên truyền chống phá Nhà nước, như Việt Tân, Tiếng Dân, Đệ tam Cộng Hòa, Chân trời mới”...
Đừng để bị “dắt mũi”
Cầm trên tay chiếc smartphone, chị Lê Phương Hà, TP Thanh Hóa cho biết: “Mỗi lần lướt vào MXH thì tôi thấy hiện nhiều đường link về các hội, nhóm. Một lần tò mò, tôi đã kích vào trang “Hội sinh viên nhân quyền” để xem nội dung hoạt động của trang này thế nào nhưng khi đọc được vài nội dung thì thấy toàn đề cập đến những chuyện xấu nơi này, nơi kia, bôi nhọ đất nước, nói xấu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nói xấu chế độ... sau đó là kêu gọi đấu tranh. Thấy không ổn, tôi đã chủ động thoát ra, không tham gia dưới bất cứ hình thức nào, đồng thời cũng trao đổi với bạn bè, người thân cẩn trọng trước các trang MXH có tên “rất kêu” tưởng rất “tích cực” nhưng bản chất thì không như tên gọi. Có thể kể đến một số trang tương tự như “Trí thức trẻ 24h”, “Tập hợp quốc dân Việt”, “Tiếng dân”, “Hội anh em”, “Hội dân chủ”...”.
Trên trang facebook “Hoa Kỳ channel” thì liên tục đăng tải các nội dung về đời tư của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong đó chủ yếu là các nội dung bình luận, thổi phồng, suy đoán, suy diễn không đúng sự thật về mối quan hệ giữa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, chia rẽ, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước liên tục được các thành viên của trang này đăng tải, chia sẻ trên không gian mạng... nhằm chia rẽ khối đoàn kết trong Đảng và lôi kéo người tham gia vào nhóm để tập hợp lực lượng chống phá Đảng, Nhà nước.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ngay sau khi xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 tại huyện Nông Cống, Nga Sơn, TP Thanh Hóa, nhiều tin sai sự thật, tin đồn thất thiệt về tình hình dịch bệnh đã gia tăng trên MXH làm hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Nguy hiểm hơn, từ các thông tin được phát tán sai sự thật này, các đối tượng cơ hội, phản động đã triệt để lợi dụng, chúng coi đây là chất liệu, bằng chứng để xuyên tạc, thổi phồng hiện tượng, gây rối, chống phá nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19 của các cấp ủy đảng, chính quyền. Theo Sở Thông và Truyền thông, qua công tác kiểm tra, rà soát thông tin trên MXH, sở đã phát hiện nhiều tài khoản MXH đăng tải thông tin sai sự thật, trong đó có những thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19 và đã tiến hành xử lý nghiêm theo quy định. Điển hình như, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã ra Quyết định số 07/QĐ-XPVPHC xử lý vi phạm cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật với số tiền 7,5 triệu đồng đối với chủ tài khoản là bà L.Th.H.
Tại Trung tâm An ninh mạng và An toàn dữ liệu của tỉnh, 6 tháng đầu năm 2021 đã tiến hành rà soát, theo dõi, phát hiện 103 trường hợp lợi dụng MXH đăng tải thông tin có nội dung xấu, độc, trong đó đã xử lý vi phạm 12 trường hợp về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật. Ngày 29-8, Công an TP Thanh Hóa phát hiện tài khoản “Hoang Hai Duong” đăng tải thông tin sai sự thật về tình hình cách ly của các trường hợp F2 trên địa bàn phường Tào Xuyên, gây hoang mang trong Nhân dân. Tại cơ quan công an, chủ tài khoản đã thừa nhận nội dung đăng tải là vi phạm pháp luật và tự gỡ bỏ bài viết, cam kết không chia sẻ, đăng tải các bài viết có nội dung tương tự. Theo Công an TP Thanh Hóa, qua xác minh cho thấy, các đối tượng đăng tải thông tin bịa đặt, xuyên tạc có nguyên nhân do thiếu hiểu biết, thiếu nhận thức, thích khai thác các loại thông tin đa chiều trên internet nhưng thiếu bản lĩnh để phân tích, xử lý thông tin; bình luận, cổ súy những sự kiện, vấn đề nhưng không hiểu được nội dung, bản chất do đó đã dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật.
Trong bối cảnh thế giới ngày càng “phẳng”, không thể phủ nhận những tiện ích của MXH, nhưng cũng không loại trừ rất nhiều những rủi ro đã, đang và sẽ còn tiềm ẩn trên MXH. Vì vậy, để tránh những tác động xấu của MXH, cơ quan công an khuyến cáo: “Người sử dụng MXH cần phải tỉnh táo, nhận rõ tính hai mặt của MXH, nhất là mặt tiêu cực, tránh tình trạng vô tình tiếp tay cho các hoạt động chống phá; phải tự nâng cao cảnh giác, tự phòng ngừa, có kiến thức toàn diện, biết đánh giá, xác minh thông tin bằng nhiều nguồn thông tin chính thống, làm chủ bản thân và biết kiềm chế trong mọi tình huống mà MXH mang đến”.
Bài 2: “Lá chắn” thông tin xấu, độc - “vùng xanh” cho không gian mạng.
Theo baothanhhoa.vn