Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 2

    Hôm nay: 1541

    Đã truy cập: 9541436

Tiếng Điện Biên đến đâu, đồng bào Thanh Hóa có phần vinh dự đến đó

Thanh Hóa đất rộng, người đông đã bảo vệ vững chắc vùng tự do, góp phần hoàn thành xuất sắc vai trò “hậu phương lớn” trong kháng chiến trường kỳ. Trên hành trình phấn đấu trở thành một cực tăng trưởng mới phía bắc Tổ quốc, Thanh Hóa luôn hướng về Điện Biên, hiện thực hóa phương châm “muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”

Hậu phương lớn

Hai tháng sau khi ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, vào ngày 20/2/1947, Bác Hồ về thăm Thanh Hóa, khi ấy đang là vùng tự do. Theo nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị: Trong lúc cả nước đang dốc sức cho cuộc kháng chiến chống Pháp, Người nhìn thấy tiềm lực to lớn của tỉnh Thanh. Người kêu gọi, động viên và yêu cầu tỉnh nhà phải “xắn tay áo làm đi”, “quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu” để đóng góp được nhiều hơn cho cuộc kháng chiến và cho đất nước.

Tại xã Xuân Thọ, huyện Triệu Sơn, nhân dân tích cực mua công trái quốc gia, công phiếu kháng chiến; mỗi làng đều thành lập một tiểu đội đến một trung đội dân quân, tăng cường luyện tập các phương án tác chiến. Tại Đình Tam Lạc diễn ra lễ công bố thành lập Đại đoàn 304 (Đại đoàn Vinh Quang)-Đại đoàn chủ lực thứ 2 của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhiều gia đình ở xã Xuân Thọ có từ 3 đến 4 người con đi bộ đội chống Pháp; hơn 3.000 lượt người trong xã đã tham gia 78 đợt dân công phục vụ các chiến dịch Trung Du, Quang Trung, Hòa Bình, Thượng Lào, Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống Pháp, Đại đoàn 304 đã tham gia 9 chiến dịch, là đơn vị bao vây, cắm cờ làm chủ Hồng Cúm-Điện Biên Phủ.

Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến (Ảnh: TTXVN)

Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo toàn dân xây dựng, bảo vệ căn cứ, hậu phương kháng chiến chống Pháp. Đi đôi với khuyến khích nông dân khai hoang, phục hóa, thi công các công trình thủy lợi, thực hiện “ người cày có rộng”, phát triển mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, xây dựng công binh xưởng ở nông thôn, “lò cao kháng chiến” trong hang núi ở xã Hải Vân, huyện Như Thanh, phát triển lực lượng vũ trang địa phương; quân và dân Thanh Hóa vừa xây dựng hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến trường kỳ, vừa trực tiếp chiến đấu, bẻ gãy các cuộc tiến công của địch sang vùng tự do, tiễu phỉ ở vùng thượng du, đập tan các tổ chức phản động gián điệp, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn.

Nhiều gia đình ở xã Xuân Thọ có từ 3 đến 4 người con đi bộ đội chống Pháp; hơn 3.000 lượt người trong xã đã tham gia 78 đợt dân công phục vụ các chiến dịch Trung Du, Quang Trung, Hòa Bình, Thượng Lào, Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống Pháp, Đại đoàn 304 đã tham gia 9 chiến dịch, là đơn vị bao vây, cắm cờ làm chủ Hồng Cúm-Điện Biên Phủ.

Theo lịch sử Đảng bộ quân sự tỉnh Thanh Hóa, 1945-2005, “Thanh Hóa đã thể hiện rõ vai trò hậu phương chiến lược quan trọng của cuộc kháng chiến, đã huy động 34.177.235 ngày công làm cầu, đường và tiếp vận, phục vụ 5 chiến dịch lớn: Trung Du, Quang Trung, Hòa Bình, Thượng Lào và Điện Biên Phủ; huy động hàng vạn tấn lương thực và thực phẩm, đáp ứng 70% nhu cầu chiến dịch; động viên 56.792 thanh niên vào bộ đội bổ sung cho các chiến trường”. Riêng năm 1953  và 6 tháng đầu năm 1954, Thanh Hóa có tới 28.890 thanh niên nhập ngũ, bằng tổng quân số tuyển quân 7 năm, từ năm 1946-1952.

Thanh Hóa đóng góp to lớn sức người, sức của trong chiến cục đông xuân 1953-1954, cùng quân dân cả nước thực hiện trận quyết chiến chiến lược tại chiến trường Điện Biên Phủ.

