Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 2

    Hôm nay: 896

    Đã truy cập: 9601915

Khai mạc Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2018

Sáng ngày 18/7, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018 với chủ đề: “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số”. Diễn đàn do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân đồng tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã tham dự Diễn đàn

 

20180718-m04.JPG

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn

Ngoài ra, Diễn đàn còn có sự tham dự của trên 650 đại biểu cấp cao từ Chính phủ, 10 bộ và các cơ quan ngang bộ; 31 cục, tổng cục, trung tâm, viện nghiên cứu; lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành từ 27 tỉnh, thành phố trên cả nước; đại sứ, tham tán thương mại của 12 quốc gia tại Việt Nam, các lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội, các viện nghiên cứu, các trường đại học. 
 
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt so với truyền thống, chẳng hạn như các hãng truyền thông toàn cầu không sở hữu quyền tác giả của một tin tức nào, hãng taxi toàn cầu nhưng không sở hữu một chiếc xe nào, chuỗi khách sạn toàn cầu nhưng không sở hữu một phòng nghỉ nào… Tất cả những điều này đang góp phần định hình một thời đại kinh tế mới - thời đại của kinh tế số.

Trong bối cảnh ấy, Thủ tướng chỉ đạo Diễn đàn hôm nay cần thảo luận để tạo ra nhận thức chung sâu sắc hơn về các đặc trưng cơ bản của kinh tế số như: tính chia sẻ, giá trị gia tăng của nền tảng ứng dụng công nghệ số, những đặc tính của sản phẩm khi có mức giá trị, quy mô và tính cá biệt, khả năng truy xuất nguồn gốc, phương thức phân phối ra thị trường… Từ đó, lựa chọn hướng đi phù hợp, phát huy tốt các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong phát triển nền kinh tế số.
Thủ tướng nhận định, Việt Nam đã tiến 10 bậc theo đánh giá của Liên hợp quốc về Chính phủ điện tử. Tuy nhiên mới chỉ khiêm tốn xếp vị trí thứ 6 trong ASEAN.

Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại và bất cập trong việc triển khai Chính phủ điện tử như: cơ sở pháp lý chưa toàn diện, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, hạ tầng thông tin có mức độ an toàn thấp, cơ chế đầu tư cho CNTT còn bất cập, tốc độ xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia làm nền tảng rất chậm, các hệ thống thông tin dữ liệu chưa được kết nối thông suốt, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn thủ công, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 còn thấp.
Theo Thủ tướng Chính phủ, có nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng nền kinh tế số Việt Nam theo 3 trụ cột chính là hạ tầng số, tài nguyên số và chính sách chuyển đổi số.
Thủ tướng nhận định, việc xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn liền với vai trò của người đứng đầu, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, bảo đảm thực thi hiệu quả. Việt Nam đang thiết lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo; các thành viên Ủy ban là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các bộ liên quan trực tiếp tới các nhiệm vụ trong xây dựng Chính phủ điện tử, đồng thời có sự tham gia của đại diện cho khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả hợp tác công - tư trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

 
20180718-m05.JPG

Quang cảnh Diễn đàn

Với quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, xác định rõ mục tiêu, vai trò, trách nhiệm và lộ trình cụ thể trong triển khai Chính phủ điện tử và thiết lập hệ thống chỉ số trong giám sát hiệu quả thực thi, tránh tình trạng làm hình thức mà không bảo đảm yêu cầu.
Thủ tướng chỉ đạo, trong giai đoạn trước mắt, các Bộ, ngành, địa phương cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm thực hiện như sau: Hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế; Phát triển nguồn nhân lực; Tập trung triển khai các giải pháp nền tảng công nghệ Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Dồn sức để có nguồn lực phát triển trên cơ sở xác định mục tiêu trọng tâm và ưu tiên đầu tư trong tiến hành việc thu nạp cả nguồn lực tài chính và con người; Phát huy hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp và doanh nghiệp tư nhân ; Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhận thức về Chính phủ điện tử, kinh tế số, hạ tầng số.
 
Sau phiên khai mạc, Diễn đàn đã lần lượt thảo luận theo 3 chuyên đề chính: Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Kinh tế số và Hạ tầng số. Cũng tại Diễn đàn, các kinh nghiệm quốc tế thành công của Malaysia, Estonia cũng đã được chia sẻ.

Kết quả khảo sát về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trong các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam được Ban Tổ chức tiến hành đối với 180 cơ quan đơn vị, doanh nghiệp tham dự Diễn đàn năm nay.
 
Khi được hỏi về 3 nhân tố quan trọng nhất để Việt Nam phát triển nền Kinh tế số, đa số ý kiến cho rằng việc Xây dựng chính phủ số kiến tạo, hành động, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ cao cho người dân, doanh nghiệp là quan trọng nhất (137 phiếu, tương đương 76,1%); kế đó là việc Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin với 104 phiếu, tương đương 57%; và cuối cùng là Phát triển hạ tầng số /kết nối liên thông và dữ liệu mở (90 phiếu, tương đương 50%).
 
Về phía tổ chức, doanh nghiệp, 3 nhân tố được cho là quan trọng nhất để giúp đẩy nhanh chuyển đổi số là Tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo (162 phiếu, tương đương 90%); Xây dựng kế hoạch chuyển đổi số cụ thể (123 phiếu, tương đương 68,3%) và cuối cùng là Đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực cho phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số (93 phiếu, tương đương 51,7%).
 
Với câu hỏi về 3 lĩnh vực nào của Việt Nam cần và có thể thực hiện đổi mới ngay, quyết liệt để thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam, lĩnh vựcCông nghệ thông tin đứng vị trí đầu tiên với 133 phiếu tương đương 73,9%. Tiếp đến là lĩnh vực Thương mại điện tử với 88 phiếu, chiếm 48,9% và thứ ba là Giáo dục và Đào tạo với 69 phiếu, chiếm 38,3%
 
Với câu hỏi về hiểu biết về chuyển đổi số chưa? Đã có hoạt động cụ thể gì thúc đẩy chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức của mình chưa? Không có phiếu nào đề cập là không có hiểu biết và chưa có hành động gì. 34,4% người được hỏi trả lời Đã có tìm hiểu nhưng chưa biết cần làm gì?; 32,2% trả lời Đã hiểu và đã sẵn sàng mọi nguồn lực cho chuyển đổi số và 28,9% hiện đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số./.

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THANH HÓA

Giấy phép số 12/GP-TTĐT do Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 11/4/2014

Chịu trách nhiệm: Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc

Địa chỉ: Tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa, Đại lộ Nam Sông Mã - Phố Ái Sơn 2 - Phường Đông Hải - Thành phố Thanh Hóa

Số ĐT: (02373) 713.985 - Fax: (02373) 713.985

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa