Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Trợ lý ảo là một sự thay đổi mang tính cách mạng trong hoạt động nhà nước
Ngày 07/6/2021, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã họp giao ban Lãnh đạo chủ chốt tuần 23/2021. Cuộc họp giao ban được tổ chức trên nền tảng họp trực truyến. Cổng Thông tin điện tử Bộ TT&TT xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó Trưởng Ban TGTW.
Kính thưa các đồng chí,
Chúng ta chỉ còn hơn 20 ngày nữa là hết 6 tháng đầu năm 2021. Thời gian đã qua rất nhanh mà việc thì chưa làm được nhiều.
Bộ đã bắt đầu tiêm vắc xin theo kế hoạch của Bộ Y tế. Tất cả chúng ta phải thực hiện nghiêm kế hoạch này. Vắc xin là mũi tấn công mang tính quyết định bên cạnh các mũi tấn công khác như xét nghiệm chủ động và công nghệ bắt buộc để Việt Nam kiềm chế được dịch bệnh và mở cửa kinh tế cùng nhịp với thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì họp giao ban Lãnh đạo chủ chốt tuần 23/2021
Công việc vừa qua chậm, chưa được như mong muốn là do chúng ta nhiều khi phức tạp hoá vấn đề, quá coi trọng cách làm, coi cách làm là cái bất biến mà không biết rằng mục tiêu mới là cái bất biến còn cách làm chính là không gian sáng tạo. Cũng vì thế mà nhiều người đã biến cái dễ thành khó, cái có thành không và cái có thể thành cái không thể. Đáng nhẽ ra là chúng ta phải làm điều ngược lại, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể, như lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói. Từ nay, đây sẽ là phương châm hành động của Bộ chúng ta. Mỗi người ở từng vị trí cụ thể của mình làm việc theo phương châm này thì công việc sẽ nhanh hơn nhiều, hiệu quả hơn nhiều và thiết thực hơn nhiều. Nghĩ lý do để không làm được cũng mất công, mất sức, mất thời gian không kém gì so với việc suy nghĩ tìm cách làm được. Vậy thì làm được hay không làm được là do sự lựa chọn của chúng ta thôi.
Trước đây chỉ có lãnh đạo mới có trợ lý. Chắc cũng ít người dám mơ là mỗi chúng ta sẽ có một trợ lý. Nhưng Bộ chúng ta lại đang làm việc này. Từ ngày 01/9/2021, trợ lý ảo sẽ bắt đầu ngày làm việc đầu tiên ở Bộ TT&TT. Đây là một sự thay đổi mang tính cách mạng trong hoạt động nhà nước. Với một rừng các qui định thì không thể có một chuyên viên, một chuyên gia nào có thể nắm vững. Và trợ lý ảo xuất hiện trong từng lĩnh vực chuyên môn sẽ là lời giải giúp cho công chức, viên chức nhà nước làm việc tốt hơn, phục vụ người dân tốt hơn mà lại đỡ vất vả hơn.
Trung ương và Chính phủ liên tục yêu cầu cắt giảm biên chế. Vậy có cách nào tăng người làm không? Tăng cho mỗi người một trợ lý ảo tức là tăng gấp đôi số người làm. Nhưng một cục lớn cũng chỉ có khoảng trăm người. Vậy có cách nào thành một nghìn người không? Bộ chúng ta là bộ đầu tiên vận hành một cục ảo - Cục Tin học hoá ảo, kết nối hàng ngàn người trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên toàn quốc, từ các bộ ngành trung ương, các sở TT&TT, các doanh nghiệp công nghệ số. Tất cả vận hành trong một cục ảo, giải quyết nhiều bài toán hơn, tương tác nhiều hơn và cùng nhau trưởng thành như trong một đơn vị. Trong một thế giới mà sáng tạo là quyết định thì sự tương tác của hàng ngàn người, cả ở địa phương và trung ương, không còn việc tôi, việc anh mà chỉ còn việc của chúng ta, ngồi xa nhau cả ngàn km mà như trong một phòng, thay vì làm việc trên những phần mềm khác nhau thì làm việc cùng nhau trên một nền tảng số, nguồn lực vì thế mà tăng lên gấp bội và sáng tạo cũng vì thế mà tăng lên gấp bội. Nhiều việc lặp lại 63 lần ở 63 Sở thì nay chỉ phải làm một lần. Bộ sẽ tổ chức đánh giá và áp dụng rộng ra cho các đơn vị khác trong quí 3/2021.
Chúng ta đã từng đi qua những giai đoạn khác nhau, có lúc thì chú trọng chiến lược dài hạn, có lúc tập trung nhiều vào kế hoạch ngắn hạn và cũng có lúc thì ứng biến là chính. Cách tiếp cận đúng phải là: Kế hoạch hàng năm phải hướng tới tầm nhìn và mục tiêu dài hạn, trong lúc hành động, trong lúc xử lý tình huống thì có điều chỉnh phù hợp với thực tiễn phát sinh nhưng vẫn phải hướng tới mục tiêu lâu dài. Tất cả các đơn vị phải xây dựng chiến lược, có nơi thì chỉ có chiến lược của đơn vị, có nơi thì phải có cả chiến lược lĩnh vực và chiến lược đơn vị. Năm 2020, chúng ta đã làm xong phần định hướng chiến lược. Năm nay, cơ bản là hết tháng 8 này, tất cả các đơn vị trong Bộ phải hoàn thành chiến lược để phê duyệt. Mọi ứng biến của ngày hôm nay, mọi công việc của tháng này, của năm nay phải luôn hướng tới mục tiêu dài hạn. Think big, do small. Chiến lược thực ra là think big. Chiến lược không có gì là cao siêu khó làm cả. Hiểu xu thế của thời đại mình đang sống. Hình dung ra tương lai của lĩnh vực mình, đơn vị mình. Đặt ra mục tiêu dài hạn. Rồi chỉ những gì phải làm và và cách làm để đạt mục tiêu đó. Mục tiêu thì phải cao, vì có cao thì mới thay đổi được thứ hạng Việt Nam. Cách làm thì phải dễ và khả thi. Muốn có cách làm dễ cho mục tiêu cao thì hình dung tương lai, cách tiếp cận tương lai phải rất khác biệt. Thí dụ, có người hình dung tương lai phải xây trên nền của hiện tại, nếu theo cách này thì những nước đi sau như Việt Nam rất ít cơ hội bứt phá vươn lên; nhưng có người lại hình dung tương lai là sự phá huỷ cái cũ thì những nước đi sau như Việt Nam vì không có quá nhiều thứ để mất nên có thể chấp nhận cái mới, công nghệ mới và mô hình kinh doanh mới, nhanh hơn, cơ hội bứt phá lại nhiều hơn.
Việc lớn thì khó làm. Nó khó làm không phải vì nó khó làm. Mà bởi vì nó to. Cũng có khi không phải bởi nó to mà bởi nó trừu tượng. Cái to, cái trừu tượng không chỉ khó làm mà nó còn làm cho mọi người hiểu khác nhau và làm mất đi sự đồng thuận. Bởi vậy mà việc của nhà quản lý là chia nó nhỏ đi, làm cho nó tường minh để mọi người biết mà làm và dễ làm. Chúng ta làm chính phủ điện tử (CPĐT) cũng đã gần hai chục năm rồi, nhưng làm rõ CPĐT qua các mục tiêu, các việc cụ thể phải làm, ai làm gì và bao giờ xong, rõ ra đến quí, đến năm, đến từng bộ ngành và địa phương thì lại làm chưa tốt. Chúng ta đã ngồi xuống làm chi tiết và hôm nay sẽ chính thức công bố các mục tiêu cụ thể của CPĐT, các mục tiêu 2021-2022 của chính phủ số (CPS), và cũng nói rõ cái gì đã làm xong, cái gì đã làm được đến đâu. Công bố này rất quan trọng ở chỗ thống nhất nhận thức, cách hiểu và các việc cần phải làm, các mục tiêu cần phải đạt được về CPĐT, CPS. Đây chính là cách biến việc to thành việc nhỏ, việc khó thành việc dễ, cái khó hiểu thành cái dễ hiểu, hiểu khác nhau thành hiểu giống nhau, chưa đồng thuận thành đồng thuận. Tôi đề nghị các việc khác của Bộ, nhất là các việc liên quan đến toàn quốc, liên quan đến các bộ ngành và địa phương, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, thì phải làm theo cách này.
Chúng ta đã xác định rõ vắc xin là đòn tấn công quyết định để khống chế đại dịch covid-19, để cuộc sống quay trở lại. Mọi người dân sẽ được tiêm miễn phí. Nhưng ngoài ngân sách nhà nước chúng ta cũng cần đến sự chung tay của mọi người dân Việt Nam. Toàn quốc và toàn dân luôn là sức mạnh lớn nhất của dân tộc này. Chính phủ đã thành lập Quĩ vắc xin phòng, chống covid-19. Đã ra mắt ngày 5/6/2021. Thủ tướng Chính phủ đã truyền đi thông điệp vừa xúc động, vừa hào hùng về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo chỉ đạo toàn bộ hệ thống truyền thông, từ báo, đài, trang tin, hệ thống thông tin cơ sở, mạng viễn thông, mạng xã hội, từ trung ương đến địa phương, khơi dậy sức mạnh toàn dân, tinh thần tương thân tương ái, ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều. Đây là câu chuyện lâu dài, không phải ngày một ngày hai. Vắc xin là theo năm, covid có thể nhiều năm. Hàng ngày, liên tục và bền bỉ, hệ thống truyền thông nuôi dưỡng tinh thần Việt Nam. Trang nhất của tất cả các báo điện tử, các chương trình truyền hình lớn luôn hiện lên con số đóng góp vào quĩ vắc xin của người dân, tổ chức và doanh nghiệp, của tất cả đồng bào ta. Lan toả năng lượng tích cực và niềm tin Việt Nam kiềm chế dịch bệnh và phát triển kinh tế.
Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông