Chuyển đổi số ở Thanh Hóa: Thể hiện quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Hiện Chuyển đổi số không chỉ là ý tưởng hay tầm nhìn trong tương lai nữa, mà còn là điều bắt buộc phải làm để thích ứng với thời đại số 4.0. Ông Đỗ Hữu Quyết, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT ) tỉnh Thanh Hóa đánh giá, kết quả bước đầu về công tác chuyển đổi số ở Thanh Hóa thể hiện quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp là yếu tố đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Xoay quanh vấn đề này PV Ngày mới onlie đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Hữu Quyết
PV: Thanh Hóa là một trong số ít tỉnh, thành phố trên cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số từ rất sớm. Vậy việc chuyển đổi số đang triển khai như thế nào trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
Ông Đỗ Hữu Quyết: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ –TTg, ngày 3/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Sở TT&TT đã nhanh chóng tham mưu trình UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 4216/ QĐ-UBND về kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ông Đỗ Hữu Quyết, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thanh Hóa
Với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, đồng thời là chủ thể, mục tiêu, động lực để chuyển đổi số, đây là Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng để cả hệ thống chính trị chung sức thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột chính.
Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, với mục tiêu chung là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT )nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân trên môi trường số.
Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền số; hình thành, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao là nền tảng cho phát triển kinh tế số; xã hội số văn minh, hiện đại, an toàn.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành, công khai, minh bạch các hoạt động; phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Qua đó, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia, đồng hành trong quá trình chuyển đổi số.
PV: So với nhiều địa phương khác, Thanh Hóa là tỉnh chưa có nguồn lực kinh tế mạnh, nhưng đã đề ra nhiệm vụ, mục tiêu cao trong xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp...điều này đã mang lại những kết quả như thế nào thưa ông?
Ông Đỗ Hữu Quyết: Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Thanh Hóa đã trở thành một trong những tỉnh nằm trong TOP đầu của cả nước triển khai hiệu quả xử lý văn bản trên môi trường điện tử và chữ ký số, mỗi năm tiết kiệm trên 30 tỷ đồng chi phí hành chính của các cơ quan Nhà nước.
Ngoài ra, Thanh Hóa cũng là tỉnh đang triển khai rất hiệu quả hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc tại 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Cổng dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông, có số lượng rất lớn, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Thanh Hóa cũng là tỉnh có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến thuộc diện lớn nhất trong cả nước với 348 điểm cầu tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã của tỉnh, góp phần triển khai nhiệm vụ nhanh chóng, tiết kiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn phòng chống dich bệnh COVID-19… Đây sẽ là tiền đề, là cơ sở để tỉnh ta thực hiện chuyển đổi số.
Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% trở lên trong GRDP của tỉnh. Doanh nghiệp chuyển đổi số chiếm 80% trở lên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế; toàn tỉnh có ít nhất 150 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó ít nhất có 15 doanh nghiệp làm chủ công nghệ; 100% các huyện, thị xã, thành phố và 80% trở lên các xã, phường, thị trấn hoàn thành chuyển đổi số, theo Bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa...
PV: Xin ông cho biết những thuận lợi và khó khăn trong quá trình chuyển đổi số ở tỉnh Thanh Hóa?
Ông Đỗ Hữu Quyết: Về thuận lợi: Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đã hết sức quan tâm, tích cực đầu tư hạ tầng, ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hạ tầng viễn thông được triển khai đồng bộ, hiện đại; hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã; trục tích hợp nội tỉnh LGSP kết nối, liên thông với hệ thống của quốc gia, phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 04 cấp từ Trung ương đến cấp xã.
Lãnh đạo, cán bộ các cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã đã thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức, lề lối, thói quen làm việc từ hành chính, giấy tờ sang chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh. Cổng dịch vụ công, hệ thống một của điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính...
Kiểm tra cơ sở vật chất phục vụ công tác chuyển đổi số
Bên cạnh những thuận lợi, quá trình chuyển đổi số còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế như: Một số lãnh đạo, cán bộ công chức các cơ quan, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số trong một số lĩnh vực còn chậm. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, tích cực, chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ số, các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số.
Phát triển kinh tế số của tỉnh còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, giá trị thấp. Hạ tầng CNTT chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong kết nối, liên thông, chia sẻ, khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu của tỉnh. Nguồn nhân lực nội bộ để ứng dụng CNTT trong chuyển đổi số cũng như nguồn kinh phí dành cho ứng dụng CNTT, chuyển đổi số còn hạn chế. Chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cả về kinh tế và xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
PV: Được biết, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Sở TT&TT Thanh Hóa đã và đang triển khai nhiều hình thức tuyên truyền để thay đổi cách nhìn của doanh nghiệp về chuyển đổi số. Xin ông chia sẻ thêm!
Ông Đỗ Hữu Quyết: Chúng tôi xác định chuyển đổi số trong khối doanh nghiệp khó hơn khối cơ quan nhà nước rất nhiều. Trước hết là “rào cản” về quan điểm, nhận thức. Không hiếm trường hợp chủ doanh nghiệp ngộ nhận và coi chuyển đổi số như “chiếc đũa thần” có thể thay đổi ngay lập tức hiệu quả kinh doanh. Thậm chí, một số doanh nghiệp cho rằng chỉ cần bỏ tiền đầu tư vào trang thiết bị công nghệ, tổ chức tập huấn là có thể hoàn thành chuyển đổi số và chờ kết quả.
Trước thực trạng này, Ban chỉ đạo chuyển đổi số, Sở TT&TT tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành Trung ương, các Tập đoàn viễn thông - Công nghệ thông tin tổ chức hội nghị, tập huấn hỗ trợ công tác chuyển đổi số cho các doanh nghiệp. Tại đây chủ doanh nghiệp được tư vấn, giới thiệu mô hình chuyển đổi số theo các loại hình doanh nghiệp khác nhau giúp họ nâng cao nhận thức, định hình và xây dựng các mô hình chuyển đổi số phù hợp.
Thanh Hóa tổ chức hội nghị, tập huấn hỗ trợ công tác chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.
Tham gia những buổi tập huấn này các doanh nghiệp thấy rằng, chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ thay thế giấy tờ, giảm chi phí nhân lực, tiết kiệm thời gian mà còn thay đổi tư duy đội ngũ lãnh đạo, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Nếu lãnh đạo không đi đầu, làm gương trong việc chuyển đổi số, sử dụng các công cụ số trong quản lý, điều hành thì rất khó để yêu cầu bộ máy bên dưới triển khai.
Ngoài ra, Sở TT&TT còn xây dựng chuyên trang chuyển đổi số của tỉnh, thiết lập kênh Zalo về chuyển đổi số. Các hình thức này nhằm tăng cường chia sẻ, phổ biến câu chuyện thành công, tôn vinh gương thành công điển hình của các doanh nghiệp về chuyển đổi số để truyền cảm hứng, chuyển đổi nhận thức trong toàn xã hội. Từ đó phát huy vai trò liên kết chuyển đổi số giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp; Giữa hội, hiệp hội ngành nghề công nghệ thông tin với hội, hiệp hội chuyên ngành khác nhau.
Thanh Hóa cũng là một trong số ít tỉnh, thành phố trên cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số từ rất sớm, đồng thời xem đây là nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện trong giai đoạn tới.
Theo ngaymoionline.com.vn