Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 3

    Hôm nay: 2504

    Đã truy cập: 9256033

Tham vấn xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa

Ngày 24 - 5, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tham vấn các tổ chức, chuyên gia về định hướng, giải pháp xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025


Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị.

Các đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng CQĐT tỉnh Thanh Hóa; Lê Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Phạm Bá Oai, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Cục kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ); Cục tin học hóa, Vụ công nghệ thông tin, Cục an toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông); Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế; các Tập đoàn: VNPT, Viettel, IBM, BKAV, AIC và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong và ngoài tỉnh; các ủy viên Ban chỉ đạo xây dựng CQĐT tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh; TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và thị xã Bỉm Sơn, Văn phòng UBND tỉnh.


Các đại biểu dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng, nhấn mạnh: Năm 2017, tỉnh Thanh Hoá phê duyệt Đề án xây dựng CQĐT và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh, giai đoạn 2017-2020; Khung kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh làm cơ sở cho việc đầu tư xây dựng và triển khai các dự án ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ chính quyền, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Xây dựng chính quyền điện tử, phát triển các dịch vụ thành phố thông minh là vấn đề mới, phức tạp vì có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và cần nguồn kinh phí lớn để triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện đề án, UBND tỉnh Thanh Hóa nhận thấy, còn có những khó khăn, vướng mắc, lúng túng, thiếu các giải pháp, kinh nghiệm, mô hình thực tế; tính khả thi, hiệu quả của một số dự án trong đề án xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh chưa đáp ứng yêu cầu. Để góp phần bổ sung, hoàn thiện đề án, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tham vấn với mong muốn các chuyên gia, đại diện các tổ chức, các doanh nghiệp, các địa phương hiến kế, phản biện về các định hướng, giải pháp, các mô hình ứng dụng CNTT giúp tỉnh Thanh Hoá xây dựng thành công CQĐT, phát triển các dịch vụ thành phố thông minh giai đoạn 2019-2020 và những năm tiếp theo.


Các đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chủ trì hội nghị.

Trên cơ sở báo cáo thực trạng của tỉnh về triển khai đề án xây dựng CQĐT, phát triển các dịch vụ thành phố thông minh, UBND tỉnh Thanh Hóa mong muốn được tham vấn, phản biện 5 nội dung chính. Thứ nhất: Sự phù hợp khung kiến trúc CQĐT của tỉnh với dự thảo kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0; các giải pháp để xây dựng thành công CQĐT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thứ hai: Lộ trình, kinh nghiệm triển khai các ứng dụng, các cơ sở dữ liệu, các dịch vụ công trực tuyến; những ứng dụng cần được ưu tiên; cơ chế bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong tình hình mới. Thứ ba: Định hướng phát triển một số dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa trong hai năm 2019-2020 và những năm tới trong các lĩnh vực thương mại điện tử, kết nối cung cầu, thanh toán không dùng tiền mặt, giáo dục, y tế, giao thông, an ninh trật tự, môi trường... Thứ tư: Cơ chế chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực phát triển công nghiệp phần mềm, nội dung số; lựa chọn các sản phẩm mũi nhọn của tỉnh. Thứ năm: Kinh nghiệm của các địa phương, các doanh nghiệp triển khai xây dựng CQĐT, xây dựng đô thị thông minh và khu CNTT tập trung. UBND tỉnh Thanh Hóa mong nhận được nhiều ý kiến tham vấn, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia, các tổ chức, doanh nghiệp, đại diện các địa phương và từ cộng đồng con em Thanh Hóa hoạt động trong lĩnh vực CNTT.


Đại diện Hội Tin học Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Tiếp đó, các đại biểu trình bày những tham vấn, kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng CQĐT và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh. Việc xây dựng CQĐT là để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước và cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai xây dựng cần tổ chức thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm trước khi nhân diện rộng; tiến hành dần từng bước, có những tiến bộ cụ thể và vững chắc, dựa trên đặc điểm riêng của đô thị, hài hòa giữa yêu cầu phát triển dài hạn của đô thị với nhu cầu bức thiết của người dân, bảo đảm hiệu quả đầu tư ngắn hạn và dài hạn, không phát triển tự phát, tràn lan, theo phong trào.


Đại diện Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát biểu tại hội nghị.

Việc triển khai xây dựng các dịch vụ thành phố thông minh trước hết phải căn cứ vào nhu cầu thực tế và các vấn đề bức thiết xảy ra trong quá trình đô thị hóa của địa phương. Tùy thuộc vào đặc thù của mình mà từng đô thị sẽ có nhu cầu và các vấn đề riêng cần ưu tiên thực hiện trong quá trình xây dựng thành phố thông minh. Thực hiện giám sát, điều hành tập trung thông qua một nền tảng công nghệ duy nhất; thu thập, kết nối tất cả các nguồn dữ liệu cả thời gian thực và lưu trữ. Khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu phục vụ các hoạt động của tổ chức; cho phép cộng đồng tiếp cận nguồn dữ liệu để phục vụ phát triển các dịch vụ, ứng dụng thông minh. Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng CNTT; lựa chọn công nghệ cao, tiên tiến và phù hợp. Chiến lược đầu tư trọng tâm từng giai đoạn, thử nghiệm và nhân rộng. Trong đó, con người là yếu tố quan trọng nhất và quyết định đến sự thành công; đồng thời, thúc đẩy nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt, mà hiện nay nhiều địa phương trong nước đang triển khai tích cực vấn đề này. Trong đó, Công ty CP MISA đã mang lại hiệu quả, lợi ích to lớn trong việc đổi mới, công nghệ hóa trong lĩnh vực tài chính kế toán và nhiều lĩnh vực quản trị khác trong nhiều năm qua. Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các phần mềm ứng dựng, tỉnh cần ưu tiên phương án thuê dịch vụ, nhất là đối với các giải pháp đã có sẵn trên thị trường.


Đại diện Tổng Công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel phát biểu tại hội nghị.

Các nhà cung cấp thường có cơ chế cho dùng thử miễn phí trong một quy mô và thời gian đủ để trải nghiệm, đánh giá. Như vậy vừa đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giảm thiểu được các rủ ro về chi phí và hiệu quả. Đối với các ứng dụng, dịch vụ mới, thậm chí chưa có khung pháp lý quy định, tỉnh nên xây dựng cơ chế riêng cho phép thử nghiệm trong một không gian, thời gian cụ thể (sandbox) từ đó đánh giá, nhân rộng.

Theo Baothanhhoa.vn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THANH HÓA

Giấy phép số 12/GP-TTĐT do Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 11/4/2014

Chịu trách nhiệm: Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc

Địa chỉ: Tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa, Đại lộ Nam Sông Mã - Phố Ái Sơn 2 - Phường Đông Hải - Thành phố Thanh Hóa

Số ĐT: (02373) 713.985 - Fax: (02373) 713.985

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa