Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Chiều 10-12, tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII đã tiến hành chất vấn đồng chí Trần Phú Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh với nội dung: Trong thời gian qua, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo trên không gian mạng diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân, ảnh hưởng đến an ninh - trật tự, nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới
Quang cảnh phiên chất vấn đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Minh Hiếu
Báo cáo trước các đại biểu HĐND tỉnh, đồng chí Trần Phú Hà cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25-5-2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, chủ công là Công an tỉnh triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp đấu tranh đối với tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, tình hình tội phạm lừa đảo, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn diễn biến rất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động mới nhằm che giấu hành vi phạm tội, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Từ ngày 15-12-2021 đến 5-11-2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 132 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại trên 30 tỷ đồng. Trong đó có 40 vụ lừa đảo truyền thống, chiếm tỷ lệ 30,3%; lừa đảo trên không gian mạng xảy ra 92 vụ chiếm tỷ lệ 69,7%, giảm 20 vụ so với năm 2021.
Đại biểu Lê Thị Hương (Tổ Đại biểu huyện Thọ Xuân) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Minh Hiếu
Để góp phần ngặn chặn các loại tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thực hiện các giải pháp phòng ngừa thông qua việc tuyên truyền rộng rãi phương thức, thủ đoạn hoạt động của nhóm tội phạm này gắn với các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Đồng thời thực hiện quyết liệt công tác đấu tranh, xử lý tội phạm.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 165 vụ 151 đối tượng liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó đã khởi tối 144 vụ, điều tra khám phá 74/165, 145 bị can, xử phạt hành chính 6 đối tượng.
Bên cạnh kết quả đạt được, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh cũng thẳng thắn nêu lên một số tồn tại, hạn chế, đó là công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng ngừa các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được tập trung triển khai nhưng chưa sâu rộng, hiệu quả chưa cao; công tác nghiệp vụ cơ bản trong phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa được chú trọng đúng mức; công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có lúc còn khó khăn, lúng túng...
Đại biểu Hà Thị Hương (Tổ Đại biểu huyện Quan Hóa) tham gia chất vấn. Ảnh: Minh Hiếu
Thiếu tướng Trần Phú Hà cũng phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và đề ra một số giải pháp nhằm tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng.
Phiên chất vấn đã thu hút 7 đại biểu tham gia chất vấn với 9 câu hỏi được nêu. Nội dung các câu hỏi chất vấn đã đi sâu vào các vấn đề đang được đông đảo cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm, như: hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn truyền thống vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản; trong số nạn nhân của loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng thì phụ nữ chiếm 90%; nhiều người bị hại trình báo cơ quan công an nhưng vụ việc chưa được giải quyết; kết quả đấu tranh, khám phá còn thấp so với số vụ xảy ra; công tác phối hợp liên ngành có lúc chưa thường xuyên. Nhiều đại biểu cũng đề nghị đồng chí Trần Phú Hà cho biết về phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng đề Nhân dân biết và phòng ngừa…
Đại biểu Trịnh Thị Hoa (Tổ Đại biểu TP Thanh Hóa) nêu câu hỏi. Ảnh: Minh Hiếu
Trả lời chất vấn, đồng chí Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh đã trả lời, làm rõ từng câu hỏi các đại biểu chất vấn tại phiên họp. Theo đó, về phương thức, thủ đoạn phạm tội, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản mang tính chất truyền thống thường lợi dụng sơ hở trong một số hoạt động kinh doanh, sơ hở trong công tác quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực để lừa đảo, như giới thiệu đất dự án để huy động vốn; làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lừa bán cho khách; lừa đảo dưới hình thức chạy dự án, chạy việc làm, hưởng chế độ chính sách;…
Về lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, qua nắm bắt tình hình và theo dõi kết quả đấu tranh, xác minh, làm rõ các hành vi phạm tội, Công an tỉnh nhận thấy một số thủ đoạn phổ biến mà các đối tượng thường sử dụng là: lợi dụng các giao dịch, kết nối trên internet, mạng xã hội, mạng viễn thông, sau đó giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, cảnh sát giao thông… liên lạc với bị hại để thực hiện hành vi lừa đảo. Bên cạnh đó còn một số phương thức khác như lừa tuyển cộng tác viên bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, lừa đảo vay vốn qua ứng dụng điện tử, lừa đảo trúng thưởng, lừa đảo đặt cọc mua hàng qua mạng…
Đại biểu Nguyễn Quốc Hải (Tổ Đại biểu huyện Thiệu Hóa) đặt câu hỏi tại phiên chất vấn. Ảnh: Minh Hiếu
Về nguyên nhân của tồn tại hạn chế, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Trần Phú Hà cho rằng, do một bộ phận quần chúng Nhân dân chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng ngừa, đấu tranh tố giác tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, nhất là tầng lớp người trung và cao tuổi, người lao động tự do, phụ nữ. Một số người còn nhẹ dạ cả tin, hám lợi, hoặc thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật, đầu tư, kinh doanh, …nên vẫn làm theo hướng dẫn của đối tượng, lại không kịp thời trình báo khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đại biểu Thao Thị Dua (Tổ đại biểu huyện Mường Lát) nêu câu hỏi. Ảnh: Minh Hiếu
Bên cạnh đó, hoạt động của loại tội phạm này diễn ra trên không gian mạng, ít bộc lộ mà hầu hết được phát hiện khi bị hại báo cáo, đối tượng có thời gian đối phó, nên công tác phát hiện gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, đối tượng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước và ở nước ngoài nên rất khó khăn trong công tác thu thập, xác minh tài liệu, củng cố chứng cứ. Tội phạm sử dụng công nghệ cao thường hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, có sự móc nối chặt chẽ, sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Lực lượng làm công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao còn thiếu về số lượng, chưa đáp ứng về chất lượng. Phương tiện, máy móc, trang thiết bị phục vụ đấu tranh với hoạt động tội phạm công nghệ cao, yếu tố nước ngoài còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu…
Đồng chí Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh trả lời chất vấn. Ảnh: Minh Hiếu
Để ngăn chặn tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo trên không gian mạng, đồng chí Trần Phú Hà cho biết, trong thời gian tới, Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân tích cực đấu tranh, tố giác tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Tăng cường công tác kiểm soát không gian mạng. Triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tập trung rà soát, nắm chắc tình hình về các tổ chức, cá nhân, cơ sở hoạt động kinh doanh bất động sản, chứng khoán, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, tham gia hụi, họ, phường, kinh doanh thiết bị số…Tổ chức điều tra truy tố , xét xử đối với các vụ án có liên quan đến hoạt động lừa đảo, bảo đảm xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm…
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đỗ Hữu Quyết tham gia trả lời câu hỏi các đại biểu chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Minh Hiếu
Thông qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Trần Phú Hà khuyến cáo, kêu gọi và đề nghị người dân trong tỉnh tiếp tục tìm hiểu thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, nắm bắt phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản để phòng ngừa; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng không rõ danh tính, không phải là người dại điện cho cơ quan chức năng; kịp thời trình báo cơ quan Công an sau khi bị lừa đảo...
Cũng trong phiên chất vấn, đồng chí Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền đã tham gia trả lời chất vấn đại biểu HĐND tỉnh về vấn đề quản lý sim, thuê bao dịch vụ viễn thông.
Đồng chí Đỗ Trong Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn Giám đốc Công an tỉnh. Ảnh: Minh Hiếu
Phát biểu kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn của đồng chí Giám đốc Công an tỉnh, đồng chí Đỗ Trong Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi đi sâu vào những nội dung được đông đảo cử tri đang rất quan tâm, như những thủ đoạn về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang diễn ra phổ biến hiện nay; thực trạng, nguyên nhân và giải pháp đấu tranh với các loại lừa đảo truyền thống chiếm đoạt tài sản bằng hình thức chạy việc; hứa tặng quà… Đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng còn thấp… Trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị, nghiêm túc, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh đã báo cáo trước HĐND tỉnh tương đối đầy đủ về thực trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo trên không gian mạng; kết quả đấu tranh, triệt phá, cũng như những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, qua phần trả lời chất vấn của đồng chí Giám đốc Công an tỉnh và Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, chúng ta thấy được thực trạng, tồn tại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo trên không gian mạng trong thời gian qua. Mặc dù UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, chủ công là Công an tỉnh triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp đấu tranh đối với tội phạm và hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên tình hình tội phạm lừa đảo, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn diễn biến rất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi chiếm đoạt tài sản của người dân, ảnh hưởng xấu đến an ninh - trật tự, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, đồng chí Đỗ Trọng Hưng đề nghị ngay sau kỳ họp này UBND tỉnh, Công an tỉnh, các cấp, các ngành tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung:
Một là, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện sâu rộng và có hiệu quả Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm nói chung và phòng ngừa tố giác, đấu tranh có hiệu quả với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong sở hữu tài sản.
Hai là, tăng cường và thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền và phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật và chế tài xử lý đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thông tin rộng rãi, kịp thời, công khai minh bạch trong Nhân dân về chủ trương phát triển kinh tế, an sinh xã hội, các dự án bất động sản, quy hoạch xây dựng, phương thức, hành vi thủ đoạn chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể, điển hình để người dân chấp hành pháp luật, đề cao cảnh giác và bảo vệ tài sản.
Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh - trật tự; xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang phải gương mẫu, nêu cao cảnh giác chấp hành pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bốn là, phải tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thường xuyên rà soát, xác định những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước về an ninh - trật tự, kịp thời kiến nghị và đề ra các giải pháp khắc phục, nhất là đối với những lĩnh vực dễ nảy sinh hoặc có sơ hở để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản như đất đai, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, đầu tư kinh doanh...
Năm là, Công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; tập trung điều tra, khởi tố, xử lý các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; triệt để, thu hồi lại bị chiếm đoạt.
Theo baothanhhoa.vn