Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 10

    Hôm nay: 10799

    Đã truy cập: 7786741

Ngăn chặn vi-rút xấu, độc ăn mòn nhận thức, biến dạng hành vi (Bài cuối): Đối diện để hòa nhập nhưng không hòa tan

Trong bối cảnh thế giới ngày càng “phẳng”, không thể phủ nhận những tiện ích của mạng xã hội (MXH), nhưng cũng không loại trừ rất nhiều những rủi ro đã, đang và sẽ còn tiềm ẩn trên MXH. Đối diện với những tác động xấu của MXH, mỗi người sử dụng MXH phải là người dùng thông thái...


Hội nghị tập huấn kỹ năng nhận diện, phòng chống thông tin xấu, độc trên Internet và mạng xã hội do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tại TP Thanh Hóa. Ảnh: Lê Phượng

Học cách sống chung

Không ai ngăn cản hay cấm đoán sở thích, thị hiếu của người dùng MXH. Tuy vậy, trong quá trình sử dụng, đối với mỗi người cũng không nên thờ ơ, bàng quan khi thấy những núi “rác” văn hóa đang từng giờ, từng ngày gây ô nhiễm không gian mạng. Bởi việc mỗi người dùng đều đứng ngoài cuộc chiến chống “rác” văn hóa mạng thì dù các cơ quan chức năng có mạnh tay, quyết liệt đến chừng nào cũng khó đạt kết quả tốt.

Là người thường xuyên sử dụng MXH, chị Lê Minh Trang, TP Thanh Hóa, chia sẻ: “Không ít lần tôi thấy những đoạn video, bài viết, thông tin thiếu xác thực có lượt thích, chia sẻ chóng mặt đưa người đọc vào ma trận thông tin, nhưng tôi luôn bình luận thể hiện quan điểm, lập trường, đúng sự thật để người thân biết, tránh xảy ra tình trạng a dua, cổ súy, hiệu ứng đám đông”.

Cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh, anh Lê Việt Anh (Triệu Sơn), cho biết: “Mỗi lần vào MXH, tôi thường thấy các đường link về các hội, nhóm... Tò mò, tôi đã kích vào trang “Hội dân chủ” nhưng khi đọc được vài dòng thì thấy toàn đề cập đến những chuyện xấu, bôi nhọ đất nước, nói xấu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nói xấu chế độ... sau đó là kêu gọi đấu tranh. Thấy không ổn, tôi đã chủ động thoát ra, không tham gia dưới bất cứ hình thức nào; đồng thời cũng trao đổi với bạn bè, người thân cẩn trọng trước các trang MXH có tên “rất kêu” nhưng bản chất thì không như tên gọi”.

Với tâm niệm, rác không thể biến mất ngày một, ngày hai, nhưng chắc chắn nó sẽ giảm đáng kể nếu chúng ta chung tay dọn dẹp và vun xới cho những điều tốt đẹp mỗi ngày, anh Ngô Văn Hải, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, cho biết: “Với những thông tin, hình ảnh “rác” trên mạng, tôi thường chủ động xóa các đường dẫn, thay vào đó luôn chia sẻ các thông tin tích cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, để lan tỏa tính nhân văn, hướng thiện trong cộng đồng”.

Thời gian gần đây, trên nền tảng MXH chúng ta không xa lạ với những thông tin, bài viết có nội dung đề cập đến vấn đề tham nhũng ở nước ta được đăng tải trên các website, blog, facebook... của một số hội, nhóm “xã hội dân sự” và một số cá nhân tự xưng là những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền... Nội dung, các bài viết thường mang nặng tính suy diễn chủ quan, thổi phồng, tô vẽ, thậm chí xuyên tạc trắng trợn tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta. Nguy hiểm hơn, để truyền tải rộng rãi các thông tin xuyên tạc tới người dân, chúng còn lập riêng một số website, blog để đăng tải bài viết, hình ảnh xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ đời tư của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Mục đích cuối cùng của chúng là nhằm vẽ lên một bức tranh xám xịt của xã hội Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Từ đó gây hoài nghi, làm mất niềm tin của Nhân dân vào Đảng và chế độ.

Cũng phải nói thêm rằng, tham nhũng không chỉ có ở nước ta mà đã trở thành quốc nạn ở nhiều nước trên thế giới. Thực tế, Đảng, Nhà nước ta không phủ nhận vấn đề tham nhũng vẫn đã và đang tồn tại; là vấn đề nhức nhối, gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với xã hội, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Để ngăn chặn tệ nạn này, Đảng, Nhà nước ta luôn thể hiện rõ quan điểm và quyết tâm không bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí; kiên quyết đấu tranh loại trừ những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng. Từ hàng loạt những vụ tham nhũng lớn được đưa ra ánh sáng chính là bằng chứng xác thực nhất bác bỏ những luận điệu tuyên truyền phiến diện, chủ quan, lệch lạc, thù địch đang cố tình lợi dụng vấn đề tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta để thực hiện mục đích, ý đồ phá hoại đất nước. Hơn lúc nào hết, trách nhiệm của mỗi người dùng mạng là phải nhận thức rõ ràng, đấu tranh kiên quyết với những âm mưu, thủ đoạn đó.

Lấy cái đẹp dẹp cái xấu

Thông tin xấu, độc là một thuộc tính, mặt trái của môi trường thông tin. Khi mặt trái, tiêu cực hay đời sống kinh tế - xã hội càng khó khăn thì thông tin xấu, độc càng xuất hiện nhiều, bởi âm mưu làm cho đất nước suy sụp vốn dĩ là mục tiêu chưa bao giờ dừng lại của các thế lực thù địch. Vì vậy, để mở rộng “vùng xanh” trên không gian mạng, Công an TP Thanh Hóa đã phát động và triển khai hiệu quả chiến dịch giải độc thông tin và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, với việc quản lý hiệu quả 2 kênh truyền thông của Công an TP Thanh Hóa là fanpage “Công an thành phố Thanh Hóa” và zalo OA “Công an thành phố Thanh Hóa”, bình quân trong tháng đã đăng tải hơn 1.000 tin, bài viết trên fanpage, thu hút gần 3 triệu lượt người tiếp cận; hơn 6 triệu lượt tương tác với bài viết; gần 100.000 lượt thích trang mới, đạt gần 100.000 người đăng ký theo dõi; đính chính hàng trăm tin giả và cập nhập các thông tin chính thống cho quần chúng Nhân dân. Trang zalo OA thu hút hơn 6.000 lượt đăng ký theo dõi mới; cập nhập đăng tải hàng trăm tin, bài mới.

Gương tốt với thông điệp chân - thiện - mỹ luôn có giá trị lan tỏa. Cái tốt phải được phát hiện, viết lên, nhân lên để thấy, để còn lòng tin vào xã hội, con người. Trên các nền tảng MXH, thời gian gần đây cái tên Quang Linh Vlog luôn được phủ kín các trang MXH, bởi đây là một youtuber rất chăm chỉ trong các hoạt động thiện nguyện tại châu Phi và đã lan tỏa hình ảnh tốt đẹp của con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Các kênh về châu Phi của youtuber này đăng ký đều có số lượt theo dõi trên 130 nghìn lượt, hơn 4.000 lượt bình luận và gần 3.000 lượt chia sẻ.

Trên nền tảng mạng facebook, hình ảnh, thông tin về ca sĩ nổi tiếng Hà Anh Tuấn cũng được đăng tải tương đối nhiều với rất nhiều lượt theo dõi, lượt thích và chia sẻ của cộng đồng mạng bởi những phát ngôn được xem là thể hiện “EQ cao” của nam ca sĩ và cá nhân tôi cũng rất đồng ý với câu nói của anh: “Phải tử tế... bởi về lâu dài chỉ có những thứ tử tế mới tồn tại được. Tôi được dạy như vậy, từ gia đình, nhà trường đến bạn bè nên đó luôn là tiêu chí sống hàng đầu của tôi”. Đúng vậy, chỉ khi MXH tràn ngập những điều tử tế của những người tử tế thì những điều xấu, hành động tiêu cực mới trở nên lạc lõng và sớm bị triệt tiêu.

Hãy là người dùng MXH thông thái

MXH xét cho cùng cũng chỉ là một nền tảng công nghệ ra đời từ phát minh, trí tuệ của con người nhằm mục đích phục vụ chính con người. Vì vậy, chúng ta không thể đổ lỗi, càng không nên kết tội cho mạng công nghệ trước những ảnh hưởng tiêu cực mà nó mang lại. Có chăng hãy trách chính mỗi người khi dùng MXH, nhất là những người dùng vì thiếu hiểu biết, vì non kém, vì a dua, chạy theo hiệu ứng, tạo ra những sản phẩm thiếu văn hóa, lệch lạc, dung tục, kích động những hành vi xấu.

