Kỷ niệm những lần gặp Bác Hồ của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
Có rất nhiều người con của quê hương Thanh Hóa trên những chặng đường học tập, công tác của mình, đã may mắn được sống bên Bác Hồ hoặc trực tiếp gặp Bác. Được gần gũi Bác, làm người học trò nhỏ của Bác là một vinh dự vô cùng lớn lao.
Có rất nhiều người con của quê hương Thanh Hóa trên những chặng đường học tập, công tác của mình, đã may mắn được sống bên Bác Hồ hoặc trực tiếp gặp Bác. Được gần gũi Bác, làm người học trò nhỏ của Bác là một vinh dự vô cùng lớn lao. Trong những lần gặp Bác, học tập lối sống và đạo đức của Bác, nhiều người đã được rèn luyện và trưởng thành, trở thành những công dân ưu tú, những cán bộ cốt cán, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Trong số những người con ưu tú của cha già dân tộc Hồ Chí Minh, có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chụp ảnh lưu niệm với êkíp thực hiện phim tài liệu “Bác Hồ và những người con ưu tú xứ Thanh”. Ảnh: PV
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sinh ra từ làng quê Thượng Phúc, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn. Từ khi còn nhỏ ông đã theo các bậc cha chú tham gia hoạt động cách mạng và được giác ngộ. Ông kể rằng: lúc 13 tuổi, chú của ông đưa cho một cuốn sách không nhớ rõ tiêu đề, nhưng nội dung viết về Bonsevic, về vấn đề cộng sản. Đọc cuốn sách, ông nhận thức được rằng người cộng sản đứng về phía dân nghèo. Làng ông thời ấy chỉ có 4 người học sơ học yếu lược là biết chữ, trong đó có ông. Ông quan sát thấy trên cây đa, cây gạo trong làng có dán chữ “Nguyễn Ái Quốc”, nhưng chưa biết đó là ai. Ông chú giao cho một lá cờ, bảo treo lên cây gạo, ông trèo lên treo nhưng trong đầu chưa có khái niệm về Đảng, về cách mạng, mới chỉ lờ mờ biết rằng đó là việc tốt, cần làm vì dân, vì nước. Dần dần tiếp xúc qua sách báo, tài liệu và truyền khẩu, ông biết đến ba vị Các Mác, Ăng ghen, Lênin, nhưng vì tài liệu cũng hiếm và thông tin hạn chế, lại có nhiều vấn đề thuộc về bí mật của cách mạng nên không được phổ biến. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông hiểu rõ ràng hơn về hai chữ “cách mạng”. Mặc dù vậy, những hiểu biết của ông về Đảng, Bác Hồ vẫn rất hạn chế, thậm chí ông còn tưởng Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh là hai người khác nhau.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu còn nhớ kỳ bầu cử Quốc hội đầu tiên diễn ra vào đầu năm 1946, lần đầu tiên trong đời ông được phục vụ bầu cử với vai trò thư ký. Tới năm 17 tuổi, ông được tổ chức cách mạng địa phương giới thiệu là đối tượng cảm tình Đảng, được kết nạp Đảng năm 1949 và làm công tác thanh niên.
Đầu năm 1950, ông là một trong số 2 đảng viên của chi bộ địa phương được chọn cử bổ sung lực lượng cho Sư đoàn 304 đóng tại Thanh Hóa và bắt đầu cuộc đời quân ngũ từ đó. Ông đã cùng cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 304 tham gia chiến dịch Biên Giới thu đông 1950, tại mặt trận Đông Khê, một chiến dịch vô cùng quan trọng trong kháng chiến chống Pháp, giải phóng Cao – Bắc - Lạng, khai thông biên giới Việt - Trung để mở đường tiếp nhận viện trợ cho kháng chiến chống Pháp.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu còn nhớ như in buổi sáng hôm ấy, lãnh đạo đơn vị tập trung quân sớm hơn thường lệ và thông báo chuẩn bị có thượng cấp đến thăm. Một lúc sau, xuất hiện một người ăn vận giản dị, dáng gầy gò, râu dài. Sau khi cán bộ đơn vị giới thiệu, những người lính trẻ mới biết đó là Bác Hồ - vị lãnh tụ của cách mạng dân tộc. Họ đồng thanh hô vang “Bác Hồ muôn năm” trong niềm phấn khích khôn tả.
Thời ấy, cuộc sống của bộ đội rất gian khổ, súng chưa đủ, chân đi đất. Nhìn thấy vậy, Bác hỏi: “Đi đánh giặc lúc xung phong không có dép thì làm sao?” . Những người lính trẻ trả lời: “Dạ thưa Bác, đi bẹ chuối cũng xung phong được ạ”. Bác cảm động nói: Như thế là ta biết tự lực, lấy sức ta để giải phóng cho ta và khen anh em biết khắc phục khó khăn là rất tốt. Rồi Bác xem xét quần áo của anh em. Thời ấy, áo của lính 304 do xưởng dệt Quân khu 4 làm, nó thô cứng, sợi to tựa như bao tải. Bác hỏi: “Thế đi mưa thì làm sao?”. Anh em trả lời: “Báo cáo Bác, đi mưa thì chúng cháu lấy lá cọ để che”. Bác rơm rớm nước mắt. Bác nói chuyện, thăm đơn vị khoảng hơn 1 tiếng.
Năm 1957, Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần thứ 2, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi ấy là Trưởng Ban tổ chức cán bộ Sư đoàn 304. Trước đó ông biết tin được dự cuộc họp đặc biệt của Tỉnh ủy Thanh Hóa triệu tập, nhưng chưa kịp dự, thì Bác đã đến thăm đơn vị Tiểu đoàn pháo cao xạ của sư đoàn đóng tại Tỉnh đội Thanh Hóa. Khi ông đang từ đơn vị đi ra thì thấy có một đoàn xe đi vào, linh tính mách bảo chắc là đoàn xe của Bác Hồ, ông liền quay lại. Bác đến thăm mà không hề báo trước. Người kiểm tra nhà bếp, chuồng trại chăn nuôi của đơn vị, hỏi thăm cán bộ, chiến sĩ. Người hỏi: “Các chú tăng gia có khá không?”. Đồng chí Phan Xuân Kinh, chủ nhiệm chính trị của sư đoàn trả lời: “Thưa Bác, cũng khá ạ!”. Người quay sang phía ông. Ông trả lời: “Thưa Bác, vừa vừa ạ”. Người bảo: “Sao cùng một sự việc mà người nói khá, người nói vừa vừa?”, hàm ý là cán bộ quản lý phải rất cụ thể, sát sao từng việc, không được nói chung chung. Sau khi đi thăm doanh trại, Bác ra giữa sân ngồi bệt xuống, nói chuyện tình hình đất nước và thế giới, mọi người quây xung quanh cùng nghe. Người nhắc nhở: “Hiện nay miền Bắc đang sống trong không khí hòa bình, nhưng miền Nam chưa được giải phóng, vì vậy, cao xạ phải cảnh giác canh giữ bầu trời”.
Lần thứ ba nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu được gặp Bác Hồ vào tháng 7 năm 1960, khi tham dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc. Thời kỳ ấy, phong trào thi đua “Cờ Ba Nhất” được xây dựng từ Đại đội 2, Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 68 pháo binh thuộc Sư đoàn 304. Tại đại hội, Bác phát biểu: “Công nhân phất cao ngọn cờ Duyên Hải; nông dân phất cao ngọn cờ Đại Phong; quân đội anh hùng phất cao ngọn cờ Ba Nhất. Công - nông - binh đại thi đua, đại đoàn kết, CNXH nhất định thành công, Nam - Bắc nhất định thống nhất một nhà”. Bác căn dặn các chiến sĩ thi đua phải phấn đấu, cán bộ quân đội phải lo cho dân, gần dân, sửa đổi lối làm việc, không quan liêu.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu còn được gặp Bác thêm hai lần nữa. Vào năm 1968, lúc đó ông là Chính ủy Trung đoàn, Phó chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Quân khu Trị Thiên. Sau cuộc chiến đấu Tết Mậu Thân, đơn vị của ông rút ra miền Bắc. Ông lại được gặp Bác tại hội nghị tổng kết của Bộ Quốc phòng, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì. Bác đọc thơ xuân chúc tết cán bộ, chiến sĩ. Nghe những câu thơ của Bác, ông cảm giác như có một nguồn lực thôi thúc, thấy mình cần phải nhanh chóng vào lại chiến trường để được chiến đấu.
Năm 1969, khi Bác mất, đồng chí Lê Khả Phiêu đã được dự lễ viếng và đây cũng là lần cuối cùng được gặp Bác, nghiêng mình bên linh cữu của Người. Sau đó ông tiếp tục vào Nam chiến đấu. Trong chiến trường ác liệt, ngoài bom rơi đạn nổ còn chịu đựng những cơn sốt rét, thiếu muối, thiếu gạo... Nhưng mỗi lần nhớ đến hình ảnh Bác, ngẫm những lời Bác dạy, ông càng thấy thấm thía, thấy cần phải cố gắng thực hiện tâm nguyện của Bác là quyết tâm đánh đuổi giặc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Đối với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, những lần được gặp Bác và nghe những lời dạy bảo ân cần của Bác đã để lại cho ông nhiều bài học sâu sắc. Ông đặc biệt thấm thía những lời dạy của Bác về đức tính của người cán bộ. Người từng căn dặn cán bộ Thanh Hóa: “Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”. Và bài học “đoàn kết”, bài học “dân là gốc” cũng luôn được ông tâm niệm và thực hiện trong suốt cuộc đời và sự nghiệp làm cách mạng của mình, đặc biệt là khi đảm nhiệm vai trò Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã đi vào con tim, khối óc của lớp lớp các thế hệ người Việt Nam. Được gặp Bác, được Bác dạy bài học làm cách mạng vì dân vì nước, nhiều người đã trở thành chiến sĩ trung kiên của Đảng, cán bộ cốt cán của Nhà nước, suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp và lý tưởng cao cả mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Tuy Bác đã đi xa, nhưng lối sống, đạo đức sáng ngời của Người vẫn được lan truyền một cách tự nhiên trong nhân gian, bởi chính những học trò xuất sắc của Bác tiếp tục làm gương sáng cho các thế hệ học tập, noi theo.
Mai Hương
(Ghi theo lời kể của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu)