Thanh Hoá phấn đấu vào nhóm dẫn đầu về chuyển đổi số
Sáng 26/4 tỉnh Thanh Hoá tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến nhằm hướng dẫn, triển khai các nội dung chuyển đổi số trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hoá.
Theo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020, Thanh Hóa đứng thứ 15/63 tỉnh thành phố…. Để tiếp tục cải thiện thứ hạng, địa phương đã có cách làm riêng trong xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp bước đầu mang lại những kết quả tích cực.
Đó là cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định, hiệu quả; các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp; văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan nhà nước; tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng cao;…
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin -Truyền thông, Phó Trưởng ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hoá khai mạc hội nghị
Tuy nhiên, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn là một khái niệm mới, nhiều cán bộ lãnh đạo, đảng viên, công chức, viên chức chưa hiểu sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của công tác chuyển đổi số. Công tác chuyển đổi số tại các đơn vị, ngành, lĩnh vực, địa phương chưa được quan tâm đúng mức; chưa quyết liệt chỉ đạo, điều hành; chưa tích cực, chủ động, còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe giới thiệu tổng quan về quá trình chuyển đổi số; nền tảng chuyển đổi số phục vụ người dân; mô hình và nội dung chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã.
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hoá cho biết, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Thanh Hoá đi vào hoạt động từ năm 2019, là 1 trong 8 bộ, ngành, địa phương đầu tiên kết nối liên thông văn bản với hệ thống văn bản quốc gia, đã tích hợp 1.443 đơn vị của tỉnh phục vụ gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp, từ trung ương đến cấp xã; người dân trên địa bàn tỉnh đã dần thay đổi thói quen từ mua bán hàng trực tiếp sang mua bán hàng trực tuyến thanh toán không dùng tiền mặt.
"Có thể nói, chuyển đổi số đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công khai minh bạch của cơ quan nhà nước, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, mang lại trải nghiệm thiết thực cho người dân và doanh nghiệp" - ông Quyết nhấn mạnh.
Giới thiệu nền tảng chuyển đổi số phục vụ người dân; mô hình và nội dung chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã
Tỉnh Thanh Hoá đặt ra mục tiêu đến năm 2025 nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số; nhóm 5 tỉnh/thành dẫn đầu về chính quyền số, phấn đấu có 90% người dân, doanh nghiệp trở lên hài lòng với giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất./.
Theo vov.vn