Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 1

    Hôm nay: 4626

    Đã truy cập: 8772610

Vị thế ngành TT&TT khi nhận sự mệnh dẫn dắt Chuyển đổi số quốc gia

Dưới sự dẫn dắt của Bộ TT&TT những năm gần đây, Chuyển đổi số đã và đang đi vào từng ngóc ngách của đời sống xã hội. Vị thế, vai trò của ngành TT&TT với đất nước nhờ vậy cũng đã từng bước được nâng cao

Lời tòa soạn: Trong 78 năm, ngành Thông tin và truyền thông đã có những thành tựu to lớn, đóng góp xứng đáng vào lịch sử phát triển của đất nước. Bước vào giai đoạn đưa các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân, của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lên môi trường số, ngành thông tin và truyền thông đã ghi dấu ấn với sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng vì Việt Nam hùng cường.

Năm 2018, trước khi Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trực thuộc trung ương tạm dừng việc sáp nhập các sở ngành, phòng ban, Sở TT&TT Bạc Liêu đã được hợp nhất với Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch.

Tháng 3 năm 2023, sau hơn 4 năm sáp nhập, Sở TT&TT Bạc Liêu đã chính thức được tái lập. Một trong những lý do được đưa ra là mô hình Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch làm cho việc tổ chức triển khai chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước lĩnh vực TT&TT không phát huy hiệu quả theo yêu cầu của Chính phủ. Khi sáp nhập, việc triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, số hóa tại Bạc Liêu bị chậm trễ, lúng túng.

Bốn năm “nhập – tách” là quãng thời gian không dài, nhưng để tách được mảng thông tin và truyền thông, tạo lập vị thế riêng của ngành ở địa phương lại là những nỗ lực không ngừng, cho thấy những bước chuyển mình của ngành TT&TT là không thể phủ nhận. Chia sẻ với phóng viên VietNamNet, nhiều lãnh đạo UBND, Sở TT&TT địa phương đã khẳng định vai trò của Sở hiện nay đã được nâng cao hơn nhiều so với trước, nhất là từ khi Bộ TT&TT được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trọng trách là cơ quan điều phối, dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, trước đây vai trò của Sở TT&TT khá mờ nhạt trong tỉnh. Mấy năm gần đây, Sở TT&TT đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí và vị thế trong thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương.  

“Sở TT&TT đã đóng góp, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh thành lập các ban chỉ đạo về chuyển đổi số, trong đó nòng cốt là Sở TT&TT. Sở TT&TT cũng thúc đẩy chuyển đổi số cho cả hệ thống chính trị, các ngành và toàn xã hội. Tây Ninh đã đưa ra chiến lược chuyển đổi số và xem đây là động lực kích thích cho sự tăng trưởng kinh tế xã hội của địa phương”, ông Võ Đức Trong phân tích.

Đồng quan điểm, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng nhấn mạnh, giai đoạn từ khi Bộ TT&TT được giao trọng trách điều phối, dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số của đất nước,  vai trò, vị trí và trách nhiệm của Sở TT&TT thành phố đã tiếp tục phát huy. Sở TT&TT được lãnh đạo Thành phố tin tưởng giao nhiều trọng trách.

Cụ thể, nhiều nhiệm vụ phát triển TP.HCM thuộc lĩnh vực Sở TT&TT phụ trách được định hướng trong các quyết sách lớn của Trung ương và thành phố. Sở TT&TT cũng đã được lãnh đạo TP.HCM tin tưởng giao là cơ quan chủ trì tham mưu ban hành, tổ chức thực hiện nhiều chương trình, đề án, chính sách lớn, quan trọng cho sự phát triển của thành phố.

Đồng thời, Sở TT&TT còn được giao đảm trách việc tổ chức triển khai nhiều nền tảng, dịch vụ dùng chung phục vụ xây dựng chính quyền số của TP.HCM; là cơ quan hướng dẫn, hỗ trợ các sở, ban, ngành, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chuyển đổi số.

Giám đốc Sở TT&TT Nam Định Vũ Trọng Quế cũng cho rằng, từ khi thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, vai trò của Sở TT&TT đã từng bước được thể hiện một cách bao quát, tổng thể trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội và ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, các đơn vị, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh.

“Vai trò của Sở TT&TT đã và đang dịch chuyển từ tổ chức triển khai khi xây dựng chính quyền điện tử sang định hướng, dẫn dắt, thúc đẩy khi thực hiện chuyển đổi số. Sở TT&TT cũng từng bước trở thành đơn vị có tiếng nói quan trọng, không thể thiếu đối với các hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh”, đại diện Sở TT&TT Nam Định chia sẻ.

Ở quy mô quốc gia, những nỗ lực của Bộ TT&TT thời gian qua đã được lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội cũng như các cán bộ lão thành của ngành ghi nhận, đánh giá cao.

Kết luận phiên họp ngày 12/7 sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số nhận xét: Nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số quốc gia cũng đã được triển khai tích cực.

Tại cuộc làm việc với Bộ TT&TT ngày 14/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đánh giá, Bộ TT&TT đã làm được rất nhiều việc, phần nào được thể hiện qua các chỉ số phát triển các lĩnh vực của ngành vượt trên mức trung bình thế giới. Đặc biệt, hơn lúc nào hết, xã hội và người dân đang rất hào hứng với công nghệ số, mọi ngõ ngách cuộc sống đều ứng dụng công nghệ, mọi người đang chờ đợi và chào đón những thay đổi trong lĩnh vực này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong cuộc làm việc với Bộ TT&TT hồi cuối tháng 3, cũng đã chỉ rõ: Trước những nhiệm vụ, trọng trách lớn được giao, Bộ TT&TT đã có bước chuyển mình quan trọng, là một trong những bộ năng động, cả trong bình diện xây dựng thể chế chính sách, phát huy vai trò quản lý nhà nước, cũng như trong thúc đẩy phát triển 3 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia.

Trên thực tế, thời gian qua, Bộ TT&TT đã tập trung tham mưu để có những chương trình, chiến lược định hướng cho sự phát triển của ngành 10 năm tới và xa hơn. Trong đó, phải kể đến Chương trình Chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 6/2020 cùng các chiến lược quốc gia về phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số, an toàn an ninh mạng…

Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế phục vụ chuyển đổi số quốc gia cũng được Bộ TT&TT đặc biệt chú trọng. Trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, bên cạnh 2 Luật đã được Quốc hội thông qua là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Tần số vô tuyến điện và Luật Giao dịch điện tử, dự kiến Luật Viễn thông sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua trong tháng 10. Bộ TT&TT cũng dự kiến sẽ sửa đổi các Luật: Báo chí, Xuất bản, Bưu chính; tiếp tục nghiên cứu đề xuất Luật Chính phủ số/Chuyển đổi số.

Trong công tác thực thi các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, đặc biệt là thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, ghi nhận từ các bộ, ngành, địa phương cho thấy, Bộ TT&TT đã luôn tích cực hỗ trợ các bộ, tỉnh cùng doanh nghiệp trong quá trình triển khai, giúp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc.

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ Vũ Trọng Quế khẳng định, vai trò của Bộ, các lãnh đạo Bộ TT&TT ngày càng quan trọng, không thể thiếu đối với các Sở TT&TT. Bộ TT&TT giờ đây thực sự là “ngôi nhà” để các Sở dựa vào. Các khó khăn vướng mắc của các Sở TT&TT đều được Bộ kịp thời hỗ trợ giải quyết.

“Các cơ quan thuộc Bộ, đặc biệt là Cục Chuyển đổi số quốc gia đã luôn đồng hành, tư vấn, hỗ trợ thường xuyên cho Sở TT&TT về chuyển đổi số, thậm chí đã tham gia trực tiếp cùng Sở trong nhiều công việc cụ thể”, đại diện Sở TT&TT Nam Định nhận xét.

Không những thế, trong 3 năm qua, với vai trò cơ quan dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT đã biệt phái nhiều cán bộ về các bộ, tỉnh làm hạt nhân thực hiện chuyển đổi số cho các cơ quan, địa phương. Các cán bộ của ngành TT&TT đã có những đóng góp tích cực vào việc giúp các địa phương có những đổi mới, bứt phá về chuyển đổi số.

Nhấn mạnh chặng đường sắp tới là quãng thời gian Bộ TT&TT tập trung tạo ra những kết quả thiết thực, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu mỗi cơ quan, đơn vị trong Bộ nhận lấy một nhiệm vụ lớn, một việc cụ thể tạo ra giá trị để đóng góp vào sự phát triển của ngành và đất nước.

Trong phát biểu tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vào giữa tháng 7, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã khẳng định toàn ngành TT&TT luôn coi thách thức mới là động lực mới để tiếp tục phát triển. Vì thế, ngành TT&TT mong lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ giao nhiều việc lớn, việc khó cho ngành, cho Bộ.

Theo vietnamnet.vn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THANH HÓA

Giấy phép số 12/GP-TTĐT do Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 11/4/2014

Chịu trách nhiệm: Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc

Địa chỉ: Tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa, Đại lộ Nam Sông Mã - Phố Ái Sơn 2 - Phường Đông Hải - Thành phố Thanh Hóa

Số ĐT: (02373) 713.985 - Fax: (02373) 713.985

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa