Việt Nam tăng 5 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số tích hợp phát triển bưu chính
Nhân Ngày Bưu chính thế giới 9/10, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) công bố Bảng xếp hạng Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính (2IPD). Trong đó, Việt Nam xếp hạng thứ 45/172 nước, tăng 5 bậc về thứ hạng và tăng 0,06 điểm về điểm số so với năm 2018.
2IPD là Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính (Integrated Index for Postal Development) do UPU đưa ra nhằm đánh giá hiệu quả, năng lực hoạt động bưu chính của các quốc gia.
Chỉ số 2IPD được xác định dựa trên 4 tiêu chí đánh giá chính, gồm: Độ tin cậy, khả năng tiếp cận, tính phù hợp và khả năng phục hồi. Trong mỗi tiêu chí chính lại có nhiều tiêu chí phụ.
Việc tính toán điểm số 2IPD dựa trên ba loại dữ liệu chính của UPU: dữ liệu lớn (big data) về bưu chính (với trên 22,9 tỷ bản ghi), số liệu thống kê (với trên 100 chỉ tiêu) và khảo sát của UPU.
Mặc dù mới công bố kết quả đánh giá được 3 kỳ (năm 2016, 2018 và 2019) nhưng 2IPD đã được đông đảo các nước thừa nhận như một chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh và hoạt động hiệu quả của ngành Bưu chính mỗi nước. 2IPD đã được các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia bưu chính, các nhà nghiên cứu sử dụng trong việc đánh giá và so sánh sự phát triển của bưu chính.
Tính đến nay, UPU đã có 3 lần công bố kết quả chỉ số 2IDP vào các năm 2016, 2018, 2019.
Theo báo cáo Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính năm 2019 do Liên minh Bưu chính Thế giới công bố, 5 nước có chỉ số 2IDP cao nhất là Thụy Sĩ, Hà Lan, Nhật Bản, Đức và Pháp.
Bảng xếp hạng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 4 với 51,79 điểm
Việt Nam đạt số điểm 51,79, xếp hạng thứ 45/172 nước, tăng 5 bậc về thứ hạng và tăng 0,06 điểm về điểm số so với năm 2018 (năm 2018 Việt Nam đạt 51,73 điểm, xếp hạng 50/172 nước).
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 4 sau Singapore (hạng 18/172), Thái Lan (hạng 29/172), Malaysia (hạng 33/172).
Singapore là nước phát triển có thu nhập cao và luôn nằm trong top những nước đứng đầu thế giới về xếp hạng 2IPD, trong khi đó Thái Lan và Malaysia là nước xếp thứ 2 và thứ 3 trong nhóm nước có thu nhập trung bình cao.
Điểm đáng chú ý là trong khu vực Đông Nam Á, chỉ có Việt Nam được tăng về điểm số và thứ hạng, các nước còn lại đều giảm điểm số và thứ hạng so với năm 2018.
Các số liệu phục vụ cho Bảng xếp hạng lần này là những số liệu của năm 2018. Thực tế trong năm qua, lĩnh vực bưu chính của Việt Nam đã có sự phát triển rất tích cực. Đáng chú ý là chất lượng dịch vụ bưu chính đã tăng trưởng trong bối cảnh các doanh nghiệp bưu chính đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và đa dạng hóa dịch vụ. Bưu điện Việt Nam đã đạt giải Vàng về chất lượng năm 2019. Đặc biệt, bưu chính đã trở thành “cánh tay nối dài”, “bộ mặt của chính quyền”, qua đó góp phần đẩy mạnh hiệu quả của hoạt động hành chính công, hoạt động cải cách hành chính của các cơ quan nhà nước.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, thị trường bưu chính Việt Nam đang hoạt động sôi động với sự tham gia của khoảng 400 doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Tăng trưởng trong lĩnh vực này mấy năm qua đều đạt trên 50%. Tổng doanh thu ngành Bưu chính năm 2018 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng (1,4 tỷ USD). Doanh thu từ hoạt động bưu chính có xu hướng tăng mạnh khi năm 2016 đạt 410 triệu USD, năm 2017 là hơn 650 triệu USD.
Theo Mic.gov.vn