26 loại văn bản được cơ quan nhà nước gửi nhận điện tử không kèm bản giấy
Từ tháng 2/2020 này, các bộ, ngành, địa phương thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử không kèm bản giấy giữa các cơ quan hành chính nhà nước theo danh mục 26 loại văn bản đã được Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương thống nhất.
Như ICTnews đã thông tin, cuối tháng 12/2019, trong ý kiến chỉ đạo về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Văn phòng Chính phủ (VPCP) phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để thống nhất danh mục văn bản điện tử gửi, nhận điện tử không kèm bản giấy để các bộ, ngành, địa phương áp dụng từ ngày 1/2/2020.
VPCP mới đây đã có văn bản đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai gửi, nhận văn bản điện tử không kèm bản giấy giữa các cơ quan hành chính nhà nước theo danh mục gồm 26 loại văn bản mới ban hành.
Cụ thể, danh mục văn bản điện tử không gửi kèm bản giấy giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước chia thành 2 nhóm - văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính, với tổng số 26 loại văn bản.
Trong đó, 4 loại văn bản quy phạm pháp luật sẽ được các bộ, ngành, địa phương gửi, nhận điện tử không kèm bản giấy gồm có: Thông tư; Thông tư liên tịch; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã; Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã.
Các văn bản hành chính được gửi, nhận điện tử không kèm bản giấy bao gồm: Nghị quyết (cá biệt); Quyết định (cá biệt); Chỉ thị; Quy chế; Quy định; Thông cáo; Thông báo; Hướng dẫn; Chương trình; Kế hoạch; Phương án; Đề án; Dự án; Báo cáo; Tờ trình; Công văn; Công điện; Giấy ủy quyền; Giấy mời; Phiếu gửi; Phiếu chuyển; và Phiếu báo.
VPCP lưu ý thêm, khuyến khích các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống hành chính nhà nước thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử không kèm bản giấy theo danh mục đã ban hành.
Văn bản điện tử không gửi kèm bản giấy phải đáp ứng quy định tại Điều 6 Quyết định 28 ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Văn bản quy phạm pháp luật theo danh mục nêu trên chỉ gửi bản giấy đến các cơ quan: cơ quan kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan đăng Công báo, đăng trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Danh mục văn bản gửi điện tử không kèm bản giấy không áp dụng với các loại văn bản: Văn bản, hồ sơ thuộc dạng mật, tối mật theo quy định tại Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Văn bản, hồ sơ bắt buộc phải gửi bản giấy theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật mức Luật, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Văn bản, hồ sơ có thành phần phức tạp, khó khăn trong việc số hóa gồm bản đồ, bản vẽ kỹ thuật, ấn phẩm, vật phẩm…; Văn bản, hồ sơ liên quan đến quy hoạch, tài chính, tổ chức, bộ máy, nhân sự và chế độ chính sách đối với công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, VPCP cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đã ban hành danh mục văn bản điện tử gửi kèm bản giấy (quy định tại Khoản 2, Điều 7 Quyết định 28 ngày 12/7/2018) đối chiếu với danh mục trên để triển khai cho phù hợp.
Theo đánh giá của Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), một kết quả nổi bật trong xây dựng Chính phủ điện tử năm vừa qua chính là đã có chuyển biến cơ bản về sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước. 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia; tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng tăng từ 72% năm 2018 lên 86,5% năm 2019, rất gần so với mục tiêu 2020 là 90%.
Theo mic.gov.vn