Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm kiểm tra công tác vận hành, quản trị phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc
Sáng ngày 11/8/2020, đồng chí Mai Xuân Liêm – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng Đoàn công tác kiểm tra công tác vận hành, quản trị phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc tại Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông.
Đồng chí Mai Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnhkiểm tra vận hành hệ thống các phần mềm tại Văn phòng UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 01/4/2020 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh và Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 28/5/2020 về việc tập trung chỉ đạo đổi mới quy trình xử lý làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử trong các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, đây được xem như một đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới tác phong, lề lối làm việc của lãnh đạo, cán bộ công chức trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ văn bản gửi qua mạng của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện trong tháng 7/2020 đạt 94,77%. Toàn tỉnh đã cấp được trên 3.000 chứng thư số cho tổ chức và cá nhân phục vụ các giao dịch điện tử. Có 100% lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã được cấp chứng thư số cá nhân và thực hiện ký số cá nhân trên văn bản phát hành; 100% lãnh đạo cấp phòng và cán bộ công chức các sở, ban, ngành đã được cấp chứng thư số cá nhân. Theo lộ trình, từ 01/9/2020 văn bản, hồ sơ công việc của UBND cấp xã được trao đổi, xử lý, ký số trên môi trường điện tử. Được biết, Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trong cả nước áp dụng việc thực hiện cấp chữ ký số đến từng chuyên viên, cá nhân từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Đồng chí Mai Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra
vận hành các phần mềm tại Sở Thông tin và Truyền thông.
Đến ngày 10/6/2020 Thanh Hóa có 49/49 đơn vị cấp sở, huyện và 599/599 đơn vị cấp xã đã cài đặt, sử dụng phần mềm QLVB&HSCV; tích hợp phần mềm QLVB&HSCV với hệ thống một cửa; thực hiện ký số hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống phần mềm QLVB&HSCV; hoàn thiện chức năng ký số trên thiết bị di động; hoàn thiện các chức năng phần mềm một cửa cấp huyện, xã.
Về công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng, hiện toàn bộ các phần mềm dùng chung của tỉnh được vận hành với cấp độ bảo đảm an toàn thông tin đạt cấp độ 3, được đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 04 lớp quy định. Thực hiện sao lưu dữ liệu định kỳ 01 lần/01 ngày đối với toàn bộ dữ liệu thông qua hệ thống sao lưu dữ liệu tự động về hệ thống lưu trữ tập trung. Tính đến ngày 10/8/2020, Trung tâm đã thực hiện ứng cứu cho hơn 780 lượt sự cố về an toàn, an ninh mạng cho các đơn vị. Sở cũng xây dựng 04 tình huống và phương án ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: vẫn còn một số ít đơn vị lãnh đạo chưa quyết tâm thay đổi lề lối làm việc, ứng dụng CNTT trong xử lý công việc; cán bộ chuyên trách CNTT tại các sở, ngành, UBND cấp huyện vừa thiếu vừa yếu chuyên môn, biên chế không ổn định; hạ tầng CNTT của một số sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã còn lạc hậu, thiếu tính đồng bộ; việc đăng ký chứng thư số cá nhân đôi khi còn chậm, chưa đảm bảo thời gian theo quy định...
Đồng chí Mai Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh
phát biểu kết luận tại Hội nghị.
Tại buổi làm việc, sau khi ý kiến của các đại biểu, phát biểu kết luận, đồng chí Mai Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước nói chung và việc điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử mà Thanh Hóa đang từng bước áp dụng nói riêng. Đồng chí nhấn mạnh, việc điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử là bước đột phá quan trọng trong cải cách hành chính, đổi mới lề lối, tác phong làm việc hiện đại, công khai, minh bạch, tiết kiệm, chất lượng, hiệu quả, không chỉ nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn mà còn góp phần cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Ngoài việc quan tâm trang bị hệ thống, thiết bị đồng bộ, đảm bảo vận hành ổn định, đồng chí lưu ý, cần chú ý công tác tuyển chọn nhân lực điều hành; hệ thống có hoạt động tốt phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người, phải vừa giỏi về chuyên môn, vừa có trách nhiệm, đạo đức công vụ. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chia sẻ khó khăn với các cán bộ, chuyên viên làm CNTT tại các đơn vị, đồng thời động viên các đồng chí luôn nỗ lực vì công việc chung là đã góp phần trong việc xây dựng quê hương xứ Thanh ngày càng hiện đại, văn minh.
Về việc triển khai xử lý, ký số trên môi trường điện tử đến cấp xã vào tháng 9 tới, đồng chí giao Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu ban hành văn bản đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 15, khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Về công tác an toàn, an ninh mạng, đồng chí nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa lâu dài, do vậy, yêu cầu ngành Thông tin và Truyền thông phải lưu ý, quan tâm, đảm bảo an toàn, an ninh mạng, tránh lộ lọt thông tin; đồng thời xây dựng chặt chẽ các phương án ứng phó với sự cố xảy ra.
Đối với các đề xuất của ngành, đồng chí yêu cầu cần xây dựng các phương án chi tiết, kế hoạch cụ thể báo cáo, đề xuất trình UBND tỉnh. Ngoài ra cần xây dựng kế hoạch trung hạn 5 năm (giai đoạn 2021 – 2026) về phát triển CNTT, có đề xuất nguồn vốn thực hiện.
Đồng chí Mai Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra
công tác vận hành hệ thống các phần mềm tại Văn phòng UBND tỉnh.
Trước đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác vận hành hệ thống quản lý các phầm mềm tại Văn phòng UBND tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông. Qua kiểm tra, tại Văn phòng UBND tỉnh, đến nay, Thường trực UBND tỉnh, Lãnh đạo Văn phòng và 100% chuyên viên đã sử dụng thành thạo phần mềm; hàng ngày xử lý công việc qua môi trường mạng, tiết kiệm thời gian giải quyết công việc, tiếp kiệm chi phí in ấn... Việc lưu trữ hồ sơ thực hiện song hành lưu trữ điện tử và lưu trữ bản giấy (bộ phận lưu trữ của phòng Hành chính - Tổ chức hàng ngày sẽ in hồ sơ để lưu). Việc cài đặt hệ thống dự phòng, sao lưu đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt: Hệ thống được cài đặt theo mô hình song song, hệ thống 1 đặt tại Văn phòng UBND tỉnh (bao gồm 02 máy chủ chạy song song), hệ thống 2 được cài đặt tại Trung tâm CNTT của Sở Thông tin và Truyền thông; hai hệ thống có chức năng dự phòng cho nhau và sao lưu, đồng bộ dữ liệu; các hệ thống này được đặt trong vùng đảm bảo an toàn, an ninh mạng của các Trung tâm; hệ thống được đảm bảo hoạt động thông suốt, liên tục 24/7 phục vụ các cơ quan, đơn vị hành chính trong tỉnh./.
Theo thanhhoa.gov.vn