Chuẩn bị cho chiến dịch, cuối năm 1953 Trung ương giao và Thanh Hóa mở thông tuyến đường 41 lên Điện Biên Phủ. Tỉnh xây dựng hệ thống kho, trạm trên tuyến đường vận tải; huy động thanh niên xung phong sửa đường, bắc cầu cho bộ đội, dân công ra tiền tuyến, triển khai vận chuyển những chuyến hàng đầu tiên cho chiến dịch. Đợt đầu, Trung ương giao Thanh Hóa cung cấp 1.352 tấn gạo tại Hồi Xuân (Quan Hóa) và 100 tấn thực phẩm, giao tại Sơn La. Đầu tháng 3/1954, Trung ương tiếp tục giao Thanh Hóa huy động và vận chuyển 1.000 tấn gạo, 165 tấn thực phẩm, cung cấp tại Km22 đường 41. Tháng 4 năm 1954, Trung ương yêu cầu Thanh Hóa cung cấp 2.000 tấn gạo, gần 300 tấn thực phẩm và phải hoàn thành trước ngày 31/5/1954. Đang thời kỳ giáp hạt, Thanh Hóa đã huy động trong nhân dân rẽ, thu hoạch những vạt lúa chín, cung ứng cho chiến trường.

Năm nay 97 tuổi, phát sinh lắm bệnh, di chuyển khó khăn, ấy vậy mà ông Trần Khôi vẫn gượng dậy cửa, tiếp chuyện khách. Đặc biệt, ông trở nên hoạt bát, hào hứng, say xưa kể về chuyến đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biện Phủ. Là Cảnh sát xung phong sau ngày Cách mạng thành công, từng bảo vệ Bác Hồ trong lần đầu tiên Người về thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân dân Thanh Hóa về cuộc kháng chiến trường kỳ, được kết nạp Đảng tại liên chi Công sở huyện Vĩnh Lộc; tháng 3/1954 đang công tác ở khu phố, ông Trần Khôi được phân công giữ chức vụ Bí thư chi bội, Chính trị viên Đại đội xe thồ của thị xã Thanh Hóa lên đường phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Trần Khôi trân quý lưu giữ bức ảnh đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Mai Luận)

Nhận gạo từ kho Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, đại đội xe thồ cắt rừng, vượt suối, có điểm đợi công binh bạt vách núi, mở đường, hướng về Điện Biên. Đóng quân ở khu vực Suối Rút, khoảng 17 giờ hằng ngày đại độ xe thồ nhận, chở gạo đến khu vực ngã ba Cò Nòi giao hàng, rồi lui về rừng Suối Rút nghỉ ngơi, sinh hoạt, hôm sau lại tiếp tục hành trình tải lương trên cung đường  rừng dưới tầm trinh sát, oanh tạc của không quân địch. Từ thực tiễn hoạt động vận tải, các dân công hỏa tuyến chặt tre luồng, chẻ thành thanh trụ gia cố vành bánh xe; sử dụng vải quấn xăm, bỏ vào vòng lốp hỏng, rồi lắp lốp có tanh phía ngoài vào vành, bơm hơi, tăng trọng lượng vận tải lên gấp 2 lần, tương ứng khoảng 1,5-2 tạ gạo/xe đạp thồ. Đại đội xe thồ của thị xã Thanh Hóa hai lần được tặng cờ thi đua xuất sắc phục vụ chiến dịch Điện Biên phủ.

Hậu phương Thanh Hóa đã huy động cao nhất, nhiều nhất sức người, sức của, bảo đảm hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ quyết thắng.

Tập trung phát triển trồng trọt, chăn nuôi đi đôi phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, tu bổ đê điều, phát huy hiệu quả các tổ đổi công, thi đua phát triển kinh tế, Thanh Hóa đã hoàn thành vượt mức kế hoạch Trung ương giao. Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa 1930-1954: Thanh Hóa đã huy động hơn 200 nghìn dân công dài hạn và ngắn hạn, huy động hơn 3.500 xe đạp thồ, 1.126 thuyền ván các loại, 31 ô tô, 180 xe bò, 42 con ngựa thồ, 3 con voi thồ hàng; cung cấp hơn 4.500 tấn gạo, 350 tấn thực phẩm, 2.000 con lợn, 350 con trâu, bò và hàng chục tấn rau, đậu, lạc, vừng.. phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hậu phương Thanh Hóa đã huy động cao nhất, nhiều nhất sức người, sức của, bảo đảm hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ quyết thắng. Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ 2 vào năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó; tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

"Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó; tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó". Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tiếp nối truyền thống Thanh Hóa-Điện Biên

Kế thừa, phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, tỉnh Thanh Hóa tập trung lãnh đạo, điều hành, sáng tạo trong khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương, đặc biệt quan tâm phát huy nguồn lực con người, sức mạnh đoàn kết trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, nhờ tăng năng suất, giá trị thu nhập trên cùng diện tích canh tác, giữ vững chốt an ninh lương thực hơn 1,5 triệu tấn/năm, Thanh Hóa đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng phong trào mỗi xã một sản phẩm. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông không ngừng được cải thiện; phát huy lợi thế các phương thức vận tải: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển ở tỉnh bắc miền trung. Nhiều dự án quy mô lớn, nhất là dự án trọng điểm quốc gia Liên hợp Lọc hóa dầu, Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn; các dự án đầu tư của các tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước đã và đang đưa vào hoạt động, tạo động lực mới cho Thanh Hóa phát triển nhanh, sớm trở thành một cực tăng trưởng mới, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1. (Nguồn: Báo Nhân Dân)

Thanh Hóa luôn quan tâm bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích cách mạng, kháng chiến; sớm đưa nội dung giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, kiến thức địa phương vào các trường học. Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện lưu giữ hơn 30 nghìn hiện vật, trong đó cơ quan chuyên môn lựa chọn, trưng bày, giới thiệu gần 4.000 hiện vật tiêu biểu theo tiến trình lịch sử dân tộc. Những hiện vật, kỷ vật kháng chiến, nhất là đóng góp của quân dân Thanh Hóa trong kháng chiến chống Pháp và đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ được bài trí nổi bật.

Bước đầu, bảo tàng số hóa 3 bảo vật quốc gia cùng 400 hiện vật. Đi đôi với không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa chủ động phối hợp với các cơ sở kinh doanh du lịch, các trường học đưa người có công, học sinh, sinh viên tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa địa phương, tổ chức diễn đàn hỏi-đáp, có hình thức khen thưởng, khích lệ. Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa còn đưa hình ảnh hiện vật, tư liệu lên các huyện miền núi trưng bày, giới thiệu tại trường học; cử cán bộ trực tiếp tham gia truyền đạt kiến thức lịch sử, văn hóa đến học sinh.

Người dân tham quan Triển lãm ảnh về chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: MAI LUẬN)

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa Trịnh Đình Dương cho biết: Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cùng phối hợp cung cấp, trao đổi tư liệu, hiện vật với Bảo tàng các tỉnh: Điện Biên, Quảng Ninh, Sơn La, tổ chức trưng bày chuyên đề về chiến thắng Điện Biên Phủ. Dịp tỉnh bạn tổ chức tuần lễ văn hóa Điện Biên tại Thanh Hóa, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa tham gia trưng bày, giới thiệu chuyên đề “Quân dân Thanh Hóa với chiến dịch Điện Biên phủ”. Hiện đơn vị đang chỉnh lý, bổ sung hiện vật, trưng bày chuyên đề “70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”, đáp ứng yêu cầu giáo dục truyền thống, nghiên cứu, tham quan của các tầng lớp nhân dân, du khách.

Tỉnh Thanh Hóa dành 20 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo Khu tưởng niệm liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1.

Uống nước, nhớ nguồn, tỉnh Thanh Hóa dành 20 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo Khu tưởng niệm liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1; thường thăm thân, giao lưu, nhất là tổ chức các chuyến công tác đến các nghĩa trang ở tỉnh Điện Biên viếng các anh hùng, liệt sĩ, trong đó có gần 800 liệt sĩ quê Thanh Hóa đang yên nghỉ ở các mộ phần, lưu danh trên bia ký. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa phát động ủng hộ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; bước đầu huy động được gần 3 tỷ đồng từ sự chung tay, góp sức của các tập thể, cá nhân trong tỉnh.

Tiếp nối nghĩa tình sắt son trong kháng chiến trường kỳ cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch hai tỉnh Điện Biên-Thanh Hóa vừa ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2024-2026 nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương, xây dựng và khẳng định thương hiệu, hấp dẫn khách du lịch; tăng cường phối hợp thu hút các nguồn lực xã hội, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp liên kết tìm kiếm đối tác để xây dựng, khai thác, phát triển sản phẩm du lịch.

Tỉnh đặc biệt chú trọng khơi dậy, nhân thêm sức mạnh mềm từ phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử.

Hai bên đã phối hợp tổ chức thành công “Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên-Thanh Hóa năm 2024”; quảng bá, giới thiệu những giá trị lịch sử, văn hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng của hai tỉnh; kết nối, lan tỏa “những sắc màu văn hóa” của các dân tộc vùng Tây Bắc và các dân tộc ở xứ Thanh.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng ghi nhận, sự kiện một lần nữa khẳng định thành tựu hợp tác trên tất cả các lĩnh vực giữa tỉnh Điện Biên với tỉnh Thanh Hoá, thể hiện mối giao hòa văn hóa và tình đoàn kết gắn bó giữa đồng bào các dân tộc Điện Biên và Thanh Hoá; tạo ra nhiều cơ hội kết nối các sản phẩm văn hóa, du lịch, góp phần đẩy mạnh liên kết, phát triển du lịch, kinh tế giữa Điện Biên và Thanh Hóa, cũng như với cả nước và quốc tế.

Thanh Hóa tiếp tục chăm lo xây dựng Đảng bộ đoàn kết, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Một góc Thanh Hóa ngày nay. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản

Tỉnh đặc biệt chú trọng khơi dậy, nhân thêm sức mạnh mềm từ phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động tối đa các nguồn lực, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân; tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh bạn để phát triển nhanh, bền vững, từng bước hiện thực hoá "khát vọng thịnh vượng".

Theo nhandan.vn

 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THANH HÓA

Giấy phép số 12/GP-TTĐT do Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 11/4/2014

Chịu trách nhiệm: Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc

Địa chỉ: Tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa, Đại lộ Nam Sông Mã - Phố Ái Sơn 2 - Phường Đông Hải - Thành phố Thanh Hóa

Số ĐT: (02373) 713.985 - Fax: (02373) 713.985

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa