Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 10

    Hôm nay: 31

    Đã truy cập: 7937424

Để thông tin xấu, độc không lây lan như biến chủng COVID-19: Bài 2 - “Lá chắn” thông tin xấu, độc - “vùng xanh” cho không gian mạng

“Vùng xanh” là cụm từ được dùng chỉ vùng an toàn, bình thường trong phòng, chống dịch COVID-19, còn trên không gian mạng “vùng xanh” cũng đang được hiểu như tốc độ phủ sóng, lượng tương tác những thông tin tích cực từ người dùng mạng xã hội (MXH) và tinh thần thượng tôn pháp luật. Vì vậy, để tạo “vùng xanh” cho không gian mạng, cần tạo được “lá chắn” đối với thông tin xấu, độc...


Công an huyện Thọ Xuân kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Lê Phượng

Tự do nhưng không “lệch chuẩn”

Tình hình dịch bệnh COVID-19 đã và đang là chủ đề nóng, không chỉ được xã hội quan tâm mà còn thu hút sự tham gia “tích cực” của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội. Đơn giản chỉ với một thông tin lan truyền trên MXH “bộ đội đi chợ giúp dân bị bom hàng”, ngay sau đó - “tát nước theo mưa”, một tài khoản facebook rêu rao rằng “Chính quyền vu khống dân bom hàng”. Thông tin này sau khi được chia sẻ lên các hội, nhóm đã khiến dư luận hoang mang. Ngoài ra, tài khoản này cũng chia sẻ đến rất nhiều trang facebook khác có nội dung xuyên tạc, chống phá nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19 và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Một trường hợp khác về một vị CEO nữ nổi tiếng cũng đang làm MXH đảo điên và người dùng MXH luôn trong tình trạng “nóng máy” khi ngày nào cũng ra rả xuất hiện với những lời lẽ không mấy trong sáng nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một số cá nhân, tổ chức, vi phạm nghiêm trọng đạo đức, thuần phong mỹ tục.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, theo cơ quan chức năng tỉnh, một số đối tượng là thành viên Đảng Việt Tân, Dân oan khiếu kiện, như Nguyễn Văn Tráng, Trịnh Hữu Long và các phần tử bất mãn có sự tiếp sức của các thế lực bên ngoài cũng thường xuyên lợi dụng không gian mạng để thông tin sai sự thật, xuyên tạc về các vụ việc phức tạp, nhạy cảm nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong cả nước. Theo Công an TP Thanh Hóa, từ đầu năm đến ngày 20-9, đã phát hiện, xử lý 16 trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến tình hình dịch, bệnh COVID-19 và công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Phát hiện, xử lý 6 trường hợp đăng tải tin, bài nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, cơ quan Nhà nước tại Thanh Hóa. Công an thành phố đã yêu cầu các đối tượng gỡ bỏ bài viết, đính chính công khai thông tin, xin lỗi công khai và giao cho các phường, xã quản lý, theo dõi.

Trước những thách thức về vấn nạn tin giả, thông tin xấu, độc, nhằm góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh và chấn chỉnh những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, ứng xử trên MXH, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH gồm 3 chương, 9 điều, trong đó quy định quy tắc ứng xử chung và quy tắc ứng xử riêng cho các đối tượng, như: quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân; quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước... Về vấn đề này, đồng chí Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa, cho rằng: “Để Bộ quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, các cơ quan Nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ MXH cần đẩy mạnh tuyên truyền, gắn với quy chế hoạt động của từng cơ quan, đơn vị để các nội dung được điều chỉnh để mỗi cán bộ, công chức, viên chức hiểu và thực hiện các quy định của quy chế. Các nhà cung cấp dịch vụ MXH tăng cường trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội; có các biện pháp phát hiện, thông báo và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn và loại bỏ các nội dung thông tin vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật để xử lý theo các quy định của pháp luật Việt Nam”.

Trước đó, để xây dựng những hàng rào bảo vệ trên không gian mạng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, cùng với các quốc gia trên thế giới đã ban hành quy định pháp luật về an ninh mạng, Việt Nam đã xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng. Theo luật gia Hà Sĩ Thắng, Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa: “Luật sau khi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Xây dựng một môi trường không gian mạng lành mạnh, an toàn và hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định, tạo hành lang pháp lý về an ninh mạng theo hướng áp dụng các quy định pháp luật đồng bộ, khả thi, bảo đảm trình tự, thủ tục trong thực tiễn thi hành. Đặc biệt, với hàng rào từ Luật An ninh mạng đã giải quyết tốt yêu cầu về phòng ngừa và hình thành cơ chế phối hợp, hiệp đồng tác chiến thông suốt giữa các lực lượng chức năng trong phát hiện, xử lý, khắc phục, ứng phó kịp thời với các tình huống an ninh mạng”.

Cơ sở là pháo đài, người dân là “chìa khóa”...

Trong cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, mỗi người dân được ví như đang giữ một “chìa khóa” an ninh mạng. Bởi vậy, cần thiết phải kiên trì xây dựng mỗi công dân trở thành một chiến sĩ trên mặt trận bảo đảm an ninh mạng để khi tiếp xúc với tin tức trên MXH, mỗi người cần kiểm chứng và chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực...

Cũng như nhiều người dân, anh Phan Thanh Dũng (Thọ Xuân) thường truy cập internet và các trang MXH để đọc tin tức, xem hình ảnh khi có thời gian rảnh. Song anh Dũng chia sẻ: “Không ít lần tôi đã bắt gặp những đoạn video, bài viết, những thông tin thiếu xác thực với cách giật tít và những nội dung xấu, phản cảm cùng với lượt thích, chia sẻ chóng mặt đã đưa người đọc vào ma trận thông tin”. Anh Dũng dẫn chứng: “Trong lúc cả nước đang căng mình chống dịch thì nổi lên một số đối tượng gọi là cộng đồng chống dịch online với các bài viết kiểu phá đám như “Nên có cuộc họp cấp cao hơn Hà Nội quyết định phương án cho Hà Nội”; “Hà Nội nên cho F0 điều trị tại nhà”... Cùng với đó, trên MXH cũng liền xuất hiện rầm rộ các bài viết giật gân “Hà Nội biến thành nhà tù”... Đối với những dạng thông tin như thế này, cá nhân tôi luôn bình luận thể hiện quan điểm, chính kiến, lập trường của mình về sự việc, nhất là phải định hướng dư luận hướng đến những thông tin chính xác, đúng sự thật để người thân, bạn bè, cộng đồng mạng biết, tránh để xảy ra tình trạng a dua, cổ súy cho thông tin bịa đặt, chống phá.

Thông tin xấu, độc là một thuộc tính, mặt trái của môi trường thông tin. Khi mặt trái, tiêu cực hay đời sống kinh tế - xã hội càng khó khăn thì thông tin xấu, độc sẽ càng xuất hiện nhiều, bởi âm mưu làm cho đất nước suy sụp vốn dĩ là mục tiêu chưa bao giờ dừng lại của các thế lực thù địch. Vì vậy, việc ngăn chặn sự xuất hiện của thông tin xấu, độc đòi hỏi phải có sự đồng bộ và trách nhiệm. Về vấn đề này, gắn với công tác lãnh chỉ đạo, các đồng chí lãnh đạo các cấp đã nhắc nhiều đến việc phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp từ cơ sở trong đó có “lá chắn” thông tin xấu, độc. Vì vậy, để mở rộng “vùng xanh” trên không gian mạng, Công an TP Thanh Hóa đã phát động và triển khai hiệu quả chiến dịch “giải độc” thông tin và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, với việc quản lý hiệu quả 2 kênh truyền thông của Công an TP Thanh Hóa là fanpage “Công an thành phố Thanh Hóa” và zalo OA “Công an thành phố Thanh Hóa”, bình quân trong tháng đã đăng tải 1.041 tin, bài viết trên fanpage, thu hút 2.442.971 lượt người tiếp cận; 5.130.410 lượt tương tác với bài viết; 70.696 lượt thích trang mới, đạt 88.000 người đăng ký theo dõi; đính chính 5 tin giả và cập nhập các thông tin chính thống cho quần chúng Nhân dân. Trang zalo OA thu hút 6.321 lượt đăng ký theo dõi mới; cập nhập đăng tải 155 tin, bài mới.

