Đi tìm sự xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa từ các nguồn sử liệu
Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, tỉnh Thanh Hóa có vị thế đặc biệt quan trọng, có nhiều đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Truyền thống và bề dày lịch sử, vị thế của Thanh Hóa đã được khẳng định và ghi chép khá đầy đủ, thống nhất, toàn diện và sáng tỏ trong các bộ chính sử từ thời cổ đại đến cận đại, trong các thư tịch và các công trình nghiên cứu từ xưa đến nay.
Thông qua một số nguồn tư liệu (chính sử), bối cảnh lịch sử, chính trị xã hội của Ái Châu - Thanh Hóa đầu triều Lý với hàng loạt sự kiện liên tiếp xảy ra liên quan đến Vương triều (như sự kiện thần đền Đồng Cổ báo mộng, sự kiện Lê Phụng Hiểu dẹp loạn Tam vương), góp phần khẳng định việc đổi đặt trại Ái Châu làm phủ Thanh Hóa vào năm 1029.
Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú đã viết: “Nguyên trước là Tượng Quận, Tần, Hán gọi là quận Cửu Chân, Lương đặt là Châu Ái. Tùy lại gọi là Cửu Chân. Thời Đinh, Lê cũng như thế. Nhà Lý đổi thành trại, rồi đổi làm phủ…”().
Thời Đại Việt - khi nhà Lý dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc. Nhà Lý tiến hành sắp đặt diên cách, thiết lập bộ máy hành chính nhà nước. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư thì khi dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, Lý Thái Tổ đã có thay đổi tên gọi ở một số nơi: “Mùa thu, tháng 7, vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long; đổi châu Cổ Pháp gọi là phủ Thiên Đức, thành Hoa Lư gọi là phủ Trường Yên, sông Bắc Giang gọi là sông Thiên Đức và đổi 10 đạo trong cả nước thành 24 lộ và châu Hoan, châu Ái làm trại”().
Theo sách Thanh Hóa tỉnh chí, trong phần khảo về thay đổi địa danh ở Thanh Hóa, có đoạn viết: “Đến đời nhà Lý, chia 10 lộ ra làm 24 lộ, còn châu Ái và châu Hoan đều đổi làm trại, sau lại đổi Hoan Châu làm Nghệ An châu, Ái Châu làm Cửu Chân quận rồi lại làm Thanh Hóa phủ. Còn sự chia đặt đại khái vẫn theo quy chế cũ của các nhà Đinh, Lê. Nay thấy sử chép, ở lộ thì có An Phủ, ở phủ thì có Tri phủ và Phan phủ sự. Ở trại thì có trại chủ, châu thì có Tư châu, giáp thì có Quản giáp. Đầu đời nhà Trần, chia trong nước ra làm 12 lộ, mỗi lộ đều đặt hai viên quan là An Phủ sứ và Trấn Phủ sứ. Thanh Hóa là một trong 12 lộ”().
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, là bộ quốc sử lớn nhất của Quốc sử quán triều Nguyễn, do Phan Thanh Giản làm Tổng tài cùng Phó Tổng tài Phạm Xuân Quế và các vị Toản tu Trần Văn Vi, Đặng Quốc Lang, Hồ Sĩ Tuần, Đặng Trần Chuyên, Lê Thái Bạt, Trần Tiến Thọ..., được biên soạn bắt đầu từ năm Tự Đức thứ 9 (1856) đến năm Tự Đức thứ 12 (1859). Bộ sách đã trải qua bổ sung nhiều lần, sau đó được khắc in vào ngày 21 tháng 7 niên hiệu Kiến Phúc thứ nhất.
Có thể thấy đây là bộ sử được biên tập một cách cẩn thận, chưa hề thấy trong các bộ sử Việt Nam thời phong kiến. Nội dung được thể hiện trong phần viết về “Định bản đồ trong nước” tháng 3 năm Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469) đời Lê Thánh Tông. Trong phần này đã ghi rõ nhà vua định bản đồ 12 thừa tuyên (Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Nam Sách, Thiên Trường, Quốc Oai, Bắc Giang, An Bang, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Lạng Sơn, Thái Nguyên); phần “Xét” về Thanh Hóa như sau:
“Xét():
I. Thanh Hóa: Đời Hùng Vương xưa Thanh Hóa thuộc bộ Cửu Chân; nhà Tần thuộc Tượng Quận; nhà Hán, là quận Cửu Chân; Ngô, Tấn, Tống cũng theo tên cũ của Hán; Lương Võ đế đổi Cửu Chân làm Ái Châu; nhà Tùy lại gọi là quận Cửu Chân quận; nhà Đường chia đặt làm 2 quận: Ái Châu và Cửu Chân.
Nhà Đinh và nhà Lê gọi Thanh Hóa là Ái Châu; nhà Lý đổi làm trại, năm Thiên Thành thứ 2 đổi làm Thanh Hóa phủ...”() (tức là năm 1029).