Theo thống kê, cả nước có khoảng hơn 70 triệu người sử dụng MXH đã cho thấy phương tiện truyền thông mới này trở thành một kênh thông tin quan trọng của người dân. Vì vậy, quá trình sử dụng, việc tiếp xúc với những clip độc, hại, tin sai sự thật... là không ít. Về vấn đề này, trên một số phương tiện thông tin đại chúng, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lưu Đình Phúc, cũng đã ví von “tin giả giống như là rác vậy. Rác cứ quét lại có rác mới”. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phải xây dựng một trung tâm xử lý tin giả trên Internet để xử lý những thông tin giả mạo. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, quý I-2022, qua rà soát, nắm tình hình trên không gian mạng, Công an tỉnh đã phát hiện 46 trường hợp lợi dụng MXH đăng tải thông tin có nội dung xấu, độc.

Muốn một môi trường xanh, cần những hành động xanh. Môi trường mạng cũng vậy, bởi đây là thế giới mở, nơi chúng ta chia sẻ, tìm kiếm thông tin mỗi ngày. Nhìn từ các nước trên thế giới, có thể thấy, các nước cũng đang đối mặt và quyết liệt thực hiện các giải pháp để lọc và xử lý “rác” mạng. Ví như, Trung Quốc được xem là rất mạnh tay trong việc xử lý “rác” mạng, thông tin xấu, độc. “Phong sát” là thuật ngữ được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, làng giải trí Trung Quốc thời gian qua gắn với việc trừng phạt trên mọi phương diện với những đối tượng, trong đó phải kể đến việc nghệ sĩ vi phạm pháp luật, có hành vi lệch chuẩn về đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử trên không gian mạng sẽ không được xuất hiện trước công chúng dưới bất kỳ hình thức nào. Đối diện với “phong sát” hàng loạt cái tên diễn viên, ca sĩ đình đám, nổi tiếng của Hoa ngữ cũng xác định việc phải đối mặt với công danh, sự nghiệp tiêu tan. Hay như Nga cũng đã ban hành luật về chống tin giả và thông tin xúc phạm chính quyền trên Internet nhằm điều chỉnh hành vi trên không gian mạng.

Về vấn đề này, theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, đây cũng đang là “vấn nạn toàn cầu và việc quản lý hiệu quả MXH, ngăn chặn những mặt trái của nó là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam”; đồng thời nhấn mạnh một số giải pháp về việc xây dựng mô hình quản lý riêng đối với lĩnh vực thông tin trên MXH theo hướng phản ứng nhanh, thống nhất dựa trên những đặc trưng, nguyên lý hoạt động riêng có của MXH để đáp ứng các yêu cầu quản lý trong tình hình mới; đầu tư, xây dựng hệ sinh thái nội dung số đủ mạnh để người dân trong nước có thêm nhiều sự lựa chọn sử dụng dịch vụ, phá thế độc quyền của nền tảng, dịch vụ của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam; sự phối hợp vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng và việc cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ cho báo chí để cho các thế lực thù địch không có cơ hội lợi dụng, chiếm lĩnh truyền thông xã hội.

Cùng với việc hoàn thiện các chế tài pháp luật và nền tảng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, cũng cần thiết phải kiên trì xây dựng mỗi công dân trở thành một chiến sĩ trên mặt trận bảo đảm an ninh mạng, nhất là mỗi người cần kiểm chứng thông tin và chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực; đồng thời nâng cao kỹ năng, khả năng tự “miễn dịch cộng đồng” trước các tin giả, tin sai sự thật. Đây cũng chính là một loại vắc-xin phòng, ngừa hiệu quả trước sự tấn công của thông tin xấu, độc và những “biến chủng” ăn theo do các thế lực, phần tử phản động trong và ngoài nước tán phát, xuyên tạc. Bởi nếu chỉ phụ thuộc vào sự can thiệp của pháp luật mà bỏ qua vai trò chủ động từ trận địa thông tin cơ sở, thì chính chúng ta đang tạo nên những “khoảng trống” thông tin cho kẻ thù lợi dụng.

Nhóm PV phòng XDĐ-NC - Baothanhhoa.vn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THANH HÓA

Giấy phép số 12/GP-TTĐT do Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 11/4/2014

Chịu trách nhiệm: Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc

Địa chỉ: Tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa, Đại lộ Nam Sông Mã - Phố Ái Sơn 2 - Phường Đông Hải - Thành phố Thanh Hóa

Số ĐT: (02373) 713.985 - Fax: (02373) 713.985

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa