Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 4

    Hôm nay: 307

    Đã truy cập: 9247012

Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0

Sáng 6-12, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với một số ban, bộ, ngành liên quan đã tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương đồng chủ trì Diễn đàn


Đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy dự và chủ trì diễn đàn tại điểm cầu tỉnh Thanh Hoá.

Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế và hơn 2.000 đại biểu dự trực tuyến ở 100 điểm cầu trong nước và quốc tế. Tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì diễn đàn. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh.

Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 là sự kiện thường niên, với mục tiêu tập hợp ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế phục vụ xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045″ trình hội nghị Trung ương lần thứ 6 vào tháng 10-2022 theo phân công tại Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (Chương trình số 04-CTr/TW, ngày 15-3-2021). Đồng thời, tham gia đề xuất, góp ý đối với định hướng khung chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ hậu dịch bệnh COVID-19; Thúc đẩy và nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Quy mô của Diễn đàn bao gồm 1 phiên diễn đàn cấp cao được chủ trì bởi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chuỗi 10 phiên hội thảo chuyên đề được tổ chức xuyên suốt trong tháng 11-2021 tại Trung tâm hội nghị quốc tế.

Tại Diễn đàn cấp cao, các đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, doanh nghiệp cùng các chuyên gia trong nước, quốc tế tập trung thảo luận, phân tích 2 nhóm nội dung lớn, đó là: Thảo luận, đề xuất, góp ý hoàn thiện khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và đề xuất, kiến nghị xây dựng các mô hình, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập bình quân đầu người cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh của khu vực châu Á.


Đại diện Ngân hàng Thế giới trình bày tham luận tại diễn đàn. (Ảnh chụp màn hình)

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao công tác chuẩn bị công phu, hiệu quả của Ban Kinh tế Trung ương, các bộ, ngành, đơn vị liên quan. Đồng thời, nhấn mạnh, việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch COVID-19 trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Trong bối cảnh đặc biệt, cần có tầm nhìn, giải pháp, hành động đặc biệt, nhất là trong xu hướng phát triển kinh tế số, kết nối toàn cầu, trong khi đại dịch COVID-19 chưa có điểm kết thúc và cần chủ động, linh hoạt ứng phó.

Đánh giá cao những ý kiến tham luận, bài phát biểu tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cho biết: Chính phủ Việt Nam đang tập trung hoàn thiện Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chống dịch thành công mới phát triển kinh tế được và phát triển kinh tế để có nguồn lực chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội cho Nhân dân.

Trước những ảnh hưởng, tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đã chọn cách tiếp cận toàn dân trong phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục triển khai phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, tăng cường hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm đủ vắc xin, thuốc điều trị, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục vụ tốt doanh nghiệp và tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược trong đó có hạ tầng chuyển đổi số.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0. (Ảnh TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, một trong những trọng tâm của quá trình phục hồi kinh tế - xã hội hậu COVID-19, chính là phát huy tối đa nguồn lực con người, người dân vừa là trung tâm, chủ thể, vừa là động lực và là mục tiêu của sự phát triển; tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia.

Đồng thời, vận dụng linh hoạt, cơ bản giữa các nguồn nội lực và ngoại lực để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước và cuộc sống của Nhân dân.

Theo baothanhhoa.vn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THANH HÓA

Giấy phép số 12/GP-TTĐT do Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 11/4/2014

Chịu trách nhiệm: Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc

Địa chỉ: Tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa, Đại lộ Nam Sông Mã - Phố Ái Sơn 2 - Phường Đông Hải - Thành phố Thanh Hóa

Số ĐT: (02373) 713.985 - Fax: (02373) 713.985

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa