Chuyển đổi số trong hoạt động báo chí: Sự tổng hòa của các yếu tố
Trong công cuộc chuyển đổi số (CĐS), báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công CĐS quốc gia. Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội, sẽ phải tiến hành CĐS theo xu thế phát triển chung, thậm chí sẽ phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số
Cán bộ, phóng viên Phòng Biên tập thông tin điện tử Đài PT&TH tỉnh kiểm tra phim, tư liệu phục vụ phát sóng
Theo một nghiên cứu, khảo sát sơ bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí đều nhận thấy xu thế và nhu cầu của việc CĐS hoạt động báo chí nói chung và việc phải thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong hoạt động báo chí nói riêng. Theo đó, một số cơ quan báo chí Việt Nam đã tiên phong trong công cuộc ứng dụng các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata và khá thành công như: Thông tấn xã Việt Nam, VOV, VTV hay Vietnamplus, VnExpress, Zing... Một số cơ quan báo chí địa phương cũng đã thành công nhất định trong công cuộc CĐS, như: Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Thanh Hóa...
Xác định CĐS là yếu tố quan trọng để thực hiện tốt vai trò của báo chí cách mạng trong kỷ nguyên số, thời gian qua, Báo Thanh Hóa đã từng bước tiếp cận, thực hiện CĐS để nâng cao chất lượng tuyên truyền, đưa thông tin đến độc giả một cách nhanh nhạy, chính xác, đa dạng.
Báo Thanh Hóa đã đưa vào vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, xây dựng hệ thống quản trị nội dung (CMS) khoa học, xây dựng giao diện Báo Thanh Hóa điện tử và Chuyên trang Văn hóa & Đời sống tương thích với tất cả các thiết bị di động thông minh, thân thiện với người dùng; xây dựng, vận hành 2 fanpage của Báo Thanh Hóa điện tử và chuyên trang điện tử Văn hóa và Đời sống, 2 tài khoản Zalo official; phân phối video trên kênh Youtube Báo Thanh Hóa, Tiktok... Tất cả các nội dung quan trọng trên các ấn phẩm của Báo Thanh Hóa đều được lan tỏa rộng rãi trên các hạ tầng mạng xã hội. Bên cạnh đó, Báo Thanh Hóa cũng đã và đang xây dựng ứng dụng đọc Báo Thanh Hóa trên App Store và Google Play, giúp bạn đọc tiếp cận nội dung của Báo Thanh Hóa một cách nhanh nhất. Báo Thanh Hóa đầu tư xây dựng hệ thống studio và thiết bị chuyên dụng để sản xuất bản tin video hằng ngày, tổ chức các chương trình đối thoại trực tuyến định kỳ hằng tháng; xây dựng phần mềm lọc tin và ứng dụng các mạng xã hội trong công tác xuất bản. Đồng thời, Báo Thanh Hóa cũng đã xây dựng kho dữ liệu nội dung, đặc biệt là ảnh, video clip, từng bước thực hiện báo chí dữ liệu.
Theo số liệu công khai trên SimilarWeb được ONECMS Blog tổng hợp, Báo Thanh Hóa điện tử (baothanhhoa.vn) luôn đứng trong top 6 báo Đảng địa phương có lượng truy cập cao nhất cả nước. Thành công này là nhờ Báo Thanh Hóa đã có những bước đi thực hiện CĐS đúng đắn và kịp thời.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Tổng biên tập Báo Thanh Hóa: CĐS trong báo chí không phải một cuộc cách mạng về công nghệ và thiết bị, mà trước tiên phải là sự thay đổi trong suy nghĩ và cách làm của người làm báo. Nhận thức rõ vấn đề này, cùng với việc đổi mới mô hình tòa soạn, Báo Thanh Hóa đã tích cực triển khai chủ trương CĐS đến tất cả cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng làm báo hiện đại, đa phương tiện, đa nền tảng; xây dựng đội ngũ những người làm báo am hiểu và sử dụng thành thạo công nghệ trong sáng tạo các thể loại báo chí khác nhau.
Việc chuyển đổi từ mô hình tòa soạn truyền thống sang tòa soạn điện tử, mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện, thay đổi phương thức tác nghiệp của phóng viên đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong đổi mới quy trình xuất bản các ấn phẩm và phân phối nội dung đến độc giả, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Báo Thanh Hóa trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực của tỉnh.
Sử dụng thiết bị công nghệ trong tác nghiệp
Cũng như Báo Thanh Hóa, trong những năm qua, Đài Phát thanh và Truyền hình (PT&TH) Thanh Hóa đã được quan tâm, đầu tư các hệ thống công nghệ mới cho sản xuất chương trình, truyền dẫn và phát sóng đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh 2 kênh truyền hình và phát thanh, đài đã phân phối nội dung số bao gồm phân phối trên nền tảng mạng xã hội và phân phối trên nền tảng internet. Trong đó, ưu tiên sử dụng hệ thống quản lý phân phối nội dung số trên các nền tảng mạng xã hội có sẵn Facebook (207.000 lượt), Youtube (348.000 lượt), Zalo (3.000 lượt), Tiktok (300.000 lượt)... Các nền tảng truyền thông không những mang lại cho Đài PT&TH lượng công chúng đông đảo mà còn đa dạng “tệp” khách hàng với đầy đủ lứa tuổi, từ đó gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu. Đồng thời, đài chú trọng hệ thống phân phối trên nền tảng internet, đưa các chương trình của Đài PT&TH Thanh Hóa góp mặt ứng dụng OTT lớn như: VietOn, FPT, VTC cap, VTC...
Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, Trưởng Phòng Biên tập thông tin điện tử thì: Công cuộc CĐS tại Đài PT&TH diễn ra song hành giữa các yếu tố quản trị số, con người số, thiết bị số, nền tảng số... Trong đó, lãnh đạo thể hiện rõ quyết tâm với những định hướng, bước đi cụ thể, rõ ràng. Đồng thời, phát huy thế mạnh nguồn nhân lực trẻ, thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn, mời các chuyên gia về “cầm tay chỉ việc”, qua đó chỉ trong thời gian ngắn các sản phẩm báo chí của đài đã có sự chuyển biến rõ nét. Thiết bị số là yếu tố quan trọng nhằm tạo sự đột phá trong CĐS được đài quan tâm bằng việc đầu tư mạnh mẽ trang thiết bị hiện đại...”.
Hỗ trợ các cơ quan báo chí CĐS, ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), cho biết: “Thực hiện Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa sẽ triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, theo hướng phấn đấu đến năm 2025, Báo Thanh Hóa, Đài PT&TH tỉnh đưa nội dung lên các nền tảng số, sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hệ thống các cơ chế, quy định liên quan đến hoạt động báo chí trong môi trường số; tham mưu đầu tư nguồn lực hiện đại hóa cơ sở hạ tầng tác nghiệp trên môi trường số, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng dữ liệu, tạo nền tảng cho CĐS; tập trung phát triển nền tảng để kết nối, chia sẻ, giám sát, phân tích và tổng hợp dữ liệu...”.
Hỗ trợ các cơ quan báo chí CĐS, vừa qua Bộ TT&TT đã ra mắt Trung tâm Hỗ trợ CĐS báo chí, là đầu mối hỗ trợ cung cấp thông tin, tài liệu, hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành CĐS báo chí. Kết nối, tập hợp các chuyên gia, các nhà nghiên cứu uy tín, lãnh đạo của các cơ quan báo chí có vai trò dẫn dắt để cùng giải quyết những vấn đề mà công cuộc CĐS báo chí đặt ra. Đồng thời, hỗ trợ thiết thực với các hoạt động như đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để đồng hành với mục tiêu của chương trình hỗ trợ CĐS.
Bên cạnh đó, ngày 2-6-2023 Bộ TT&TT đã ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành CĐS báo chí (theo Quyết định số 951/QĐ-BTTTT) nhằm giúp các cơ quan báo chí xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình CĐS từ đó có lộ trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp, giúp cơ quan báo chí phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Việc công bố xếp hạng được Bộ TT&TT thực hiện và công bố hàng năm. Kết quả đánh giá, xếp hạng sẽ được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT và Cổng thông tin Trung tâm Hỗ trợ CĐS báo chí.ư
Theo baothanhhoa.vn