Sử dụng Internet: Hãy là người dùng thông thái
Khối lượng thông tin tra cứu khổng lồ, tốc độ truyền tải nhanh, tiện lợi trong tìm kiếm, kết nối, giải trí là những lợi ích mà mạng xã hội (MXH) nói riêng và Internet nói chung mang lại cho người dùng. Song, bên cạnh những tiện lợi thì MXH cũng gây ra không ít hệ lụy nếu người sử dụng không biết biến mình trở thành người dùng thông thái.
Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho người dân xã Thanh Xuân (Như Xuân).
Theo thống kê của một công ty phân tích dữ liệu ở nước Mỹ về những gì xảy ra trên MXH và Internet trong 1 phút, thì năm 2017, trong 1 phút trên thế giới có 16 triệu người sử dụng messenger, con số này tăng lên 18 triệu người sử dụng vào năm 2018. Với trang MXH facebook, năm 2017 trong 1 phút có 900.000 tài khoản đăng bài thì đến năm 2018, tăng lên 973.000 tài khoản đăng bài. Những con số này cho thấy, số lượng người sử dụng MXH và Internet ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, có bao nhiêu người dùng nhìn nhận đúng về những hệ lụy của Internet và bao nhiêu người đủ tỉnh táo trước sự dẫn dắt và những cạm bẫy từ MXH và Internet.
Thực tế hiện nay, không khó để bắt gặp hình ảnh các gia đình cả bố mẹ và con cái mỗi người một góc trên tay một thiết bị thông minh, hay những nhóm bạn cùng ngồi với nhau nhưng mỗi người lại cầm trên tay một chiếc smart phone và làm những việc như “check in”, up ảnh, lướt facebook, chơi game... Thay vì giao tiếp, chuyện trò, tâm sự, chia sẻ, trực tiếp với nhau thì họ lại trò chuyện, tán gẫu với nhau qua MXH, đắm mình trong những nhân vật, thế giới ảo trong các clip, các game. Vô hình chung, mỗi người đã tự đẩy mối quan hệ của bản thân, gia đình và bạn bè trở nên xa cách. Và nguy hiểm hơn, giới trẻ mất dần kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống thực, trở nên thờ ơ, lạnh nhạt và xa lánh nhau. Tệ hơn, khi thời gian và tần suất sử dụng MXH và Internet lớn, không ít người có biểu hiện “nghiện” MXH và bị lệ thuộc vào nó. Thậm chí, nếu không sử dụng MXH để giao tiếp hay xem các clip trên youtobe, chơi game thì những người “nghiện” sẽ có trạng thái khó chịu, buồn bã. Nặng hơn là người dùng dễ bị trầm cảm, stress, ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần, não bộ và hành vi ứng xử.
Theo các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, việc sử dụng Internet và smart phone nhiều giờ liên tục và tần suất dày, người dùng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến mắt, não và hệ thần kinh. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, thời gian gần đây, đặc biệt vào thời điểm hè, bệnh viện tiếp nhận không ít trẻ có biểu hiện nháy cơ mắt, cơ vai, cơ cổ hay phát ra những âm thanh vô nghĩa, bất thường nghi ngờ là do ảnh hưởng của việc sử dụng thiết bị smart phone và Internet nhiều giờ liên tục gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh và sự vận động của trẻ. Bác sĩ Phạm Anh Minh, Trưởng Khoa Thần kinh, Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi cho biết: Não bộ của trẻ dưới 6 tuổi chưa được hoàn thiện nên dễ bị ảnh hưởng khi trẻ tập trung mắt, trí tuệ nhiều giờ vào việc chơi game, xem clip trên Internet bằng các thiết bị smart phone. Việc tập trung cao độ khi não chưa hoàn thiện dễ khiến cho trẻ có những hành động bất thường, dần tạo thành thói quen xấu và gây tật. Nếu phát hiện sớm, cho trẻ hoạt động, vui chơi, tránh xa các thiết bị thông minh thì những biểu hiện bất thường trên sẽ mất đi. Tuy nhiên, nếu để trẻ bị đi bị lại nhiều lần dễ dẫn đến co rút cơ, lúc này phải điều trị và ảnh hưởng đến sức khỏe, hoạt động và thẩm mỹ của trẻ.
Đối với nhiều bạn trẻ, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên hiện nay, sử dụng MXH là niềm đam mê, thói quen hàng ngày. Thậm chí không ít trường hợp mải mê khẳng định bản thân trên thế giới ảo mà quên cả công việc hàng ngày, bỏ bê học hành. Và nhiều vụ việc, nói xấu, xúc phạm danh dự người khác, hiềm khích, mâu thuẫn xảy ra bắt nguồn từ MXH. Thầy giáo Lê Thành Đồng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thanh Hóa cho biết: Nhiều em vì sa đà vào game, Internet, MXH mà chểnh mảng làm bài tập, không tập trung trong giờ học, ảnh hưởng đến việc học tập... Nhiều trường hợp nghiện game hay Internet đã bỏ học, nói dối bố mẹ để đi chơi. Có những trường hợp, mâu thuẫn, hiềm khích cá nhân phát sinh do đăng những hình ảnh, lời bình luận trên MXH.
Thực tế, khá nhiều người đã lựa chọn MXH là nơi phơi bày những cảm xúc, quan điểm cá nhân của mình về người khác, nói xấu, xúc phạm danh dự người khác. Tuy nhiên, theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích... đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân là một trong những hành vi bị cấm được quy định cụ thể tại Điều 5 của nghị định. Và hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng được quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến. Do đó, người dùng MXH và Internet không nên chủ quan, lơ là, luôn tỉnh táo để không vướng vào những quy định cấm.
Với khả năng tác động nhiều chiều, MXH như một quyền lực, nếu người dùng không tỉnh táo sẽ dễ bị lộ thông tin cá nhân, lừa đảo hay dẫn dắt, lợi dụng dẫn đến ảnh hưởng về kinh tế, tư tưởng đạo đức, lối sống, thậm chí vô tình trở thành những người truyền tin xấu, độc gây ảnh hưởng đến đời sống, tư tưởng, chính trị trong dân, sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương. Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, nhiều người dùng MXH và Internet đã và đang vi phạm các quy định nhưng chưa ý thức hết được hậu quả của hành vi mình đang gây ra. Ví dụ, như: Hành vi đăng tải, sử dụng hình ảnh, câu chuyện của người khác; chia sẻ, trao đổi các thông tin với nội dung dễ gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến tâm lý của người khác; chia sẻ hình ảnh, miêu tả các hành động bạo lực, dâm ô; nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm uy tín của người khác... Thời gian qua, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm quy định của Nhà nước trong việc sử dụng thông tin trên MXH. Hầu hết các trường hợp đều thực hiện biện pháp, tuyên truyền và nhắc nhở trực tiếp, giúp người dùng nhận ra sai lầm và không tái phạm.
Như vậy, sự hiện hữu và phát triển của MXH và Internet là khách quan, là điều kiện tất yếu hình thành xã hội thông minh, nhưng việc tiếp nhận, tham gia và sử dụng như thế nào là tùy thuộc vào chủ quan người dùng. Thiết nghĩ, mỗi người dùng cần tỉnh táo hơn khi tham gia vào MXH, chỉ nên xem đó là kênh thông tin giải trí đơn thuần, cần có sự lựa chọn, chắt lọc thông tin, kênh thông tin, tránh gặp phải những hệ lụy đáng tiếc. Đồng thời, để Internet phát triển an toàn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, siết chặt hành lang pháp lý, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các hoạt động trên Internet, MXH; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân về an toàn, an ninh mạng.
Theo baothanhhoa.vn