Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 4

    Hôm nay: 365

    Đã truy cập: 9179731

Trao đổi của Ban giám khảo về chủ đề Cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50 (năm 2021)

Chủ đề: “Em hãy viết thư gửi một thành viên trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch COVID-19” (Tiếng Anh: Write a letter to a family member about your experience of the COVID-19 pandemic).

Là một hoạt động được tổ chức thường niên, Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một cuộc thi và trở thành một hoạt động thu hút sự tham gia đông đảo của các em học sinh cả nước.

Nhằm giúp các em có thêm hiểu biết để viết bài dự thi đúng và hay, Ban Giám khảo cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50 (năm 2021) mong muốn trao đổi cùng các em về kỹ thuật thể hiện một bức thư và về chủ đề của cuộc thi năm nay.

I. Những điều cần lưu ý trong Thể lệ Cuộc thi năm nay

Các em lưu ý, độc lập và sáng tạo là những yếu tố quan trọng khi các em tham gia cuộc thi này. Điều đó có nghĩa là, bức thư phải là sản phẩm sáng tạo của cá nhân người viết. Những bức thư chép lại từ bài mẫu hoặc chép giống nhau sẽ bị loại ngay từ vòng chấm đầu tiên.

Để có một bài dự thi đúng thể thức, đúng yêu cầu, các em cần tuân thủ cách trình bày một lá thư. Phần kỹ thuật viết thư đã được ghi rất rõ trong Thể lệ của cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50 (năm 2021) và đăng trên Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng.

Để bức thư đến đúng địa chỉ, các em cần luôn lưu ý cách viết đúng và đủ thông tin trên phong bì; cách thức gửi một bức thư dự thi như thế nào để thư đến đúng địa chỉ.

Các em cần xác định được các “từ khóa” – đây là các yếu tố quan trọng trong chủ đề của cuộc thi năm nay để viết đúng trọng tâm. Đối tượng nhận thư là một người thân trong gia đình mình và viết những trải nghiệm của các em về một đại dịch đang làm thay đổi toàn bộ thế giới của chúng ta: Đại dịch COVID-19.

II. Kỹ thuật viết thư

- Bức thư viết dưới dạng văn xuôi và theo đúng thể thức của một bức thư: Phần đầu thư luôn có thời gian, địa điểm viết thư, đối tượng gửi thư, lý do viết thư; Phần nội dung thư chuyển tải toàn bộ chủ đề bức thư; Phần cuối thư là những thông điệp được người viết gửi gắm, có lời chào tạm biệt và ký tên người viết.

- Viết bức thư của mình bằng những câu văn rõ ràng, mạch lạc và có cảm xúc. Nên tránh cách viết thư theo kiểu trình bày tư liệu khô khan, liệt kê hay kể lể chung chung. Nếu trong bức thư có nhiều hình ảnh sinh động, hoặc cách so sánh hợp lý thì càng lôi cuốn, hấp dẫn và thuyết phục người đọc. Những bức thư đoạt giải cao thường là những bức thư làm lay động trái tim người đọc không chỉ bởi ý tưởng, kết cấu bức thư mà còn bởi những cảm xúc chân thành mà người viết thể hiện.

- Các em chú ý không viết bức thư dài quá 800 từ và lưu ý một nguyên tắc quan trọng là không viết tên hay địa chỉ của mình (tức là không viết thông tin cá nhân) trong nội dung bức thư.

Một bức thư tham gia cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU không phải là bức thư thông thường, mà là một bức thư văn học, một bức thư có sự sáng tạo và cảm xúc để tạo nên sự khác biệt. Các em là tác giả của bức thư, nên phải chủ động trong cách trình bày suy nghĩ, cảm xúc của mình và cố gắng diễn đạt vấn đề một cách thuyết phục nhất.

III. Trao đổi về chủ đề của Cuộc thi năm nay

Trong lịch sử 50 năm của cuộc thi, không nhiều lần Liên minh Bưu chính Thế giới UPU chọn chủ đề viết về một loại dịch bệnh và mong muốn giới trẻ thế giới quan tâm đến vấn đề này. Gần đây nhất, năm 2010, chủ đề Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU đề nghị các bạn trẻ: “Hãy viết thư cho một người nào đó để nói vì sao sự hiểu biết về HIV/AIDS và tự bảo vệ mình trước căn bệnh này là rất quan trọng.” Đại dịch HIV/AIDS được phát hiện vào năm 1981 và trong suốt thập niên 90 của thế kỷ trước trở thành đại dịch toàn cầu, gây ra nhiều hậu quả nặng nề về kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới.

Mỗi năm, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) chọn một vấn đề hết sức nổi bật, những vấn đề mang tính toàn cầu và đầy tính nhân văn để đưa ra chủ đề của cuộc thi. Vì thế, khi tham gia cuộc thi, chúng ta không chỉ rèn kỹ năng viết văn mà còn được thể hiện những hiểu biết và tình cảm của mình về những vấn đề mang tầm vóc thời đại.

Tại thời điểm này cũng là vừa tròn một năm thế giới phát hiện ra dấu vết ca nhiễm COVID-19 đầu tiên và không lâu sau đó, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo “tình trạng khẩn cấp quốc tế” và công bố dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do nhiễm virus SARS-CoV- 2 là “đại dịch toàn cầu”. Tại thời điểm này, thế giới đã có tới hơn 55 triệu ca nhiễm và hơn 1,25 triệu ca tử vong, tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19 vẫn rất nghiêm trọng và mọi quốc gia trên thế giới đều đang phải gồng mình chống dịch. Nói một cách khác, tại thời điểm này, các quốc gia nói chung và mỗi cá nhân chúng ta nói riêng đều đang có những “trải nghiệm” khác nhau về đại dịch COVID-19.

Một cách chung nhất, trải nghiệm là sự cảm nhận, trải qua và đọng lại trong ý thức, suy nghĩ và cảm nhận của mỗi cá nhân khi tham gia vào một hoạt động nào đó. Chúng ta đã và đang sống những ngày tháng đầy biến động và nhiều lo âu của “năm COVID-19”. Nói một cách cụ thể hơn, đại dịch COVID-19 đã vĩnh viễn làm thay đổi thế giới rộng lớn, làm thay đổi cuộc sống của mỗi chúng ta. Các em hãy gọi tên chính xác những “trải nghiệm” của mình về đại dịch này để viết trong bức thư của mình nhé. Đó có thể là:

- Em đã hiểu về dịch bệnh này như thế nào; em đã trang bị những kiến thức cần thiết để biết cách tự bảo vệ bản thân mình và sống chung với nó hay chưa?

- Dịch bệnh COVID-19 đã có những ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của em, từ thói quen sinh hoạt hàng ngày, việc học tập, việc gặp gỡ, tiếp xúc với những người xung quanh mình, việc đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng, tham quan, du lịch…

- Em đã từng sống ở một khu vực nào phải cách ly khi khu phố hay ngôi làng của em có người nhiễm COVID-19?

- Trong gia đình em có những người tham gia trực tiếp vào công tác phòng chống dịch bệnh, thầm lặng đóng góp vào thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19?

- Em có giấc mơ nào về việc tìm ra vắc xin phòng chống COVID-19 và thế giới sẽ được bảo vệ trong “trạng thái bình thường mới”?

- Đặc biệt, là một công dân Việt Nam, em có những trải nghiệm đặc biệt như thế nào về đất nước mình, quốc gia có những thành tựu đáng tự hào trên mặt trận phòng chống dịch COVID-19?

Trên đây là một số trao đổi của Ban Giám khảo Cuộc thi lần thứ 50 về “trải nghiệm về đại dịch” để các em có thể hình dung các nội dung xoay quanh chủ đề Cuộc thi của chúng ta.

Chúc các em có những bức thư sáng tạo, giàu cảm xúc và đoạt giải cao trong mùa thi Viết thư Quốc tế UPU năm 2021.

BAN GIÁM KHẢO CUỘC THI VIẾT THƯ QUỐC TẾ UPU 50

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THANH HÓA

Giấy phép số 12/GP-TTĐT do Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 11/4/2014

Chịu trách nhiệm: Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc

Địa chỉ: Tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa, Đại lộ Nam Sông Mã - Phố Ái Sơn 2 - Phường Đông Hải - Thành phố Thanh Hóa

Số ĐT: (02373) 713.985 - Fax: (02373) 713.985

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa