Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 1

    Hôm nay: 4781

    Đã truy cập: 8772765

Ngăn chặn vi-rút xấu, độc ăn mòn nhận thức, biến dạng hành vi (Bài 2): Ranh giới... để không lệch chuẩn

Trước những hệ lụy từ “thế giới ảo” đã và đang tác động sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội, bản thân người sử dụng mạng xã hội (MXH) phải đề cao cảnh giác, làm sao để sử dụng MXH một cách hiệu quả, đừng vượt “ranh giới” để sẽ bị nghiêm trị trước pháp luật.


Hội nghị tập huấn kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch 2022. Ảnh: Lê Phượng

Nhận thức đúng về quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin

Không ít người cho rằng, mọi người đều có quyền sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, MXH, xem đó là một quyền tuyệt đối không có giới hạn. Cho nên việc đưa thông tin sai sự thật, thông tin bịa đặt... lên mạng cũng không phải chịu trách nhiệm gì. Thời gian qua, để phản đối Luật An ninh mạng các đối tượng chống đối từng đưa ra luận điệu rằng luật này không hề mang lại lợi ích gì cho nước cho dân, cả chính trị và kinh tế, mà chỉ giúp cho bọn tham nhũng đang bị truy đuổi hơn hai năm qua có khả năng “lật cờ”, trỗi dậy. Cho dù đã có nhiều cải cách, Việt Nam vẫn đang được thế giới xếp vào hàng các quốc gia có rất ít tự do... Đây thực chất đều là thủ đoạn chính trị xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; xuyên tạc lịch sử cách mạng, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo; phá hoại mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân; kích động hận thù dân tộc; phá hoại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Pháp luật nước ta cũng như các quốc gia đều quy định, quyền bao giờ cũng đi đôi với nghĩa vụ. Hiến pháp và nhiều bộ luật nước ta đã quy định rõ các quyền tự do ngôn luận, báo chí, kể cả sử dụng MXH và quyền tiếp cận thông tin (TCTT). Bởi vậy, hơn lúc nào hết, cán bộ, đảng viên và người dân cần hiểu rõ và nắm vững các quy định của pháp luật về quyền tự do ngôn luận, quyền TCTT; đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác với những thủ đoạn tung tin ảo trên MXH, tránh tình trạng vô tình trở thành người vi phạm pháp luật, phá hoại chế độ.

Quyền con người, quyền công dân của Nhân dân Việt Nam không chỉ được quy định trong Hiến pháp, pháp luật mà còn được bảo đảm trong thực tế. Nhiều quyền dân sự, chính trị đã được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Năm 2016, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã thông qua Luật TCTT. Đây là một văn kiện pháp luật cụ thể hóa về quyền tự do ngôn luận, báo chí của Hiến pháp năm 2013. Theo quy định của Luật TCTT thì quyền TCTT là một quyền có thể bị hạn chế hoặc là quyền có điều kiện. Trong đó, có những quyền bị hạn chế như: “Thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng - an ninh quốc gia, đối ngoại,...”; những thông tin mà “nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng - an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng... Luật này cũng quy định quyền và nghĩa vụ của công dân (trong việc TCTT), đó là những quyền: “Được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về TCTT”. Đồng thời, công dân có nghĩa vụ sau: “Tuân thủ quy định của pháp luật về TCTT; không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền TCTT”; không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp...

Có thể khẳng định, khung pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quyền tự do ngôn luận, báo chí, TCTT của công dân là cơ bản đầy đủ, đồng bộ, hoàn toàn tương thích với luật quốc tế về quyền con người; tôn trọng và bảo đảm quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận, báo chí, TCTT nói riêng. Trong đó, quy định rõ quyền, nghĩa vụ và việc hạn chế quyền này của công dân trong trường hợp cụ thể, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Hiến pháp 2013 và nhiều công ước quốc tế về quyền con người cũng đã được quy định rất rõ và cụ thể quyền tự do ngôn luận và quyền TCTT. Trao đổi về vấn đề này, Luật gia Hà Sĩ Thắng, Hội Luật gia tỉnh, chia sẻ: “Bộ luật Hình sự 2015 đã có những quy định bảo vệ các quyền này. Điều 288 quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông “phạt tiền” người nào thực hiện nhằm “thu lợi bất chính”; “gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân” số tiền phạt lên đến hàng tỷ đồng. “Phạt cải tạo không giam giữ” phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với những người: Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông “những thông tin trái với quy định của pháp luật...”.

