Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp
Hoạt động kinh doanh, bán hàng đa cấp xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1998 và bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2000. Trong quá trình phát triển tại Việt Nam, thị trường bán hàng đa cấp trải qua nhiều biến động. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp (DN) đã lợi dụng một số đặc điểm của mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để trục lợi bất chính, lừa đảo người tham gia bán hàng đa cấp. Để khắc phục những biến tướng của loại hình kinh doanh, bán hàng đa cấp, các văn bản pháp luật theo đó ngày càng được điều chỉnh theo hướng thắt chặt quản lý đối với loại hình kinh doanh này
Sử dụng hình ảnh cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân để quảng cáo chữa bệnh, bán thực phẩm chức năng là một trong những nội dung bị cấm theo quy định mới tại Nghị định 18.
Sau Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, ngày 28-4 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2023/NĐ-CP (Nghị định số 18) sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20-6-2023, đã quy định chặt chẽ hơn, đồng thời gắn trách nhiệm cụ thể của DN kinh doanh đa cấp trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo Nghị định số 18, DN bán hàng đa cấp phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định. Đồng thời, bổ sung Khoản 13 và 14 Điều 40 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về trách nhiệm của DN bán hàng đa cấp. Theo đó, DN bán hàng đa cấp phải bảo đảm tối thiểu 20% doanh thu bán hàng đa cấp trong một năm tài chính là doanh thu từ khách hàng không phải là người tham gia bán hàng đa cấp của DN đó. Nghị định cũng bổ sung Khoản 14 Điều 40 với quy định: DN bán hàng đa cấp không cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế; không cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiệu quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong thời gian qua đã được nâng cao rõ rệt từ khi Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có hiệu lực. Các giải pháp quản lý đã được thực hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm, với sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương. Các DN hoạt động bán hàng đa cấp được cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật đã bị kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, các hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép, biến tướng lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi thông qua nhiều hình thức lại có xu hướng nở rộ, gây dư luận rất xấu và hệ lụy lớn, đặt công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trước những khó khăn và thử thách mới. Do đó, Nghị định số 18 ra đời đã hoàn thiện thêm khuôn khổ pháp lý về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phù hợp với yêu cầu thực tế và sự phát triển của ngành.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của lực lượng chức năng, môi trường kinh doanh đa cấp hiện nay đang diễn biến “muôn hình vạn trạng” mà có thể gọi là “ma trận”. Nếu không tỉnh táo, người dân rất dễ bị dẫn dụ thông qua môi trường giao tiếp không biên giới trên không gian mạng ngoài khuôn khổ quản lý của Nghị định 18. Các đối tượng với nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều người, đã lôi kéo được nhiều thành phần, nhất là các bạn trẻ gia nhập vào mạng lưới đa cấp phi pháp. Những vụ việc này không chỉ gây mất an toàn trật tự xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành kinh doanh đa cấp được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo hiện nay trên địa bàn các hình thức đa cấp bất chính đang có nhiều diễn biến phức tạp, như: huy động vốn hợp tác dự án kinh doanh bất động sản; kinh doanh thực phẩm chức năng; các sản phẩm đầu tư không hữu hình như: sản phẩm công nghệ số, giao dịch ngoại hối, phát triển ứng dụng điện tử, tiền ảo, tài sản ảo; các hình thức cá cược trên internet như mô hình 0S - cá độ bóng đá phản tỷ số...
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép hoặc không có phép cũng đã lôi kéo, dụ dỗ một bộ phận không nhỏ người dân tham gia. Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo hiện nay trên địa bàn các hình thức đa cấp bất chính đang có nhiều diễn biến phức tạp, như: huy động vốn hợp tác dự án kinh doanh bất động sản; kinh doanh thực phẩm chức năng; các sản phẩm đầu tư không hữu hình như: sản phẩm công nghệ số, giao dịch ngoại hối, phát triển ứng dụng điện tử, tiền ảo, tài sản ảo; các hình thức cá cược trên internet như mô hình 0S - cá độ bóng đá phản tỷ số...
Các hình thức kinh doanh này áp dụng mô hình trả thưởng như kinh doanh đa cấp nhưng lại không đăng ký hoạt động kinh doanh đa cấp với cơ quan Nhà nước. Nhiều mô hình có yếu tố nguồn gốc nước ngoài và tận dụng tối đa công cụ internet như mạng xã hội, ứng dụng di dộng; kênh giao dịch thanh toán qua các ví điện tử, tiền ảo khiến cơ quan chức năng khó lần dấu vết điều tra khi bị phát giác, tố cáo. Do đó, cùng với công tác quản lý Nhà nước, người dân cần tỉnh táo, xem xét, tìm hiểu kỹ khi được mời chào các hình thức kinh doanh mới. Đặc biệt cảnh giác với các hình thức hợp tác đầu tư trên mạng xã hội và phát triển theo mô hình đa cấp nhưng không phát sinh lợi nhuận từ kinh doanh sản phẩm mà qua phát triển mạng lưới người tham gia.
Theo baomoi.com.vn