Khai mạc Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam 2023
"Phát triển AI hẹp cũng như tạo ra và nuôi dạy đứa con AI của chính mình, rồi hướng nó vào đâu, mục tiêu gì, nhiệm vụ nào, để nó giúp việc cho chúng ta. Vì thế, AI diện hẹp có độ tin cậy và khả năng kiểm soát cao hơn. Nếu các quy định quản lý quá chặt sẽ kìm hãm sự phát triển của AI diện hẹp". Đó là nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trong bài phát biểu tại Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam 2023.
Sáng ngày 12/12/2023, tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam đã chính thức khai mạc. Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức.
Tham dự sự kiện có Lãnh đạo và đại diện các cơ quan quản lý của Việt Nam và 22 nước, các tổ chức quốc tế, các đoàn ngoại giao, các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế.
Chủ đề của sự kiện năm này là "Ứng dụng AI diện hẹp" (Narrow AI Applications). AI diện hẹp là AI chuyên biệt và tập trung. AI diện hẹp được thiết kế, đào tạo để giải quyết những nhiệm vụ cụ thể hoặc những nhóm nhiệm vụ cụ thể.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: "Phát triển AI hẹp cũng như tạo ra và nuôi dạy đứa con AI của chính mình, rồi hướng nó vào đâu, mục tiêu gì, nhiệm vụ nào, để nó giúp việc cho chúng ta. Vì thế, AI diện hẹp có độ tin cậy và khả năng kiểm soát cao hơn. Nếu các quy định quản lý quá chặt sẽ kìm hãm sự phát triển của AI diện hẹp"
Phát triển AI diện hẹp cũng như tạo ra và nuôi dạy đứa con AI của chính mình, rồi hướng nó vào đâu, mục tiêu gì, nhiệm vụ nào, để nó giúp việc cho chúng ta
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, sự phát triển của AI mang lại cả cơ hội và thách thức, cách sử dụng và quản lý AI đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển trong tương lai của tất cả chúng ta.
AI diện hẹp hiện đã sẵn sàng để ứng dụng rộng rãi. Việc ứng dụng AI diện hẹp có thể giúp cải thiện hiệu quả AI trong các ứng dụng cụ thể, giúp đưa AI đến với tất cả mọi người ở mọi quốc gia ở mọi trình độ khác nhau, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, phát triển AI hẹp cũng như tạo ra và nuôi dạy đứa con AI của chính mình, rồi hướng nó vào đâu, mục tiêu gì, nhiệm vụ nào, để nó giúp việc cho chúng ta. Vì thế, AI diện hẹp có độ tin cậy và khả năng kiểm soát cao hơn. Nếu các quy định quản lý quá chặt sẽ kìm hãm sự phát triển của AI diện hẹp.
Ngược lại, phát triển AI tạo sinh (Generative AI) cần có các quy định về thể chế, quy tắc đạo đức (code of conduct), minh bạch về thuật toán để giảm thiểu các rủi ro, nguy cơ.
Tuy nhiên, cách mạng AI cần sự đầu tư của chính phủ để phát triển hạ tầng AI, nhân lực AI và khung pháp lý quản lý AI.
Cách mạng AI là cơ hội để các nước đang phát triển bắt kịp các quốc gia phát triển
Cuộc cách mạng AI mang lại cơ hội cho tất cả các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia có thể thích nghi nhanh chóng và sẵn sàng thay đổi. Các nước đang phát triển có thể tận dụng cơ hội AI mang lại để bắt kịp các nước phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế trong cuộc cách mạng AI nhằm tối đa hóa lợi thế và giảm thiểu rủi ro. Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về CNTT, kinh tế số, đặc biệt trong các chương trình triển khai ứng dụng AI.
Trong bối cảnh thế giới ngày nay đặc trưng bởi VUCA (biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ), chúng ta cần có sự tin tưởng lẫn nhau, tin tưởng vào con người và tin tưởng vào công nghệ mới như AI.
Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
Quảng Ninh xác định phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh
Chia sẻ tại sự kiện, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, có vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; là một trong những cửa ngõ giao thương quan trọng và sôi động của Việt Nam với ASEAN. Trong những năm qua, tỉnh đã có bước phát triển đột phá, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể và môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất ở phía Bắc, Việt Nam cũng là thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, Việt Nam.
Bên cạnh việc chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng “cứng” với hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, trong những năm qua, Quảng Ninh đã “đi trước, đón đầu”, tập trung xây dựng hạ tầng “mềm“, hạ tầng số từng bước đồng bộ, hiện đại phục vụ chuyển đổi số. Toàn tỉnh hiện có trên 6.100 trạm phát sóng di động. Hạ tầng Internet băng rộng đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn; 100% dân số được phủ sóng mạng thông tin di động. Tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 4G trở lên đạt 99,8%; số thuê bao điện thoại đạt tỷ lệ 1,3 thuê bao/người; Tỷ lệ dân số được phủ sóng Internet đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng thuê băng rộng cố định đạt 92,84%. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối cáp quang đạt 89,13% (cả nước 75,39%).
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các Thứ trưởng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu quốc tế
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh đã xác định phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh; từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của tỉnh và phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP của tỉnh.
*Tại sự kiện, đại diện đến từ các tổ chức quốc tế như Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Liên minh Viễn thông Châu Á-Thái Bình Dương (APT), Ngân hàng Thế giới, đại diện cơ quan quản lý các nước, các doanh nghiệp công nghệ số trong nước và quốc tế (Viettel, VNPT, Nvidia…) đã cùng chia sẻ các quan điểm, kinh nghiệm phát triển ứng dụng AI diện hẹp, các phương pháp hay nhất để triển khai AI diện hẹp cũng như những thách thức cần phải giải quyết.
Toàn cảnh sự kiện
Chiều cùng ngày, diễn ra hai Hội thảo với chủ đề: “Lộ trình 5G ASEAN” và “Những phương pháp hay nhất để phát triển và vận hành nền tảng số thiết yếu phục vụ chính phủ số trong khối ASEAN”.
*Trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ số quốc tế Việt Nam 2023, Thứ trưởng Phan Tâm đã có các buổi tiếp song phương với đại diện một số quốc gia và tổ chức quôc tế nhằm thúc đẩy hợp tác song phương, hợp tác quốc tế trong thúc đẩy phát triển viễn thông, công nghệ số, kinh tế số, công nghệ 5G…./.
Theo mic.gov.vn