990 năm danh xưng Thanh Hóa
Theo tài liệu Mộc bản, danh xưng Thanh hóa được khởi đầu từ năm Thiên Thành thứ hai (1029) đời vua Lý Thái Tông
Trên dải đất hình chữ S Việt Nam, Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của dân tộc. Đó là miền đất gợi cho chúng ta về quá khứ hào hùng từ buổi bình minh dựng nước và quá trình đấu tranh giữ nước, một miền văn hoá nguồn cội.
Trải qua thời gian, địa danh của miền đất này cũng nhiều lần thay đổi, nhưng dường như từ lâu hai chữ “Thanh Hóa” đã trở thành tiếng gọi thiêng liêng của mỗi người dân nơi đây. Nhiều người từng đặt ra câu hỏi: danh xưng Thanh Hóa chính thức ra đời từ khi nào?
Trong quá trình khảo sát, nghiên cứu khối Mộc bản Triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới, chúng tôi đã may mắn tìm thấy những tài liệu quý phản ánh lịch sử hình thành và quá trình phát triển của vùng đất xứ Thanh. Đặc biệt, là Mộc bản khắc niên đại xuất hiện tên gọi Thanh Hóa, mốc dấu đầu tiên đánh dấu danh xưng này trong lịch sử dân tộc.
Mộc bản sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, quyển 21, mặt khắc 20 chép: Đời Hùng Vương xưa Thanh Hóa thuộc bộ Cửu Chân; nhà Tần thuộc Tượng Quận; nhà Hán là quận Cửu Chân; Ngô, Tần và Tống cũng theo tên cũ của Hán; Lương Võ đế đổi Cửu Chân làm Ái Châu; nhà Tùy lại gọi là Cửu Chân quận; nhà Đường chia đặt làm 2 quận: Ái Châu và Cửu Chân. Nhà Đinh và nhà Lê gọi Thanh Hóa là Ái Châu; nhà Lý đổi làm trại, năm Thiên Thành thứ hai đổi làm Thanh Hóa (Thanh Hoa) phủ (*).

Bản dập Mộc bản sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, quyển 21, mặt khắc 20. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Đây chính là một trong những cơ sở để các nhà khoa học xác định danh xưng này lần đầu xuất hiện trong sử sách. Sau này trong quá trình phát triển, dù cũng có nhiều lần miền đất này được thay đổi về tên gọi và địa giới hành chính, có lúc được gọi là Thanh Hoa, có khi được đặt là Thanh Hóa, nhưng đây là tỉnh có số lần chia tách và sát nhập ít nhất cả nước.
Như vậy, tính từ năm Thiên Thành thứ hai đời vua Lý Thái Tông (1029) đến nay, 990 năm đã trôi qua, mảnh đất kiên cường ấy đã ghi nhiều kỳ tích trong chiến đấu và xây dựng đất nước, để rồi hai tiếng Thanh Hóa trở thành một dấu son trong lịch sử dân tộc. Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển để thế hệ hôm nay và mai sau luôn mãi tự hào về vùng đất mà mình sinh ra./.
Chú thích:
* Theo bản dịch sách "Khâm định Việt sử thông giám cương mục", Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện sử học, NXB Giáo dục, năm 2007, tập 1, tr 1040.
Tài liệu tham khảo:
Hồ sơ H60/21, Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Hồ sơ H20/18, Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Theo luutru.gov.vn