Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 1

    Hôm nay: 2545

    Đã truy cập: 9258835

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020

Ngày 30 -12, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020.


Toàn cảnh hội nghị (ảnh chụp qua màn hình)

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, cùng các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội; Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Minh Chính, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các địa phương tại các điểm cầu trong cả nước.


Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại điểm cầu Thanh Hóa.

Tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa có các đồng chí: Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị (ảnh chụp qua màn hình)

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hội nghị Chính phủ với địa phương tập trung đánh giá, tổng kết lại 1 năm đã qua và quan trọng hơn, đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu phát triển mà Quốc hội giao. Những kết quả đã được trong năm 2019 có ý nghĩa quan trọng, tạo đà cho năm 2020, năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.


Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Theo đó, kết quả nổi bật là GDP đạt mức tăng ấn tượng, cả năm ước đạt 7,02%, cao hơn mức tăng của các năm 2011-2017, là năm thứ hai liên tiếp kể từ năm 2011 GDP tăng trên 7%. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc, đáng chú ý là lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm tăng 2,79%, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra, đây cũng là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua. Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối tăng. Cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn, khắc phục một số tồn tại, yếu kém vốn có của nền kinh tế. Chất lượng tăng trưởng được nâng lên, bền vững hơn. Các ngành, lĩnh vực phát triển tích cực, ổn định trong bối cảnh khó khăn, trong đó khu vực công nghiệp tiếp tục là động lực chủ yếu của tăng trưởng, đặc biệt ngành chế biến, chế tạo tiếp tục tăng cao (11,29%). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lần đầu tiên vượt mốc 500 tỷ USD, cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu. Năm 2019 đánh dấu thành công của du lịch Việt Nam với lượng khách quốc tế đạt trên 18 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay. Ba đột phá chiến lược được đẩy mạnh thực hiện. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,9% GDP; giải ngân vốn FDI đạt khá, tăng 6,7%. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi. Doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 138 nghìn doanh nghiệp, là năm thứ năm liên tiếp có số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đạt cao nhất trong lịch sử. Khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, có nhiều chuyển biến tích cực trong đổi mới giáo dục và đào tạo. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu có nhiều chuyển biến, nhất là nâng cao ý thức xã hội về bảo vệ môi trường. Có sự chuyển biến rõ nét trong công tác phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, giúp giải quyết tích cực nhiều vấn đề còn yếu kém, trì trệ trước đây trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính và phòng, chống tham nhũng. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.

Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2019. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giới thiệu Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.


Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, nhấn mạnh: Năm 2019, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực, tốt hơn năm 2018. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7%, cao hơn mức kế hoạch (6,6-6,8%), thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; quy mô GDP khoảng 266 tỉ đô la Mỹ, bình quân đạt gần 2.800 đô la/người.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, rõ nét. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm xuống còn khoảng 4%. Hơn 54% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích sớm hơn kế hoạch gần 2 năm. Sự nghiệp y tế, thể dục, thể thao, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng con người; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học và công nghệ, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ nét. Kết quả của Đoàn thể thao Việt Nam tại Đại hội thể thao Đông Nam Á vừa qua là một minh chứng sinh động về sự nỗ lực không mệt mỏi, tinh thần, ý chí Việt Nam.

Tiềm lực quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường, kết hợp bài bản, nhuần nhuyễn giữa “xây” và “chống”. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng tiếp tục được phát hiện, điều tra, tiến hành khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, đồng tình ủng hộ.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương và chân thành cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước về những kết quả, thành tích và những nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn đó.

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những thành tích, kết quả đã đạt được. Phải kế thừa và phát huy những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua hơn 30 năm đổi mới và những kết quả toàn diện đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, tạo chuyển biến tích cực trong việc phát huy đầy đủ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân, giải quyết kịp thời, đúng đắn, sát hợp và có hiệu quả các vấn đề cuộc sống đặt ra, nhất là các vấn đề quan trọng, nhạy cảm, bức xúc xã hội. Tranh thủ sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, động viên, góp ý kịp thời của cán bộ, đảng viên, các đồng chí lão thành, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan thông tin, báo chí,... tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể trở thành lực lượng nòng cốt để nâng cao năng lực nội sinh, tính tự chủ của nền kinh tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Để năm 2020 có những thành tích kinh tế - xã hội vượt so với năm 2019, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, Chính phủ, các bộ ngành trung ương và các địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính, như sau:

Tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững và thực chất. Tạo chuyển biến mạnh hơn trong thực hiện các đột phá, chiến lược. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cần quan tâm hơn nữa và có chính sách, biện pháp cụ thể đối với việc phát triển văn hóa - xã hội xây dựng con người hài hòa với phát triển kinh tế. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Chăm lo đời sống đối với người có công với cách mạng, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, ưu tiên thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tích cực triển khai các nghị quyết trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, giáo dục đào tạo. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển, nâng cao vị thế của đất nước. Chủ động phòng ngừa đấu tranh, là thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Cố gắng hoàn thành tốt vai trò là nước Chủ tịch ASEAN.

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu theo đúng quy định của hiến pháp và pháp luật. Quốc hội và cơ quan của Quốc hội cần rà soát xác định rõ hoàn thành chức năng lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Chính phủ, các cơ quan chính phủ và chính quyền các cấp cần chú trọng đến cải cách hành chính, nâng cao năng lực hiệu quả, hiệu lực làm việc của bộ máy tổ chức cán bộ. Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện tốt chức năng giám sát, thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc đúng với tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm công lý, có nghĩa có tình.

Trong năm 2020 các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị cần khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương và chỉ thị của Bộ Chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp. Công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc của Đảng phải thực hiện theo phương châm kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.


Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại điểm cầu Thanh Hóa

Phát biểu tham luận tại điểm cầu Thanh Hóa, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh bày sự tỏ thống nhất cao với các báo báo về tình hình kinh tế xã hội năm 2019 của Chính phủ, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ chung của đất nước nhưng cũng rất sâu sát trong chỉ đạo đối với các địa phương. Những khó khăn, vướng mắc mà các địa phương gặp phải đều được Chính phủ, thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời, tạo điều kiện cho các địa phương nỗ lực, cố gắng vươn lên. Những chỉ đạo mang tầm chiến lược về phát triể kinh tế, về liên kết vùng của Chính phủ rất bổ ích cho các địa phương để hoạch định chính sách phát triển. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng năm 2019, Chính phủ, thủ Tướng chính phủ và các phó thủ tướng đã thực hiện rất tốt việc kiến tạo, truyền cảm hứng, tạo động lực quan trọng để lãnh đạo các cấp, các địa phương phấn đấu vươn lên đạt kết quả cao và toàn diện trong phát triển kinh tế- xã hội.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh đã nêu lên 6 kết quả nổi bật mà tỉnh Thanh Hóa đạt được trong năm 2019. Trong đó, tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 17,15%, cao nhất từ trước đến nay, quy mô nền kinh tế vươn lên đứng thứ 8 cả nước. Từ một tỉnh khó khăn, thu ngân sách phụ thuộc vào Trung ương, năm 2010, Thanh Hóa thu ngân sách 4.200 tỷ đồng chỉ cân đối được 29%, sau nhiều năm cố gắng, nỗ lực phát triển kinh tế xã hội, 9 năm sau, năm 2019, số thu ngân sách của tỉnh đạt hơn 27.300 tỷ đồng, đảm bảo cân đối 90%, so với năm 2010 tăng gấp 6,51 lần và nếu tính số thu nội địa thì tăng gấp 9 lần. Với tốc độ như hiện nay, năm 2020, Thanh Hóa có thể tự cân đối ngân sách trên địa bàn bàn. So với nhiều địa phương khác, số thu ngân sách của Thanh Hóa có thể là không cao nhưng xét về góc độ tăng thu ngân sách và sự phấn đấu thì đây là sự cố gắng nỗ lực rất lớn. Các chỉ số về dịch của Thanh Hóa tăng từ 17- 30%. Đặc biệt, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ hãng tàu biển CMA-CGM của Pháp, đưa vào hoạt động tuyến vận tải Container quốc tế tại cảng nước sâu Nghi Sơn, chỉ trong 6 tháng đã thu về cho ngân sách hơn 500 tỷ đồng. Trong năm, tỉnh có thêm 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số huyện đạt chuẩn nông thôn mới lên 6 huyện và hơn 350 xã, đạt 61, 5% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Về giáo dục đào tạo, tỉnh đạt được 5 huy chương vàng, bạc, đồng tại các kỳ thi Olympic quốc tế Vật lý, hóa học, tin học. Trong thể thao thành tích cao, Thanh Hóa đã đóng góp cho đất nước 6 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và 4 huy chương đồng tại Seagame 30.

Đặc biệt, năm 2019, Thanh Hóa và Hải Dương là 2 địa phương đầu tiên thực hiện khá thành công nghị quyết 37 sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, trong đó Thanh Hóa đã sắp xếp, sáp nhập 143 đơn vị hành chính cấp xã còn 67 đơn vị xã phường, thị trấn, giảm 76 đơn vị, các đơn vị sao sáp nhập đã hoạt động theo đơn vị hành chính mới gần một tháng tương đối ổn định. Tiến tới, Thanh Hóa sẽ tiếp tục triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện. Trước đó, năm 2018, Thanh Hóa đã thực hiện sắp xếp các thôn, tổ dân phố thành công. Trong thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập các đơn bị hành chính, Thanh Hóa đã giảm tới 30.000 cán bộ trong bộ máy, tiết kiệm được gần 800 tỷ đồng/1 năm.

Để giúp Thanh Hóa và các địa phương có thể chủ động thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ năm 2020, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế, tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định về đất đai và đầu tư, tránh sự chồng chéo; thực hiện phân cấp nhiều hơn cho địa phương và rút ngắn thời gian giải quyết.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến đề nghị Trung ương tập trung thực hiện một số dự án hạ tầng trọng điểm của đất nước, nhất là các dự án đi qua Thanh Hóa cũng như các tỉnh Miền Trung như dự án đường cao tốc Bắc - Nam, nâng cấp quốc lộ 1A. Hiện nay toàn bộ hệ thống quốc lọ 1A đi qua các tỉnh miền Trung là rất khó khăn, sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh miền Trung. Thanh Hóa cam kết thực hiện đúng tiến độ về giải phóng mặt bằng cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Đến 31-12-2019, Thanh Hóa đã giải phóng xong phần mặt bằng liên quan đến đất nông nghiệp, 30-4-2020, Thanh Hóa sẽ bàn giao toàn bộ diện tích giải phóng mặt bằng cho dự án này. Là một tỉnh rộng, đồng dân, Thanh Hóa có thể bứt phá, phát triển như ngày hôm nay là do có sự góp phần quan trọng của các dự án lớn như dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Do vậy, đề nghị Chính phủ và các bộ ngành trung ương hỗ trợ, tạo điều kiện để nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành ổn định, đồng thời hỗ trợ triển khai một số dự án lớn đang chuẩn bị đầu tư để Thanh Hóa có thể thực hiện quyết tâm vươn lên tự chủ về ngân sách, nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách trung ương.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THANH HÓA

Giấy phép số 12/GP-TTĐT do Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 11/4/2014

Chịu trách nhiệm: Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc

Địa chỉ: Tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa, Đại lộ Nam Sông Mã - Phố Ái Sơn 2 - Phường Đông Hải - Thành phố Thanh Hóa

Số ĐT: (02373) 713.985 - Fax: (02373) 713.985

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa