Hội báo Xuân Đinh Dậu và Triển lãm tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử
Sáng 04/02/2017, tại Trung tâm hội nghị huyện Như Xuân, Hội Nhà báo tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với huyện Như Xuân tổ chức Hội báo Xuân và Triển lãm tư liệu về “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử ”.
Sáng 04/02/2017, tại Trung tâm hội nghị huyện Như Xuân, Hội Nhà báo tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với huyện Như Xuân tổ chức Hội báo Xuân và Triển lãm tư liệu về “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử ”. Tham dự buổi lễ có lãnh đạo các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh; các cơ quan báo chí của tỉnh, Thường trực Huyện ủy- HĐND - UBND-MTTQ huyện Như Xuân, Lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị, các xã, thị trấn, trường học trên địa bàn huyện, cùng đông đảo các em học sinh.
Toàn cảnh Hội báo Xuân và triển lãm tư liệu về “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử ”.
Với chủ đề “Mừng Đảng - Mừng xuân, kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa”, Hội báo Xuân Đinh Dậu 2017 có sự tham gia của hơn 200 ấn phẩm báo chí số Tết 2017 và Xuân Đinh Dậu của các cơ quan báo chí ở Trung ương, của Báo Thanh Hóa, Báo Văn hóa và Đời sống, Tạp chí Xứ Thanh... Các ấn phẩm báo tết, báo xuân là sự tụ hội tinh túy về trí tuệ và công nghệ, phản ánh đậm sắc xuân, sự đổi mới toàn diện của quê hương, đất nước, nhất là những thành quả lớn lao sau 30 năm đổi mới đất nước. Mỗi trang báo, cánh sóng là tấm lòng, tình cảm, trách nhiệm, sự nhiệt huyết, đam mê của người làm báo cũng như quyết tâm chính trị của mỗi cơ quan báo chí; là niềm tin sắt son của báo giới vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội báo Xuân Đinh Dậu và Triển lãm tư liệu về "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử"
Bên cạnh những ấn phẩm báo chí là những tư liệu chủ quyền về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa gồn những văn bản Hán nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương, thay mặt nhà nước Việt Nam đương thời, ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, khẳng định quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Các châu bản triều Nguyễn (từ triều Gia Long đến triều Bảo Đại) ban hành liên quan trực tiếp đến vấn đề khai thác, quản lý, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới triều Nguyễn (1802 - 1945); Phiên bản của các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam ban hành trong thời kỳ 1954 - 1975 tiếp tục khẳng định quá trình quản lý hành chính, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một số tư liệu, ấn phẩm do các nước phương Tây biên soạn và xuất bản từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và không gian bản đồ cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những minh chứng nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hội báo Xuân Đinh Dậu 2017 và Triển lãm tư liệu về “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử ” diễn ra tại huyện Như Xuân từ ngày 4 đến ngày 6/2/2017.
Lương Hiền