Động lực thúc đẩy chuyển đổi số
Theo kết quả xếp hạng chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố, Thanh Hóa xếp thứ 15 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố cả nước. Vị trí của Thanh Hóa cao hơn nhiều so với một số tỉnh, thành phố lớn khác như Hà Nội (thứ 43), Nghệ An (thứ 36), Hải Phòng (thứ 21).
Ảnh minh họa.
Đây là lần đầu tiên các chỉ số chuyển đổi số được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố. Bộ chỉ số chuyển đổi số bao gồm 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, với tổng 108 chỉ số thành phần và 306 tiêu chí, trong đó có 57 tiêu chí được thực hiện khảo sát từ người dân, doanh nghiệp và công chức.
Kết quả mà Thanh Hóa đạt được là sự ghi nhận, phản ánh đúng nỗ lực chỉ đạo, điều hành thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn Thanh Hóa, nhất là trong năm 2020.
Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về chuyển đổi số năm 2020 của Việt Nam. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ số của các tỉnh, thành phố là để tự đánh giá mức độ chuyển đổi số của chính mình, nhưng cũng là cơ sở để so sánh với tỉnh, thành phố khác xem mình đi đúng hướng chưa, đi với tốc độ nào trên chặng đường chuyển đổi số. Thứ hạng chuyển đổi số là căn cứ để chính quyền các địa phương ban hành thêm các chính sách nhằm tạo điều kiện cho chuyển đổi số sâu rộng, hiệu quả hơn. Kết quả Thanh Hóa có được trong lần công bố này là sự khích lệ, tuy nhiên vẫn cần phải nỗ lực để có thứ hạng cao hơn.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng nền kinh tế số và xã hội số. Để hiện thực mục tiêu đã đề ra, ngày 23-9-2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Bộ chỉ số chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hàng năm của các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số. Tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng Đề án “Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan, tổ chức, quy trình, quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân; phát triển hạ tầng số, nền tảng số, các cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện; xây dựng chính quyền số hoạt động hiệu quả gắn với phát triển đô thị thông minh, kinh tế số, xã hội số, cải cách hành chính tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư kinh doanh.
Cơ sở để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình chuyển đổi số trên địa bàn Thanh Hóa đã có. Vấn đề ở chỗ nhận thức, hành động của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị đối với chuyển đổi số phải đồng nhất, quyết liệt, đúng như tinh thần chỉ đạo và mong muốn của tỉnh, để chuyển đổi số ở Thanh Hóa đã được đánh giá cao càng cao hơn nữa góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo baothanhhoa.vn