Xác định đội ngũ đoàn viên, thanh niên là đối tượng tham gia chính trên MXH nên rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng lan truyền thông tin xấu, độc. Từ thực tế đó, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Bí thư Huyện đoàn Cẩm Thủy, cho biết: “Huyện đoàn thường xuyên phối hợp với các đơn vị, tổ chức tuyên truyền pháp luật về sử dụng MXH cho đoàn viên, thanh niên, thành lập các trang, nhóm trên facebook, zalo nhằm tuyên truyền, chia sẻ các thông tin tích cực, hướng đến xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên tích cực trên không gian mạng”.

Với vai trò “chủ công” trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Ban Chỉ đạo 35 tỉnh Thanh Hóa luôn chủ động, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong tuyên truyền, phát tán các thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, để tiếp tục nâng mức độ đấu tranh phòng, chống thông tin xấu, độc, tại hội nghị sơ kết công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 35 tỉnh đã nhấn mạnh thêm về nội dung “khẩn trương xây dựng chương trình trọng tâm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo định hướng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng do Ban Chỉ đạo 35 Trung ương mới ban hành, trong đó yêu cầu các địa phương, đơn vị phải xác định rõ nội dung, công việc cần làm bám sát điều kiện thực tế. Chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm các hoạt động chống phá, tập trung phát hiện các trang web, blog, diễn đàn thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch; phát hiện cá nhân, tổ chức, quản lý điều hành các trang MXH để đấu tranh, xử lý”.

Trước những vấn nạn và thách thức mà thông tin xấu, độc đã và đang đặt ra hiện nay, tại hội nghị tập huấn kỹ năng nhận diện, phòng, chống thông tin xấu, độc trên internet và MXH tổ chức tại Thanh Hóa, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết đây cũng là “vấn nạn toàn cầu và việc quản lý hiệu quả MXH, ngăn chặn những mặt trái của nó là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam”. Ông Lê Quang Tự Do đã trao đổi một số giải pháp về việc “xây dựng mô hình quản lý riêng đối với lĩnh vực thông tin trên MXH theo hướng phản ứng nhanh, thống nhất dựa trên những đặc trưng, nguyên lý hoạt động riêng có của MXH để đáp ứng các yêu cầu quản lý trong tình hình mới; đầu tư, xây dựng hệ sinh thái nội dung số đủ mạnh để người dân có thêm nhiều sự lựa chọn sử dụng dịch vụ, phá thế độc quyền của nền tảng, dịch vụ của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam”.

Về vấn đề này, một số cơ quan chức năng tỉnh, cũng cho rằng: “Cùng với việc hoàn thiện các chế tài pháp luật và nền tảng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phát hiện, xử lý, ngăn chặn các thông tin xấu, độc cũng cần đặc biệt coi trọng, nâng cao toàn diện kỹ năng, khả năng tự “miễn dịch cộng đồng” trước các tin giả, tin sai sự thật. Đây cũng chính là một loại vắc-xin phòng, ngừa hiệu quả trước sự tấn công của thông tin xấu, độc và những “biến chủng” ăn theo do các thế lực, phần tử phản động trong và ngoài nước tán phát, xuyên tạc. Bởi, thực tế, nếu chỉ phụ thuộc vào sự can thiệp của pháp luật và trách nhiệm từ cơ quan chức năng mà bỏ qua vai trò chủ động từ trận địa thông tin ở cơ sở, thì chính chúng ta đang tạo nên những “khoảng trống” thông tin cho kẻ thù lợi dụng.

Theo baothanhhoa.vn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THANH HÓA

Giấy phép số 12/GP-TTĐT do Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 11/4/2014

Chịu trách nhiệm: Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc

Địa chỉ: Tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa, Đại lộ Nam Sông Mã - Phố Ái Sơn 2 - Phường Đông Hải - Thành phố Thanh Hóa

Số ĐT: (02373) 713.985 - Fax: (02373) 713.985

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa