Cải thiện môi trường đầu tư phải bằng hành động cụ thể chứ không nói suông
Ngày 5.8.2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58 về xây dựng và phát triển Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đây là sự kiện quan trọng đối với sự phát triển của Thanh Hoá, đặc biệt trong tiếp tục thu hút đầu tư phát triển. Báo Lao Động có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thi – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về vấn đề này.
Động lực mới thu hút đầu tư vào Thanh Hoá
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 58 về phát triển Thanh Hoá, đây có thể coi là cú hích mới để Thanh Hoá tiếp tục thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn?
- Nhiều năm qua, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá cùng toàn bộ hệ thống chính trị, nhân dân rất cố gắng, toàn tâm mong muốn Thanh Hoá phát triển và thực tế, Thanh Hoá là một trong những địa phương đi đầu về thu hút đầu tư. Nghị quyết 58 về phát triển Thanh Hoá là mốc son, tiền đề cho bước phát triển mới, cũng là ghi nhận của Bộ Chính trị đối với những nỗ lực của Thanh Hoá.
Thanh Hoá có nhiều điều kiện thuận lợi có thể đóng góp vào phát triển chung của đất nước. Đó là những thuận lợi về vị trí địa lý, dân số vàng. Bên cạnh đó, Thanh Hoá là vùng địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống văn hoá, anh hùng cách mạng, những năm gần đây có sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội... Chính những điểm mạnh mà Nghị quyết 58 phân tích cũng chính là những thế mạnh thu hút các nhà đầu tư vào Thanh Hoá.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hoá năm 2020 diễn ra ngày 12.6.2020 có 31 dự án được trao trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và ký ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư tương đương 15 tỷ USD. Ảnh: X.H
Để biến Nghị quyết thành hiện thực, Thanh Hoá đã và sẽ làm gì để thu hút các nhà đầu tư?
- Thanh Hoá đã làm rất quyết liệt và sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Đến nay Thanh Hoá cơ bản đã xử lý các công việc hành chính trên môi trường mạng, môi trường điện tử. Tất cả đều được số hoá từ cấp xã, huyện cho đến cấp tỉnh. Điều đó tạo nên môi trường minh bạch, thông thoáng trong thủ tục hành chính, làm cho môi trường làm việc hiện đại, bỏ đi những suy nghĩ lặt vặt, phiền hà, tránh tình trạng tiếp xúc trực tiếp rồi sách nhiễu, gây khó khăn...
Điều này nói thì dễ nhưng trong thực tế làm được không phải dễ. Vậy phải có biện pháp nào cụ thể, thưa ông?
- Thứ nhất phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức các cấp. Công tác cán bộ phải đầu tiên, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng. Thứ hai là tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu và mong muốn của các doanh nghiệp. Tuy rằng làm trên hệ thống mạng rồi nhưng quan trọng là ý thức trách nhiệm, đạo đức của người thực thi công vụ. Khi các nhà đầu tư đã đến, triển khai các dự án của mình thì chính quyền từ tỉnh đến xã, thôn phải đồng hành bằng việc phục vụ họ bằng những cử chỉ, việc làm cụ thể chứ không chỉ lý thuyết suông. Nói đi đôi với làm, có khi chỉ cần nói ít thôi, làm nhiều hơn. Không thể chấp nhận được việc lúc nào cũng nói là đồng hành, hỗ trợ nhưng khi các nhà đầu tư làm các thủ tục hành chính vẫn bị vô vàn những rào cản.
Đặc biệt, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc xử lý người đứng đầu. Không thể nói nhân viên nhũng nhiễu, gây khó dễ mà người đứng đầu vô can được. Đi liền với đó là kiểm tra giám sát và thi hành kỷ luật nghiêm khắc đối với công chức, viên chức có vi phạm, không loại trừ đó là con ai, cháu ai hay đang giữ cương vị lãnh đạo ở bất cứ cấp nào. Tất cả phải lấy mục tiêu, lợi ích vì sự phát triển của tỉnh lên trên hết.
Hầu hết thủ tục hành chính công đều thực hiện tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Thanh Hoá. Ảnh: Sỹ Thảo
Doanh nghiệp và chính quyền cần cái nhìn tôn trọng vì mục đích phát triển
Thực tế là, doanh nghiệp thì muốn thủ tục nhanh gọn, chi ít, lợi nhuận cao còn các cơ quan quản lý nhà nước thì yêu cầu phải làm đúng, an toàn và thu nhiều cho ngân sách, làm sao giải quyết mâu thuẫn này?