Tự do phải trong khuôn khổ

Thời gian qua, không riêng vụ việc Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, tạm giam để điều tra về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; việc livetream bán hàng, giả danh kêu gọi từ thiện, đưa tin giật gân, bóc phốt lẫn nhau, “anh hùng bàn phím” cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, theo cơ quan chức năng tỉnh, một số đối tượng là thành viên Đảng Việt Tân, Dân oan khiếu kiện và các phần tử bất mãn có sự tiếp sức của các thế lực bên ngoài cũng thường xuyên lợi dụng không gian mạng để thông tin sai sự thật, xuyên tạc về các vụ việc phức tạp, nhạy cảm nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong cả nước. Đây là thực tế đáng báo động về môi trường mạng hiện nay.

Trao đổi với chúng tôi, chị Phùng Tố Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ lý luận trẻ tỉnh, chia sẻ: “Sức hút của các trang MXH đang chiếm phần lớn thời gian của người sử dụng internet, nhất là giới trẻ. Những câu chuyện mang tính đời tư, hình ảnh bạo lực, thiếu văn hóa lại càng dễ dẫn dắt và lôi kéo người dùng. Nếu không biết chọn lọc kỹ càng, ứng xử trước các thông tin xấu, độc sẽ dễ dẫn đến hành vi lệch chuẩn”.

Thực tế, không một quốc gia nào trên thế giới coi quyền tự do của con người là tuyệt đối. Bởi rằng, nếu tự do là tuyệt đối thì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội sẽ không được bảo đảm bởi xã hội đã bị loạn khi con người có thể tự do cướp bóc, tự do bắn giết... Quyền tự do của mỗi con người trong từng quốc gia đều được giới hạn trong khuôn khổ pháp luật của mỗi quốc gia đó. Trước những thách thức về vấn nạn tin giả, thông tin xấu, độc, nhằm góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam và chấn chỉnh những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, ứng xử trên MXH, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH, trong đó nhấn mạnh cá nhân, tổ chức không đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, tổ chức, cá nhân phải chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động, bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo. Khuyến khích sử dụng MXH để tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt... Theo đó, để Bộ Quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, ông Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho rằng: “Các cơ quan Nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ MXH cần đẩy mạnh tuyên truyền, gắn với quy chế hoạt động của từng cơ quan, đơn vị để các nội dung được điều chỉnh để mỗi cán bộ, công chức, viên chức hiểu và thực hiện các quy định của quy chế. Các nhà cung cấp dịch vụ MXH tăng cường trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội; có các biện pháp phát hiện, thông báo và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn và loại bỏ các nội dung thông tin vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật để xử lý theo các quy định của pháp luật Việt Nam”.

Trước đó, để xây dựng những “hàng rào bảo vệ” trên không gian mạng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đã xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng. Theo Luật gia Hà Sĩ Thắng, Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa: “Luật An ninh mạng được ban hành đã hình thành cơ chế phối hợp, hiệp đồng tác chiến thông suốt giữa các lực lượng chức năng trong phát hiện, xử lý, khắc phục, ứng phó kịp thời với các tình huống an ninh mạng”.

Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Và quyền tự do của mọi người trên đất nước Việt Nam đều được bảo đảm bằng pháp luật của nước Việt Nam. Lẽ tất nhiên, việc hoàn thiện thể chế và mở rộng hơn nữa các quyền tự do dân chủ của Nhân dân, đồng thời xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN vẫn đang là mục tiêu phấn đấu của chúng ta, thế nhưng dù có mở rộng “hết cỡ” thì cũng cần hiểu rằng các quyền tự do thì sự tự do ấy cũng phải luôn luôn được đặt trong sự kiểm soát, khuôn khổ của luật pháp. Do vậy, chỉ có nhận thức và hành xử theo các chuẩn mực; đúng quy định của pháp luật thì người dùng cũng mới mong sử dụng MXH một cách lành mạnh, văn minh, hiệu quả.

Nhóm PV phòng XDĐ-NC - baothanhhoa.vn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THANH HÓA

Giấy phép số 12/GP-TTĐT do Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 11/4/2014

Chịu trách nhiệm: Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc

Địa chỉ: Tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa, Đại lộ Nam Sông Mã - Phố Ái Sơn 2 - Phường Đông Hải - Thành phố Thanh Hóa

Số ĐT: (02373) 713.985 - Fax: (02373) 713.985

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa