Bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số
Chiều 10/7, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính Trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì chủ trì Phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ về sơ kết sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp
Cùng dự hội nghị có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm cùng các đại biểu dự tại điểm cầu Thanh Hóa.
Dự tại điểm cầu Thanh Hóa có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh cùng đại diện các ngành thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ công tác chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, 6 tháng đầu năm các bộ, ngành đã nỗ lực, tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Các cơ quan Nhà nước tiếp tục tạo lập, khai thác, sử dụng, vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Dịch vụ công trực tuyến, tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 là 17%); bộ, ngành đạt 61% (cuối năm 2023 là 38%); địa phương đạt 17% (cuối năm 2023 là 9%).
63/63 địa phương (tăng 14 địa phương so với cuối năm 2023) đã ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 15/63 địa phương (tăng 2 địa phương so với cuối năm 2023) đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Kinh tế số 6 tháng đầu năm ước tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin (kinh tế số ICT) ước đạt 1.928.311 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Triển khai Đề án 06, nhận thức, hành động của các cấp, ngành và Nhân dân về chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng đã có sự thay đổi rõ rệt. Các cấp, ngành và địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06. Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử đã được cung cấp, người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn.
Cụ thể, có 43/76 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó có 36 dịch vụ công được thực hiện toàn trình (người dân có thể thực hiện bất cứ thời điểm nào, nơi nào, không phải tiếp xúc trực tiếp với cơ quan Nhà nước, cắt giảm giấy giấy tờ, chi phí đi lại). Người dân đã được miễn giảm phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến và được cung cấp đầy đủ các giấy tờ bảo đảm các hoạt động, công việc hàng ngày cả trên môi trường mạng. 100% công dân đã được cấp mã số định danh cá nhân; 86,3 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước gắn chíp điện tử; hơn 75,7 triệu tài khoản định danh điện tử đã được cấp và trên 55,25 triệu tài khoản đã được kích hoạt. Thông qua việc kết nối, chia sẻ, tích hợp các loại giấy tờ, người dân được hưởng nhiều tiện lợi...
Điểm cầu trực tuyến tại các địa phương trong cả nước.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi các vấn đề còn tồn tại trong quá trình chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06, như: Tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình thấp, mới chỉ đạt 48%. Trung tâm điều hành thông minh chưa có kịch bản điều hành dựa trên dữ liệu. Chưa có hành lang pháp lý đầy đủ để dữ liệu trở thành đầu vào cho nền kinh tế. Việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần còn hạn chế...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số ở nước ta hiện nay đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng phê bình các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế trong việc hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số. Để hoàn thành nhiệm vụ trong những tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số đã đề ra trong Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024.
Các bộ, ngành, địa phương phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chuyển đổi số; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho các bộ, ngành và các địa phương. Các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trong cả nước phải trực tiếp chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số.
Trong thực hiện Đề án 06, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đề ra lộ trình khẩn trương hoàn thành việc kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Các địa phương khẩn trương điều chỉnh Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính kết nối với Hệ thống phần mềm dịch vụ công liên thông, xong trước tháng 7/2024.
Theo baothanhhoa.vn