Sách Việt sử địa dư của Phan Đình Phùng, trong phần nói về Thanh Hóa có viết: “Nhà Đinh, nhà Tiền Lê gọi Ái Châu, nhà Lý đổi thành trại, niên hiệu Thiên Thành năm thứ 2 (1029) đổi làm phủ Thanh Hóa”().
Sách Dư Địa chí của Nguyễn Trãi, được biên soạn và dâng lên vua Lê Thái Tông năm 1435, ghi về vùng đất Thanh Hóa như sau: “Thanh Hóa là đất của quận Cửu Chân thời thuộc Hán, đến đời Đường là đất Ái Châu (tên Ái Châu có từ thời Lương Vũ đế). Thời Ngô, Đinh, Lê, vẫn gọi là Ái Châu. Sang thời Lý, Năm Thuận Thiên thứ 1 (1010), đổi Ái Châu thành Trại. Năm Thiên Thành thứ 2 (1029) thì đổi thành phủ Thanh Hóa. Nhà Hồ lại đổi phủ Thanh Hóa thành phủ Thiên Xương cùng với Cửu Chân và Ái Châu là miền phụ ký của Tây Đô. Thời thuộc Minh lại đặt làm phủ Thanh Hóa gồm phủ Thanh Hóa, Ái Châu và châu Cửu Chân...”().
Sách Việt Nam quốc sử khảo của Phan Bội Châu, trong phần địa lý, sản vật nước ta, mục tỉnh Thanh Hóa có viết: “Cổ gọi là Cửu Chân, Tần gọi là Tượng Quận... Lý gọi là trại. Năm Thiên Thành thứ 2 (1029) đổi thành phủ Thanh Hóa”().
Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, trong phần dựng đặt diên cách chép về tỉnh Thanh Hóa như sau: “Nước ta từ thời Đinh Lê vẫn theo Châu Ái, đời Lý năm Thuận Thiên thứ 1 đổi làm trại, sau đổi làm phủ Thanh Hóa (tên Thanh Hóa bắt đầu từ đây)”().
Sách Đất nước Việt Nam qua các đời của Giáo sư Đào Duy Anh, trong mục XII “Sự diên cách về địa lý hành chính qua các đời Lê, Nguyễn” khi viết về Thanh Hóa đã ghi lại lời “xét” trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục: “Cương mục (Chb,q.21) thời Đinh, Lê gọi Thanh Hóa là Ái Châu; nhà Lý đổi làm trại, năm Thiên Thành thứ 2 đổi làm Thanh Hóa phủ”().
Qua các sử liệu trên, có thể khẳng định truyền thống và bề dày lịch sử, vị thế của Thanh Hóa đã được khẳng định và ghi chép khá đầy đủ, thống nhất, toàn diện và sáng tỏ trong các bộ chính sử từ thời cổ đại đến cận đại, trong các thư tịch và các công trình nghiên cứu từ xưa đến nay. Từ năm 2011 đến 2017, thông qua 3 cuộc hội thảo khoa học cấp ngành, cấp tỉnh, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà sử học, nhà nghiên cứu hàng đầu trong cả nước, dựa vào các căn cứ khoa học và cứ liệu lịch sử đã chứng minh sự xuất hiện của Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương vào năm 1029 (năm Thiên Thành thứ 2) dưới triều vua Lý Thái Tông. Việc xác định thời điểm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa là một dấu mốc có ý nghĩa hết sức quan trọng khẳng định được bề dày truyền thống lịch sử hào hùng của mảnh đất xứ Thanh anh hùng và cách mạng trong lịch sử dân tộc.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức các hội thảo và tọa đàm khoa học, các nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài tỉnh đều thống nhất chọn ngày 8/5/2019 (tức ngày 4 tháng Tư âm lịch) để tổ chức kỷ niệm 990 năm ra đời Danh xưng Thanh Hóa. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa thống nhất và theo quy định của pháp luật Hội đồng nhân tỉnh Thanh Hóa khóa XVII (nhiệm kỳ 2016-2021) đã ban hành Nghị quyết số 112/NQ-HĐND, ngày 11/7/2018 xác định ngày 08 tháng 5 năm 2019 tổ chức Lễ Kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa (1029-2019).
Kỷ niệm 990 năm ra đời Danh xưng Thanh Hóa nhằm phát huy những giá trị, ý nghĩa của sự kiện trọng đại này, phục vụ xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp. Thông qua các hoạt động kỷ niệm nhằm giáo dục truyền thống tốt đẹp, khơi dậy và nhân lên niềm tin tưởng tự hào và tinh thần yêu quê hương của nhân dân Thanh Hóa nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung về lịch sử dân tộc và vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, quê hương của nhiều anh hùng, hào kiệt và danh nhân văn hóa; tạo sức mạnh, động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân Thanh Hóa vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu vươn lên, quyết tâm xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh; chung sức, đồng lòng xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành “Tỉnh kiểu mẫu”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Phát
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy