Ngành thông tin và truyền thông Thanh Hóa tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX
Năm 2020, mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, thiên tai, song với sự chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành quyết liệt, khoa học của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân và doanh nghiệp, đã tổ chức thành công đại hội đảng các cấp và những sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh; tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và thu hút vốn đầu tư FDI của Thanh Hóa cao nhất khu vực Bắc Trung bộ và trong nhóm dẫn đầu cả nước; thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế. Góp phần vào kết quả đó có sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành TT&TT với nhiều việc làm mang tính đột phá, chỉ số tăng trưởng cao hơn so với năm 2019.
Đồng chí Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tặng Giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ ngành thông tin và truyền thông năm 2020. Ảnh: Lan Phương
Đây là điều hết sức vui mừng, phấn khởi, trong khi nhiều ngành không đạt được chỉ tiêu đề ra, thì ngành TT&TT lại có nhiều chỉ tiêu vượt mức kế hoạch. Theo đó, hạ tầng TT&TT ngày càng hiện đại, đồng bộ, mở rộng về khu vực vùng sâu, vùng xa; lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) tạo bước đột phá, ứng dụng hiệu quả, thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Hoạt động báo chí - xuất bản thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, tuân thủ các quy định của pháp luật; công tác thông tin và truyên truyền được đẩy mạnh. Hoạt động thông tin đối ngoại đã chuyển tải thông tin sinh động, đa chiều về một Thanh Hóa ổn định, thân thiện, năng động và giàu tiềm năng phát triển, điểm đến đầu tư an toàn, tạo niềm tin trong các tầng lớp Nhân dân và nhà đầu tư. Theo thống kê cho thấy, tổng doanh thu toàn ngành đạt 3.630 tỷ đồng, đạt 100,6% kế hoạch được giao, nộp ngân sách Nhà nước hơn 200 tỷ đồng.
Nhìn lại năm 2020 nhận thấy điểm nổi bật đó là công tác quản lý Nhà nước ngành TT&TT đã được tăng cường và triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể là: lĩnh vực báo chí - xuất bản, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở có nhiều đổi mới và thu được những kết quả nổi bật. Các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh bám sát định hướng, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo và quản lý của Nhà nước về báo chí; kịp thời đưa tin đầy đủ và toàn diện những sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn; biểu dương, cổ vũ những điển hình tiêu biểu, giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người Thanh Hóa; đấu tranh phản bác, ngăn chặn hiệu quả những thông tin xấu độc, thù địch, thể hiện là dòng chảy chính, tạo sự lan tỏa sâu rộng và sự đồng thuận cao trong xã hội, tạo khí thế thi đua sôi nổi và củng cố niềm tin của quần chúng Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Hạ tầng bưu chính - viễn thông được đầu tư nâng cấp với công nghệ hiện đại có độ bao phủ rộng, đồng bộ với cơ sở hạ tầng, kỹ thuật của tỉnh; chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn; dịch vụ bưu chính, chuyển phát được cung cấp đa dạng, đảm bảo ổn định quy mô hoạt động và cung cấp các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của tổ chức, công dân, phục vụ kịp thời, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sự hưởng thụ của người dân, nhất là trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn.
Ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước được tăng cường, tạo bước đột phá, phát triển toàn diện cả bề rộng và chiều sâu, làm thay đổi phương thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến, từ hình thức hành chính, giấy tờ sang chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt 56,35%, mức độ 4 đạt 57,53%, góp phần cải cách hành chính, tăng tính tiện ích, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; trục liên thông văn bản (LGSP) được kết nối gửi, nhận văn bản 4 cấp, việc gửi nhận văn bản chỉ tính bằng giây, hàng năm tiết kiệm hơn 30 tỷ chi phí cho việc gửi, nhận văn bản. Theo đó, trong năm tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt 98,3% (trừ các văn bản mật theo quy định) tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện; 96,69% UBND cấp xã được trao đổi trên môi trường điện tử.
Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cung cấp 174 dịch vụ công mức độ 3; 628 dịch vụ công mức độ 4; Cổng dịch vụ công tỉnh và hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã phát huy hiệu quả. Cổng dịch vụ công của tỉnh đã tích hợp 615 dịch vụ công trực tuyến và thanh toán điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đứng thứ 3 toàn quốc.
Chỉ số xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT của tỉnh năm 2019 xếp thứ 8 toàn quốc, tăng 1 bậc so với năm 2018; Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 43, tăng 14 bậc so với năm 2018. Những sự thay đổi này đã góp phần nâng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019 của tỉnh tăng 1 bậc, xếp thứ 24 cả nước.
Những kết quả này khẳng định bước đi, cách làm của ngành TT&TT Thanh Hóa là hết sức đúng đắn, thể hiện sự linh hoạt, vừa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ TT&TT, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, vừa có những việc làm mới, ứng phó linh hoạt trong những hoàn cảnh nhất định để thực hiện thắng lợi và toàn diện nhiệm vụ được giao.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng có tính nền tảng của Thanh Hóa đó là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ trong tất cả các lĩnh vực; khuyến khích ứng dụng các thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đầu tư khu phần mềm tập trung, hạ tầng thiết yếu và phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tập trung vào phát triển TT&TT với công nghệ hiện đại, độ phủ rộng, tốc độ và chất lượng cao. Phát triển hạ tầng số, trạm viễn thông thân thiện, triển khai hạ tầng mạng băng thông rộng thế hệ mới 5G. Nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, báo chí, bảo đảm thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, góp phần định hướng dư luận xã hội và đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân.
Chính vì thế, ngành TT&TT Thanh Hóa xác định năm 2021 là năm có vai trò đặc biệt quan trọng, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, tạo tiền đề và nền tảng cho thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ những năm tiếp theo.
Để góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng và Đảng bộ tỉnh, ngành TT&TT Thanh Hóa sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng hoạt động, tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, xây dựng thành công chính quyền điện tử, phát triển các dịch vụ thành phố thông minh, hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số.
Để đạt được các mục tiêu trên, ngành TT&TT Thanh Hóa sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đó là:
Thứ nhất, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền hiệu quả về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tuyên truyền việc triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị; các nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Thứ hai, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ TT&TT để phát triển các lĩnh vực TT&TT trên địa bàn tỉnh, tập trung công tác chỉ đạo, điều hành nâng cao hiệu lực, hiệu quả về công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực ngành quản lý; hoàn thành các đề án, kế hoạch, chương trình được Bộ TT&TT, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao.
Thứ ba, tập trung chỉ đạo, quản lý tốt công tác quản lý Nhà nước về báo chí - xuất bản, thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại theo đúng tôn chỉ, mục đích và quy định của pháp luật. Theo dõi chặt chẽ thông tin trên báo chí và mạng xã hội viết về Thanh Hóa để chủ động phòng ngừa, đấu tranh và có các giải pháp hữu hiệu, xử lý nghiêm đối với các thông tin sai sự thật, thông tin giả, thông tin xấu độc làm ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, điều hành và hình ảnh của tỉnh.
Thứ tư, thúc đẩy ứng dụng CNTT, tập trung vào các vấn đề cốt lõi, nền tảng cho xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh của tỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, tham mưu đẩy mạnh chuyển đổi số trong y tế, giáo dục, nông nghiệp, môi trường, an ninh - trật tự; tham mưu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất chuyển sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số, sản xuất thông minh. Từng bước đưa CNTT trở thành một trong các ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm của tỉnh. Tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính - viễn thông, CNTT đẩy mạnh phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2021 đảm bảo chất lượng và là hạ tầng thiết yếu cho phát triển chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, phục vụ cho chuyển đổi số toàn diện và phát triển dịch vụ thương mại điện tử.
Thứ năm, tham mưu chỉ đạo hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao về cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo quy định; 100% cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã hoàn toàn điều hành, xử lý, tạo lập hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định) được thực hiện trên môi trường mạng. Các cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin theo quy định. Cùng với đó, phối hợp với các ngành triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông, CNTT, nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ bưu chính - viễn thông, CNTT phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhu cầu sử dụng dịch vụ của Nhân dân và doanh nghiệp.
Thanh Hóa đang bước vào một giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn với những mục tiêu hướng tới cao hơn. Xác định rõ nhiệm vụ vinh quang và trách nhiệm được giao phó trong giai đoạn phát triển mới của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xây dựng nền kinh tế số, ngành TT&TT Thanh Hóa sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có lòng nhiệt tình, say mê và tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng tham mưu tốt, đề xuất những nhiệm vụ mới, việc làm khó, góp phần cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, sớm đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới.
Đỗ Hữu Quyết |
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa
|