Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 3

    Hôm nay: 55

    Đã truy cập: 9607012

Đã có nguyên tắc định hướng về ICT cho đô thị thông minh ở Việt Nam

(Mic.gov.vn) - Bộ TT&TT đã có hướng dẫn nhằm định hướng phát triển về công nghệ thông tin, truyền thông trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam


Nhu cầu xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam
 
Ở Việt Nam, xu hướng đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh ở phạm vi rộng khắp. Theo Bộ Xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa đã tăng từ 19,6% với 629 đô thị (năm 2009) lên khoảng 36,6% với 802 đô thị (năm 2016). Tỷ lệ đô thị hóa từ nay đến năm 2020 đạt 45% kế hoạch đề ra.
 
Xu thế đô thị hóa gia tăng tạo ra nhiều sức ép như ô nhiễm môi trường, thiếu hụt các nguồn lực về đất đai, nước sạch, không gian, giao thông, năng lượng... Do đó, việc xây dựng và quản lý đô thị theo cách truyền thống đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
 
Điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo, quản lý đô thị phải tìm kiếm những chiến lược, giải pháp mới nhằm phù hợp với bối cảnh hiện nay và xu hướng phát triển trong tương lai.
 
Những năm gần đây, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đang có bước phát triển nhanh chóng. Nhiều công nghệ mới ra đời có chi phí thấp, ít tiêu tốn năng lượng, năng lực thu thập và tốc độ xử lý dữ liệu lớn cũng ngày càng được cải thiện.
 
Trong những năm tới, việc ứng dụng ICT trong phát triển đô thị sẽ giúp làm giảm sức ép của quá trình đô thị hóa. Điều này có ý nghĩa đặc biệt với các vấn đề cốt lõi của những siêu đô thị như giao thông, quản lý năng lượng, nước sạch và xử lý rác thải.
 
Xu hướng ứng dụng những tiến bộ ICT được gọi chung là đô thị thông minh hay thành phố thông minh (smart city). Xa hơn nữa là các mô hình đô thị thông minh bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Chúng được gọi là các đô thị thông minh phát triển bền vững.
 
Tại công văn số 10384 / VPCP-KGVX về việc xây dựng đô thị thông minh bền vững trên thế giới và Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo: “đô thị thông minh là một khái niệm mới, cần được nghiên cứu thấu đáo, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương tới địa phương, phù hợp với xu thế phát triển chung và điều kiện của Việt Nam để phát triển bền vững”.
 
Thống nhất nhận thức về ICT cho đô thị thông minh
 
Tính đến tháng 12/2017, khoảng 30 địa phương trên cả nước đã có thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp ICT để tư vấn và triển khai xây dựng đô thị thông minh.
 
Một số địa phương đã thành lập ban chỉ đạo, ban hành quyết định phê duyệt các dự án và triển khai xây dựng đô thị thông minh với một số nhận thức và cách tiếp cận khác nhau do trên thế giới chưa có một hình mẫu chung cụ thể về đô thị thông minh.
 

Việt Nam đang hướng tới mục tiêu xây dựng một số thành phố thông minh. Ảnh: Internet

 
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 11/01/2018, Bộ TT&TT đã ban hành công văn số 58/BTTTT-KHCN về việc “Hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam” nhằm bước đầu thúc đẩy thống nhất nhận thức và quan điểm về ICT trong xây dựng đô thị thông minh trên cả nước.
 
Bản hướng dẫn này có phạm vi về lĩnh vực ICT trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam. Nó bao gồm những nguyên tắc, mục tiêu tổng quát và nội dung cơ bản trong việc xây dựng đô thị thông minh. Các dự án về ứng dụng ICT được thực hiện theo các quy định, hướng dẫn hiện hành về đầu tư ứng dụng ICT.
 
Theo hướng dẫn này, đô thị thông minh là đô thị hoặc khu cư dân ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông phù hợp, tin cậy, có tính đổi mới sáng tạo và các phương thức khác nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phân tích, dự báo, cung cấp các dịch vụ quản lý nguồn lực đô thị có sự tham gia của người dân.
 
Việc ứng dụng CNTT giúp các đô thị nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phân tích, dự báo, cung cấp dịch vụ quản lý các nguồn lực đô thị có sự tham gia của người dân. Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, môi trường được cải thiện, cộng đồng dân cư được nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
Bên cạnh đó, việc quản lý đô thị theo hướng tinh gọn, hiện đại với các dịch vụ công được hoàn thiện cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự ổn định về mặt an ninh, trật tự an toàn xã hội.
 
Theo kinh nghiệm quốc tế, xây dựng đô thị thông minh là một quá trình phức tạp, lâu dài trải qua nhiều giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn lại cần có sự hướng dẫn cụ thể, tương ứng. Dựa trên quá trình triển khai thực tiễn phát sinh, nếu nhu cầu cần thiết, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu và ban hành hướng dẫn phù hợp.
Nguyên tắc xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam
 
Nguyên tắc cốt lõi trong việc xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam là lấy người dân làm trung tâm, phải dựa trên nhu cầu thực tế và giúp cho mọi người dân đều được hưởng thành quả. Để làm được điều này, cần khảo sát nhu cầu, lấy ý kiến rộng rãi trong quá trình xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án.
 
Một trong những công việc cần làm là đảm bảo năng lực cơ sở hạ tầng thông tin, khuyến khích dữ liệu mở (open data), những dữ liệu có thể hiểu được (được mô tả tường minh) để tạo ra một hệ sinh thái số. Những dữ liệu này do chính quyền địa phương sở hữu và có thể chia sẻ cho các bên liên quan nếu cần. Công tác đảm an toàn, an ninh thông tin và năng lực ứng cứu, xử lý sự cố cũng sẽ được coi trọng.
 
Tùy theo nhu cầu và điều kiện thực tế, các địa phương cần chủ động xây dựng và triển khai Đề án tổng thể xây dựng đô thị thông minh. Trong quá trình xây dựng Đề án tổng thể về đô thị thông minh, các địa phương gửi các Bộ ngành cho ý kiến về những nội dung có liên quan như giao thông thông minh, quy hoạch đô thị thông minh… Trong đó, ưu tiên các dự án nền tảng dài hạn có tính tổng thể và phục vụ liên ngành.
 

Các thành phố thông minh sẽ lấy người dân làm trung tâm. Ảnh: Internet

 
Một số dự án thí điểm sẽ được lựa chọn làm điển hình để nhân rộng, tránh việc triển khai đồng loạt nhiều dự án. Chính phủ cũng có chủ trương ưu tiên các dự án thuê dịch vụ ICT và sử dụng các sản phẩm, giải pháp của những đơn vị cung ứng trong nước. Xây dựng đô thị thông minh đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn nên cần tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội.
 
Trong xây dựng đô thị thông minh, kiến trúc ICT được xem như nền tảng tổng thể. Đây là căn cứ để địa phương, doanh nghiệp và các bên liên quan xây dựng nên các giải pháp, dịch vụ nhằm thúc đẩy sự phát triển của đô thị thông minh.
 
Dựa theo hướng dẫn của tiêu chuẩn quốc tế, nội dung cơ bản để xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam sẽ bao gồm 6 bước: Thiết lập tầm nhìn, Xây dựng đề án tổng thể, Đạt cam kết giữa các bên liên quan, Triển khai xây dựng đô thị thông minh, Đánh giá định lượng sự tiến bộ của đô thị và công tác Tổng kết, rút kinh nghiệm./.

(Nguồn: VietNamNet)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THANH HÓA

Giấy phép số 12/GP-TTĐT do Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 11/4/2014

Chịu trách nhiệm: Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc

Địa chỉ: Tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa, Đại lộ Nam Sông Mã - Phố Ái Sơn 2 - Phường Đông Hải - Thành phố Thanh Hóa

Số ĐT: (02373) 713.985 - Fax: (02373) 713.985

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa