Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 1

    Hôm nay: 1416

    Đã truy cập: 9248121

Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu!

Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số vừa được xem là mục tiêu vừa là giải pháp nhằm xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đồng thời, góp phần hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu. Vậy đối với tỉnh Thanh Hóa, công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra như thế nào, với những kết quả đạt được ra sao? Đồng thời, những thách thức đang được đặt ra và cần phải có giải pháp gì để khắc phục?


Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

Nhằm làm rõ hơn những vấn đề đặt ra cho công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

“Nút đột phá” trong phát triển kinh tế - xã hội

P.V: Thưa ông, xin được bắt đầu cuộc trao đổi bằng một vấn đề hay một khái niệm tưởng quen mà vẫn lạ: Thế nào là chuyển đổi số?

Ông Đỗ Hữu Quyết: Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển nhanh, mạnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang có sự phát triển và tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong sự phát triển đó, có nội dung về chuyển đổi số. Vì thế, cần làm rõ thế nào là chuyển đổi số. Chẳng hạn, nói về chuyển đổi số cơ quan nhà nước (xây dựng chính phủ số) là đưa toàn bộ hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường số, không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, mà còn đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu; đồng thời, tương ứng với đó là hoạt động phát triển chính quyền số của chính quyền các cấp ở địa phương. Hay như kinh tế số là một phần của nền kinh tế dựa vào hoặc chủ yếu dựa vào công nghệ số, với mô hình kinh doanh về hàng hóa số hoặc dịch vụ số. Hay xã hội số là xã hội của con người trong môi trường số, ở đấy có nhiều dịch vụ và nền tảng số giúp cho cuộc sống thuận tiện và dễ dàng, công ăn việc làm nhiều hơn, với năng suất lao động cao hơn. Xã hội số, xét theo nghĩa hẹp, gồm công dân số và văn hóa số. Theo nghĩa này, xã hội số, cùng với chính phủ số và kinh tế số tạo thành ba trụ cột của một quốc gia số.

Xuất phát từ ý nghĩa đó, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân có thể có các định nghĩa riêng cho khái niệm này. Tuy nhiên, nhìn tổng quát có thể hiểu chuyển đổi số (Digital Transformation) là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau.

P.V: Với cách hiểu về chuyển đổi số như trên, vậy theo quan điểm của ông, vì sao lại có nhận định cho rằng, trong bối cảnh hiện nay nếu không thực hiện chuyển đổi số là tự biến mình trở nên lạc hậu?

Ông Đỗ Hữu Quyết: Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số là một nội dung quan trọng, là giải pháp chính, là xu thế tất yếu và là cơ hội cho các địa phương, các doanh nghiệp vượt lên. Chuyển đổi số không đơn giản là mức ứng dụng và phát triển cao hơn của công nghệ thông tin mà chuyển đổi số là “nút đột phá” trong phát triển kinh tế - xã hội. Khi đó, dữ liệu và công nghệ số sẽ làm thay đổi toàn diện mô hình hoạt động, quy trình sản xuất, cách thức cung cấp sản phẩm, kết quả đầu ra của quá trình sản xuất, kinh doanh trong xã hội.

Do vậy, để không bị tụt hậu, hay nhỡ mất “chuyến tàu” Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các nước cần phải thực hiện chuyển đổi số. Kinh nghiệm của những lần chuyển đổi công nghệ trước đây đã cho thấy, những nước đi đầu trong ứng dụng và phát triển công nghệ mới sẽ luôn là những nước thịnh vượng và phát triển.

P.V: Vậy những “giá trị khác” nào có thể được tạo ra thông qua công cuộc chuyển đổi số, thưa ông?

Ông Đỗ Hữu Quyết: Thực tế đã cho chúng ta nhiều ví dụ để chứng minh, chuyển đổi số mang lại lợi ích to lớn cho chính quyền, doanh nghiệp và cuộc sống của người dân. Đó trước hết là việc thay đổi tư duy, cách thức xây dựng và thực thi chính sách một cách linh hoạt hơn, hiệu quả hơn. Các dịch vụ công của cơ quan nhà nước được cung cấp ngày một rõ ràng, công khai, minh bạch, góp phần cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đem lại hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, chuyển đổi số sử dụng dữ liệu và hệ thống công nghệ số nhằm thay đổi trải nghiệm của người sử dụng với các dịch vụ công do cơ quan nhà nước cung cấp. Việc áp dụng công nghệ trong quá trình thực thi nhiệm vụ cũng làm thay đổi phương pháp làm việc và công tác quản lý trong hoạt động của bộ máy cơ quan nhà nước.

Đối với doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số sẽ làm tăng sự minh bạch và hiệu quả trong hệ thống quản trị doanh nghiệp; tối ưu hóa năng suất nhân viên; nâng cao khả năng cạnh tranh, nếu doanh nghiệp sở hữu nền tảng số hóa sẽ có thể triển khai và vận hành doanh nghiệp hiệu quả, chính xác và chất lượng. Bởi các giải pháp quản trị và vận hành số hóa sẽ tăng tính hiệu quả và chính xác trong các quyết định của doanh nghiệp. Đồng thời, chuyển đổi số cũng giúp doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh, khả năng tương tác, phục vụ và chăm sóc khách hàng...

Ngoài ra, chuyển đổi số cũng đang có những tác động không nhỏ vào trong cuộc sống hàng ngày, khi người dân có thể trải nghiệm các dịch vụ công hay các dịch vụ được cung cấp từ các doanh nghiệp ngày càng thuận tiện, nhanh chóng hơn, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện để người dân tham gia một cách chủ động vào quy trình đưa ra quyết định, tổ chức thực thi chính sách dưới sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ; đồng thời, cho phép người dân tiếp cận gần hơn với hoạt động của Nhà nước để nêu ý kiến và cùng phối hợp trong quản lý, điều hành.

Lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ

P.V: Có quan điểm cho rằng, chuyển đổi số là quá trình đa dạng, không có con đường và hình mẫu chung cho tất cả. Vậy xin ông cho biết, quan điểm và mục tiêu tỉnh Thanh Hóa đặt ra trong quá trình thực hiện chuyển đổi số?

Ông Đỗ Hữu Quyết: Chuyển đổi số nếu được tiến hành hiệu quả, sẽ tạo ra bước chuyển mới và cao về “chất” trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Do vậy, quan điểm được thống nhất và xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo và triển khai thực hiện đó là: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là cơ hội để bứt phá vươn lên, là một trong các khâu đột phá, là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ. Đồng thời, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số đóng vai trò quyết định; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và công nghệ là động lực; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số...

Cùng với đó, mục tiêu hướng đến trong quá trình thực hiện chuyển đổi số ở tỉnh ta đó là: Chuyển đổi số nhằm đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan, tổ chức; quy trình, quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân, tạo bước đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, góp phần xây dựng tỉnh Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững. Chú trọng phát triển hạ tầng số, nền tảng số, các cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Xây dựng chính quyền số hoạt động hiệu quả, gắn với phát triển đô thị thông minh, kinh tế số, xã hội số, cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư kinh doanh. Hình thành, phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số và công nghệ số là nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực tỉnh Thanh Hóa có lợi thế.

P.V: Để công cuộc chuyển đổi số có thể được tiến hành hiệu quả và tạo ra bước chuyển mới - cao về chất - trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, cần những yếu tố nào làm tiền đề, thưa ông?

Ông Đỗ Hữu Quyết: Để tạo nền móng cho công cuộc chuyển đổi số, trước hết cần phải thay đổi về nhận thức. Đó là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu về chuyển đổi số. Đồng thời, rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số; xây dựng Bộ chỉ số đánh giá, xếp loại chuyển đổi số của tỉnh. Cùng với đó, chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông tạo nền tảng chuyển đổi số; triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng tới 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước... Phấn đấu đến năm 2025, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh để phục vụ quá trình chuyển đổi số.

Ngoài ra, cần chú trọng phát triển dữ liệu số (Cổng dữ liệu mở của tỉnh; Kho dữ liệu lớn dùng chung toàn tỉnh (Big Data)...); phát triển nền tảng số; tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số... Để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số, tỉnh cần quan tâm ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước đầu tư cho chuyển đổi số, hàng năm dành tối thiểu 1,5% từ ngân sách Nhà nước cho công nghệ thông tin (CNTT) và 10% kinh phí từ các dự án, chương trình CNTT dành cho an toàn, an ninh mạng.

PV: Những kết quả bước đầu đạt được từ quá trình chuyển đổi số ở tỉnh ta đã và đang tạo ra các “giá trị mới” nào đáng ghi nhận, thưa ông?

Ông Đỗ Hữu Quyết: Trong những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm và cơ bản hoàn thiện môi trường pháp lý, đầu tư hạ tầng, ứng dụng CNTT, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng chính quyền điện tử... Qua đó, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt, UBND tỉnh đã phê duyệt các chương trình, đề án, dự án về CNTT. Điển hình là Đề án “Xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ của thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017 - 2020”. Trong đó, tập trung triển khai các dịch vụ thông minh cho các lĩnh vực y tế; giáo dục và đào tạo; tài nguyên và môi trường; an toàn, an ninh trật tự và giao thông; phòng cháy, chữa cháy...

Đến nay, hạ tầng viễn thông, CNTT từng bước được triển khai cơ bản đồng bộ, hiện đại; ứng dụng CNTT trong cơ quan Đảng, chính quyền có bước đột phá quan trọng; ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh... Cụ thể, mạng truyền dẫn băng thông rộng đã được triển khai đến 97,38% và phủ sóng 4G đến 98,69% thôn, bản, cụm dân cư; 100% các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng; trong các cơ quan Đảng, 90% cán bộ, công chức được gửi/nhận văn bản trên môi trường mạng và hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp; tỷ lệ văn bản điện tử có ký số trong các cơ quan nhà nước đạt trên 99%. Cổng dịch vụ công của tỉnh đăng tải đầy đủ 1.952 thủ tục hành chính; trong đó, cung cấp 831 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4; hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 đạt tỷ lệ 86,26%; mức độ 4 đạt tỷ lệ 79,12%; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn đạt 98,5%...

P.V: Bởi chuyển đổi số là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, cho nên, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được; thiết nghĩ cũng cần nhìn thẳng vào những khó khăn, thách thức đang đặt ra cho tỉnh Thanh Hóa trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay, phải vậy không thưa ông?

Ông Đỗ Hữu Quyết: Đúng vậy. Những kết quả tỉnh ta đạt được trong ứng dụng CNTT và từng bước thực hiện chuyển đổi số là không thể phủ nhận. Song cũng cần thẳng thắn nhìn nhận thực tế, đó là hệ thống trang thiết bị CNTT được đầu tư đã lâu và đang ngày càng xuống cấp, cấu hình thấp, khó khăn cho các cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ hiện nay; cơ sở dữ liệu chuyên ngành rời rạc; ứng dụng CNTT trong một số ngành, lĩnh vực chưa đạt được kết quả như mong muốn; thiếu nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao; công tác bảo đảm an toàn thông tin ngày càng khó khăn, thách thức hơn; chưa thu hút các nhà đầu tư cho hoạt động CNTT; nhiều doanh nghiệp chưa chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ hiện đại...

Những hạn chế đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó có những nguyên nhân sau: đầu tư cho hạ tầng số chưa được coi là đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội; cơ sở dữ liệu do các ngành xây dựng từ lâu, theo quy chuẩn cũ; chưa có kho dữ liệu lớn của tỉnh để tập hợp dữ liệu của các ngành; nhận thức về chuyển đổi số của cán bộ, công chức, viên chức, người dân và trong đời sống xã hội còn chưa đầy đủ... Có thể nói, chỉ khi nhìn rõ những bất cập và chỉ ra được các nguyên nhân mới có thể tìm ra được các giải pháp nhằm khắc phục hiệu quả; từ đó mới có những bước tiến vững chắc và làm động lực để thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số ở tỉnh ta đạt được các mục tiêu đề ra.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo baothanhhoa.vn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THANH HÓA

Giấy phép số 12/GP-TTĐT do Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 11/4/2014

Chịu trách nhiệm: Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc

Địa chỉ: Tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa, Đại lộ Nam Sông Mã - Phố Ái Sơn 2 - Phường Đông Hải - Thành phố Thanh Hóa

Số ĐT: (02373) 713.985 - Fax: (02373) 713.985

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa