Xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu mở tỉnh Thanh Hóa: Công cụ kết nối giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân
Ngày 6 - 10, đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị nghe báo cáo demo xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu mở (Open Data Platform) cho tỉnh Thanh Hóa.
Đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận hội nghị
Sở Thông tin và Truyền thông được Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ xây dựng Cổng dữ liệu mở của tỉnh trên cơ sở tích hợp các cơ sở dữ liệu nền, chuyên ngành phục vụ dùng chung của các cơ quan trong tỉnh và mở ra bên ngoài để các tổ chức, doanh nghiệp cùng khai thác, sử dụng, tạo thành một hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp xây dựng các ứng dụng thông minh.
Nền tảng dữ liệu mở được thực hiện cơ sở tích hợp các cơ sở dữ liệu nền, chuyên ngành phục vụ dùng chung của các cơ quan trong tỉnh và cung cấp ra bên ngoài để các tổ chức, doanh nghiệp cùng khai thác, sử dụng, tạo thành một hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp xây dựng các ứng dụng thông minh; theo định hướng phát triển Chính phủ điện tử và dịch vụ các thành phố thông minh của tỉnh ThanhHoá.
Nền tảng dữ liệu mở đóng vai trò quan trọng, là sự kết nối giữa các ứng dụng được phát triển bởi các công ty, đơn vị và nguồn dữ liệu hiện sẵn có của tỉnh nhằm giảm chi phí trong việc tìm kiếm, tổng hợp dữ liệu và tăng hiệu quả trong quá trình quản lý.
Đồng chí Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu thảo luận tại hội nghị
Trên cơ sở đó, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu xây dựng Chiến lược dữ liệu mở và kinh nghiệm chuyển đổi số trong xây dựng thành phố thông minh. Theo đó, dữ liệu trong ngữ cảnh thành phố thông minh hay Chính phủ điện tử/số được phân chia thành 3 nhóm dữ liệu, gồm: Dữ liệu đóng, dữ liệu chia sẻ và dữ liệu mở. Trong đó, dữ liệu mở (Open data) được hiểu là dữ liệu mà mọi người có thể truy cập, sử dụng, chia sẻ và khai thác.
Đơn vị tư vấn cũng đã đưa ra mô hình cộng tác chính quyền - doanh nghiệp - người dân giúp phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở của tỉnh.
Đưa ra một số kinh nghiệm về chuyển đổi số để thúc đẩy triển khai thành phố thông minh, đơn vị tư vấn đề xuất các ưu tiên chiến lược là: Phát triển kinh tế và kết nối người dân, quy hoạch và quản lý đô thị bền vững, an toàn đô thị dựa trên dữ liệu, hạ tầng đô thị và năng lượng, giao thông thông minh.
Việc xây dựng một nền tảng dữ liệu mở là việc làm quan trọng trong giai đoạn tỉnh Thanh Hóa đang phát triển các hạ tầng công nghệ thông tin nhằm xây dựng chính quyền điện tử và các dịch vụ thành phố thông minh. Việc xây dựng được nền tảng dữ liệu mở cùng với các dịch vụ và cơ sở dữ liệu dùng chung tạo tiền đề cho sự phát triển của các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành, tác nghiệp.
Nền tảng cơ sở dữ liệu mở sẽ cung cấp các dữ liệu đầu vào để xây dựng các hệ thống ứng dụng khác. Sự thành công của việc phát triển các dịch vụ thành phố thông minh phần lớn được quyết định bởi thành công trong việc xây dựng được nền tảng dữ liệu mở nói riêng và cơ sở dữ liệu dùng chung nói chung.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh: Việc triển khai thực hiện Dự án “Đầu tư xây dựng nền tàng cơ sở dữ liệu mở tỉnh Thanh Hoá” là việc làm cần thiết, phù hợp với xu thế đổi mới, phát triển của tỉnh và cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trong những năm qua, UBND tỉnh đã luôn quan tâm đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Về thể chế, hiện nay đã có Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 - 4 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước. Trình độ nhận thức của người dân về công nghệ thông tin ngày càng được nâng cao, đã có tới 90% người dân hiện đang sử dụng điện thoại thông minh.
Ngoài ra, tỉnh Thanh Hoá đã xây dựng và đưa vào vận hành nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP), kết nối, liên thông của tỉnh với Trục liên thông văn bản quốc gia (NGSP) phục vụ việc gửi, nhận văn bản liên thông 4 cấp chính quyền từ Trung ương đến cấp xã. Việc xử lý văn bản trên môi trường mạng được triển khai đã giúp rút ngắn thời gian, thủ tục hành chính, đem lại nhiều hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế nguồn dữ liệu của tỉnh chưa chuẩn hóa, còn ít
Đại diện đơn vị tư vấn trình bày thuyết minh Chiến lược dữ liệu mở và kinh nghiệm chuyển đổi số trong xây dựng Thành phố thông minh
Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng và phát triển một nền tảng dữ liệu mở thống nhất cho tỉnh là việc làm cần thiết và có khả năng ứng dụng cao, phục vụ cho mục tiêu chuẩn hóa dữ liệu của tỉnh. Mọi điều kiện để triển khai thực hiện đề án khá thuận lợi vì tỉnh ta có hạ tầng công nghệ khá tốt, nhận thức của người dân về chính quyền điện tử được nâng cao. Cơ sở dữ liệu mở chính là công cụ bước đầu kết nối, chia sẻ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
Về quy mô, số liệu cơ sở dữ liệu mở về các lĩnh vực phải cao và chính xác, tạo bước đột phá ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tác nghiệp. Kết quả của dự án sẽ tạo được một nền tảng dữ liệu mở có thể cung cấp được các nguồn dữ liệu khác nhau, có tính thống nhất, liên thông, liên kết giữa các ngành nghề, giảm được chi phí trong việc lưu trữ, tìm kiếm dữ liệu, nâng cao chất lượng trong việc hoạch định chiến lược phát triển, tạo điều kiện phát triển các ứng dụng công nghệ khác khác dựa trên nền tảng dữ liệu sẵn có, góp phần đẩy mạnh quá trình xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ngành liên quan nghiên cứu kỹ Nghị định 47 của Chính phủ và dự thảo báo cáo Chiến lược dữ liệu mở; tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện trong đó đưa ra các giải pháp về khai thác vận hành kho dữ liệu, hình thức đầu tư của tỉnh.
Theo baothanhhoa.vn