Khẳng định vai trò, vị thế quan trọng của Bưu chính đối với kinh tế và an ninh quốc gia
Ngày 8/12/2023, tại Hải Phòng, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị quản lý nhà nước (QLNN) về Bưu chính. Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, một số đơn vị liên quan thuộc Bộ, các Sở TT&TT, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) và Bưu chính Viettel (Viettel Post). Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương chủ trì Hội nghị. Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Hoàng Minh Cường tham dự và phát biểu chào mừng
Toàn cảnh sự kiện
Hải Phòng định hướng bưu chính tham gia tích cực vào tiến trình chuyển đổi số, phát triển logistics, thương mại điện tử
Chia sẻ về định hướng phát triển nói chung và định hướng phát triển bưu chính nói riêng của Hải Phòng, ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, căn cứ Quyết định số 1516/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với 3 trụ cột phát triển: dịch vụ cảng biển – logistics, công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế. Hải Phòng ưu tiên phát triển các ngành chủ lực có vai trò dẫn dắ tăng trưởng kinh tế của thành phố, gồm: Sản phẩm điện tử và CNTT; Dịch vụ cảng biển logistics; Thương mại. Hải Phòng được định hướng phát triển trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực dịch vụ, trong tâm là dịch vụ cảng biển, logistics, du lịch và thương mại.
Về tình hình phát triển bưu chính tại Hải Phòng, toàn địa bàn thành phố có 44 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát với tổng số 521 điểm phục vụ bưu chính, 205 bưu cục, 143 điểm Bưu điện – Văn hoá xã, số dân phục vụ bình quân trên 01 điểm phục vụ bưu chính là 4.013 người.điểm. 100% xã đã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ (95% các điểm có kết nối Internet).
Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng
Các dịch vụ bưu chính, chuyển phát được các doanh nghiệp triển khai phục vụ người dân, doanh nghiệp được duy trì ổn định, các dịch vụ bưu chính công ích, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận thực hiện các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng và tiện lợi
Với vị trí địa lý thuận lợi của Hải Phòng, có cảng biển lâu đời, là một trong rất ít địa phương có đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia (duy nhất tại miền Bắc) hội tụ đủ 5 loại hình giao thông quan trọng bao gồm: đường bộ, đường biển, đường sắt, đường thuỷ nội địa và đường hàng không, cùng với đó là sự phát triển rộng khắp các mô hình kinh doanh nền tảng chia sẻ, các mô hình kinh doanh thương mại điện tử và bán lẻ thế hệ mới sẽ cần đến một hạ tầng chuyển phát rộng khắp để đưa hàng hoá đến tận tay người dùng.
Hoạt động bưu chính chuyển phát địa bàn thành phố có nhiều cơ hội để phát triển bứt phá, trở thành hạ tầng, mắt xích quan trọng của ngành logistics trong nền kinh tế số, đặc biệt là của thương mại điện tử và được xác định là ngành hậu cần cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Hải Phòng mong muốn lĩnh vực bưu chính tham gia tích cực vào tiến trình chuyển đổi số (cung cấp dịch vụ công), phát triển logistics và thương mại điện tử, ông Hoàng Minh Cường bày tỏ.
Một số hoạt động nổi bật của lĩnh vực bưu chính năm 2023
Báo cáo về kết quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực bưu chính năm 2023, ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính cho biết, doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 58.900 tỷ đồng, tăng 9.3% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 94% kế hoạch năm 2023; Tổng sản lượng bưu gửi ước đạt 2.465 triệu bưu gửi, tăng 32.3% so với năm 2022, tăng 0.6% so với kế hoạch năm 2023. 40 tỉnh, thành phố đang thực hiện chuyển giao một số công việc hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính cho nhân viên Bưu điện; Nền tảng Địa chỉ số quốc gia đã được triển khai tại 63 tỉnh thành; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã hỗ trợ đưa 1,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
Ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính
Về những vấn đề còn tồn tại của năm 2023 có thể kể đến: Doanh nghiệp Bưu chính không gửi báo cáo, không thông báo hoạt động với Sở TT&TT địa phương; Cạnh tranh không lành mạnh để chiếm thị phần (giảm giá, khuyến mãi, tặng quà…); Doanh nghiệp Bưu chính không cung ứng dịch vụ bưu chính hoặc sử dụng giấy phép bưu chính cho các mục đích khác (xe bưu chính đi vào đường cấm).
Ngoài ra, còn một số địa phương gặp vướng mắc trong việc chuyển giao một số công việc cho Bưu điện theo Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chủ yếu là chờ văn bản hướng dẫn nội dung, định mức chi để làm căn cứ xác định kinh phí thuê Bưu điện thực hiện.
Bưu gửi công ích không không phải là bưu gửi ghi số nên rất khó kiểm tra chất lượng dịch vụ. Công tác phối hợp giữa Bộ TT&TT (Vụ Bưu chính) với các Sở TT&TT trong công tác điều tra sản lượng, giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ bưu chính chưa hiệu quả.
Năm 2024: Tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bưu chính có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, có hiện tượng bù chéo dịch vụ
Cũng tại Hội nghị, bà Phạm Thị Xuân Thủy, Phó Trưởng Phòng Thanh tra Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin, Thanh tra Bộ TT&TT đã trình bày kết quả thực hiện công tác thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bưu chính năm 2023. Trong quý 1 và quý 2 năm 2023, Thanh tra Bộ chủ trì phối hợp với Vụ Bưu chính đã tiến hành kiểm tra giám sát 24 doanh nghiệp được cấp Giấy phép bưu chính năm 2021 có ngành nghề kinh doanh chính không thuộc lĩnh vực bưu chính.