- Muốn tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh thì những vướng mắc giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước phải được quan tâm giải quyết từ gốc. Nghĩa là cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền phải thực sự lắng nghe, tôn trọng ý kiến doanh nghiệp, kể cả đó là những phàn nàn, phản ánh chưa phù hợp với quy định. Sau đó phải ngồi với nhau trên tinh thần tôn trọng, cùng chỉ ra những khó khăn của mỗi bên để tìm được tiếng nói chung, xử lý ngay. Cơ quan quản lý nhà nước sai phải chịu trách nhiệm như đối với doanh nghiệp chứ không thể doanh nghiệp, người dân sai thì chịu còn cơ quan quản lý nhà nước sai thì lại đổ lung tung.
Có thực tế, những sự việc rất nhỏ, nếu ngồi với nhau trong tinh thần đó thì giải quyết được ngay, nhưng vì không như vậy nên để xảy ra những tranh luận không đáng có, sự việc đưa ra truyền thông làm ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường đầu tư kinh doanh, hướng cái nhìn không đúng bản chất vì làm tới 100 việc tốt nhưng chỉ cần một việc ầm ĩ là rất ảnh hưởng. Quan điểm của tôi là “Thanh Hoá vì doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp cũng vì Thanh Hoá”.
Ông Nguyễn Văn Thi (thứ hai, trái sang) cam kết cùng các nhà đầu tư. Ảnh: T.L
Ở Thanh Hoá từng có dư luận cho rằng, môi trường đầu tư của các doanh nghiệp trong tỉnh bị chi phối bởi một số thế lực ngầm kiểu Đường “nhuệ”. Theo đó, một số doanh nghiệp của các “đại ca” giang hồ cầm trịch trong các cuộc đấu thầu dự án xây dựng, bất động sản, mỏ cát...
- Về quy định nhà nước, về luật doanh nghiệp, bất kỳ người dân nào cũng có quyền kinh doanh. Muốn môi trường kinh doanh tốt thì doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau một cách bình đẳng, mà muốn bình đẳng thì điều đầu tiên là ý thức các doanh nghiệp, mọi người cần có trách nhiệm với xã hội. Thứ hai là các cơ quan quản lý nhà nước phải minh bạch hoá trong tất cả các thủ tục về pháp lý đấu thầu, đấu giá.
Tỉnh Thanh Hoá luôn mong muốn các doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh và các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư phát triển. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì tốt nhất để đảm bảo an ninh an toàn cho các nhà đầu tư, tạo ra môi trường kinh doanh sòng phẳng, rõ ràng, để các nhà đầu tư làm ăn có hiệu quả; sẵn sàng xử lý, không để tồn tại những mô hình kinh doanh không phù hợp như vậy. Tôi nghĩ ở Thanh Hoá không phải là không có nhưng không đến mức như kiểu Đường “nhuệ”. Thời gian qua, Thanh Hoá đã xử lý kiên quyết với những đối tượng có biểu hiện đại ca, quây thầu, gây áp lực trong đấu giá... Thời gian tới sẽ làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn.
Ông Nguyễn Văn Thi: "Cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền phải thực sự lắng nghe, tôn trọng ý kiến doanh nghiệp". Ảnh: X.H
Là người có thời gian dài gắn bó, cống hiến trong lĩnh vực thu hút đầu tư vào tỉnh, đã làm việc với nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới, ông mong muốn điều gì trong thời gian tới?
-Thanh Hoá đã và đang thể hiện khát vọng phát triển, để không thua kém các tỉnh trong khu vực và cả nước. Thanh Hoá đang đặt quyết tâm phát triển cao nhất với nội lực của mình chứ không phải trông chờ xin vốn trung ương, mà là tự chủ, tại chỗ, khắc phục khó khăn để vươn lên với khát vọng thịnh vượng cháy bỏng.
Hiện nay có sự thu hút cạnh tranh rất cao giữa nước này với nước khác. Trước kia doanh nghiệp tìm đến tỉnh nhưng nay tỉnh phải tìm đến doanh nghiệp. Tôi quan niệm rằng, ngay chính quyền tỉnh cũng là một nhà đầu tư, đó là việc ban hành các cơ chế chính sách, đưa ra những đường lối, chủ trương để thu hút các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh.
Để biến Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị thành hiện thực phải có sự đồng thuận, chung sức chung lòng từ Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Khi mỗi người dân đều cảm thấy tự hào, có trách nhiệm chung tay vì quê hương ngày càng giàu đẹp hơn thì khi đó mới thành công. Tôi tin với khí thế đó, tinh thần đó và với khát vọng thịnh vượng cháy bỏng của vùng đất địa linh nhân kiệt, của những người dân cần cù bền gan quyết chí chắc chắn sẽ thành công, đưa Thanh Hoá thành một cực tăng trưởng mới của miền Bắc cũng như trong cả nước.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo laodong.vn