Bà Phạm Thị Xuân Thủy, Phó Trưởng Phòng Thanh tra Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin, Thanh tra Bộ TT&TT
Kết quả kiểm tra giám sát đối với các doanh nghiệp này là: 12/24 doanh nghiệp xin nộp lại Giấy phép bưu chính, do doanh nghiệp nhận thức được việc xin giấy phép bưu chính không nhằm mục đích cung ứng dịch vụ thư và sau 1 năm không triển khai việc cung ứng dịch vụ là vi phạm điểm đ khoản 1 Điều 24 Luật Bưu chính.
Trong số 12 doanh nghiệp nộp lại Giấy phép có 2/12 doanh nghiệp tự nguyện xin nộp lại cả Văn bản xác nhận thông báo do doanh nghiệp không có nhu cầu cung ứng dịch vụ gói kiện hàng hóa.
05/24 doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính do doanh nghiệp có cung ứng dịch vụ bưu chính nhưng không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ.
4/24 doanh nghiệp đang triển khai cung ứng dịch vụ thư và gói kiện hàng hóa tuy nhiên hiện tại chỉ mới dừng lại việc thuê mặt bằng và tìm kiếm khách hàng và hẹn đến hết năm 2023 sẽ báo cáo lại tình hình hoạt động kinh doanh.
Còn 03 doanh nghiệp hiện nay chưa thực hiện theo yêu cầu của Thanh tra Bộ. Do đó, Thanh tra Bộ đã trao đổi với Cơ quan Công an để có phương án tiếp tục xử lý với 03 doanh nghiệp này.
Cũng trong năm 2023, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra theo kế hoạch đối với Công ty TNHH SPX Express, Công ty Cổ phần GoFast và Công ty Cổ phần TNHH Grab Việt Nam. Kết quả thanh tra, kiểm tra đã phát hiện các doanh nghiệp này vi phạm các quy định về giá cước, về khuyến mại.
Thanh tra Bộ đã kiến nghị Bộ TT&TT nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý phù hợp đối với các doanh nghiệp bưu chính hoạt động theo mô hình mới, mô hình liên kết với sàn thương mại điện tử.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra năm 2023, Thanh tra Bộ sẽ định hướng công tác thanh tra và kiểm tra năm 2024 tập trung vào các doanh nghiệp bưu chính có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, có hiện tượng bù chéo dịch vụ (các mô hình kinh doanh mới, cung ứng dịch vụ bưu chính có kết nối, liên kết với sàn thương mại điện tử, vi phạm về quy định giá cước, chất lượng, về đảm bảo an toàn thông tin, của người sủ dụng dich vụ); Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bưu chính đối với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, đặc biệt là các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính qua sàn thương mại điện tử.
Cần sớm sửa đổi Luật Bưu chính cho phù hợp với tình hình mới
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương khẳng định vai trò, vị thế quan trọng của bưu chính không chỉ đối với nền kinh tế mà còn đối với an ninh quốc gia. Điều đó thể hiện rất rõ ràng trong đại dịch Covid, chỉ có hai doanh nghiệp bưu chính nhà nước là VNPost và Viettel gánh vác vai trò chuyển phát đi khắp mọi miền Tổ quốc.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương
Thứ trưởng cũng chỉ đạo định hướng cũng như những việc cần làm ngay trong lĩnh vực bưu chính trong năm 2024. Trong Quý I năm 2024, Thanh tra Bộ, Vụ Bưu chính phải bằng mọi cách xử lý dứt điểm các doanh nghiệp không cung cấp dịch vụ bưu chính mà xin giấy phép bưu chính. Đề nghị Thanh tra các Sở TT&TT cùng vào cuộc.
Thứ trưởng chỉ đạo, trong năm 2024, Vụ Bưu chính tập trung đề xuất sửa Luật Bưu chính.
Tiếp theo cần phải xây dựng chính sách về giá cước bưu chính; Bộ tập trung quản lý chất lượng dịch vụ, giá dịch vụ nghiên cứu để thị trường quyết định. Thứ trưởng giao Trung tâm thông tin, Thanh tra Bộ, Vụ Bưu chính tập trung xây dựng Cổng tiếp nhận các phản ánh của người dân về lĩnh vực bưu chính.
Đối với các doanh nghiệp bưu chính, Thứ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp cần chấp nhận thay đổi, tăng cường áp dụng công nghệ để tồn tại, cạnh tranh và phát triển. Doanh nghiệp bưu chính cũng phải tư duy về chiến lược cho các hoạt động của mình, như các hệ thống, phương tiện vận chuyển vận chuyển phải được xanh hoá, bảo vệ môi trường và việc này phải được quan tâm và triển khai dần. Đồng thời, các doanh nghiệp bưu chính cũng phải tập trung nâng cao quản lý chất lượng dịch vụ và tuân thủ pháp luật. Các doanh nghiệp có sai phạm bị xử phạt sẽ được thông tin công khai vì doanh nghiệp luôn lo ngại mất uy tín và thương hiệu.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương khẳng định vị trí, vai trò, vị thế quan trọng của lĩnh vực Bưu chính là hạ tầng thiết yếu của quốc gia, của nền kinh tế số, đặc biệt của thương mại điện tử.
Theo mic.gov.vn