Phát triển sản phẩm OCOP gắn liền với chuyển đổi số tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Hiện nay các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện đã và đang vận dụng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, năng lực cạnh tranh và tham gia vào các chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế
Sản phẩm của Công ty TNHH Thực phẩm&TMDV Lê Gia xã Hoằng Phụ trên sàn thương mại điện tử Tiki.vn
Thời gian qua, để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, trên cơ sở hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông, Sở NN&PTNT và các sở, ngành có liên quan, UBND huyện Hoằng Hóa đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát các sản phẩm tiềm năng của địa phương, đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ các chủ thể, các hộ sản xuất có sản phẩm thế mạnh xây dựng ý tưởng sản phẩm, mẫu mã bao bì, hệ thống nhận diện thương hiệu, quy trình sản xuất kinh doanh để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến nay, trên địa bàn huyện có 29 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (xếp thứ 2 toàn tỉnh), xếp hạng từ 3 sao trở lên, trong đó, có 1 sản phẩm xếp hạng 5 sao – là địa phương duy nhất đến thời điểm hiện tại có sản phẩm 5 sao của tỉnh Thanh Hóa; tổng số xã có sản phẩm OCOP là 18/37 xã, thị trấn. Đặc biệt, nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, huyện đã chỉ đạo các xã hướng dẫn các chủ thể tham gia trưng bày sản phẩm OCOP và các sản phẩm thế mạnh tại huyện Triệu Sơn, Thành phố Sầm Sơn và tại Hội chợ kết nối cung cầu của tỉnh. Qua đó thúc đẩy các chủ thể có sản phẩm OCOP không ngừng hoàn thiện nâng cấp chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì, tem truy xuất nguồn gốc…nhằm tạo uy tín, thương hiệu với người tiêu dùng. Đây cũng là điều kiện, là hành lang pháp lý quan trọng để các chủ thể OCOP tham gia vào các chuỗi siêu thị, nhà hàng; mở rộng thị trường, tăng doanh thu, bảo đảm sản phẩm phát triển ngày càng bền vững hơn.
Chị Lê Thị Nhung, chủ HTX nông nghiệp xanh, CNC Hồng Nhuệ cho biết: Sản phẩm chủ lực của HTX là dưa vàng Kim Hoàng hậu, dưa lưới, dưa leo... Ngoài ra, tùy mùa vụ, HTX còn cung cấp ra thị trường các loại rau dinh dưỡng như: Cải kale, cà chua bi, dâu tây... HTX tạo việc làm cho 9 lao động thường xuyên với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng và 5 lao động thời vụ; lợi nhuận mỗi năm thu được khoảng 300 triệu đồng. HTX còn tạo chuỗi liên kết vùng canh tác an toàn và bao tiêu một số sản phẩm đạt chất lượng cho các hộ liên kết. Đồng thời, ký kết hợp đồng với 5 HTX và 3 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu đầu ra sản phẩm dưa lưới, dưa vàng, dưa leo. Hiện nay, sản phẩm của HTX và các đơn vị liên kết đã có mặt tại hệ thống thực phẩm sạch của các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP... Theo chị, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ trong sản xuất và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, đã giúp cho HTX mở rộng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và sự tương tác của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm của HTX.
Việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử vừa mở rộng thị trường tiêu thụ, vừa từng bước hoàn thiện khâu tiêu thụ sản phẩm. Khác với kênh bán hàng truyền thống, kênh thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể giới thiệu, quảng bá và đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP và những sản phẩm đặc sản vùng miền của Hoằng Hóa đến với người tiêu dùng trong nước.
Với 29 sản phẩm OCOP được xếp hạng, hiện nay, Hoằng Hóa đang là huyện xếp thứ 2 toàn tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP. Bước đầu, các doanh nghiệp, chủ thể sản xuất OCOP trên địa bàn đã ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, như: Xây dựng trang web, sử dụng thư điện tử, ứng dụng các hình thức thanh toán điện tử và từng bước đưa sản phẩm lên mạng xã hội hoặc các sàn thương mại điện tử... Trong đó, hầu hết các đơn vị đã đạt được kết quả kinh doanh vượt trội so với trước đó. Bên cạnh đó, một số đơn vị chưa đủ năng lực, trình độ ứng dụng công nghệ để chủ động tham gia chuyển đổi số đã tìm kiếm, kết nối với một số đơn vị trung gian để hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm. Các xã có sản phẩm OCOP của huyện đã phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP của huyện.
Việc phát triển các sản phẩm OCOP trong thời gian vừa qua được gắn liền với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, 100% sản phẩm được gắn sao OCOP được cơ quan chuyên môn hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, bảo đảm tính minh bạch và giá thành ổn định. Thông qua đó, khách hàng, đối tác của các chủ thể sản xuất có thể nhận biết được sản phẩm OCOP, tạo niềm tin khi tiêu thụ sản phẩm.
Để mở thêm nhiều cơ hội mới trong việc giới thiệu, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, cùng với khuyến khích phát triển các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP, Hoằng Hoá đang thúc đẩy chuyển đổi số, đưa nông sản, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Trong năm 2023, huyện Hoằng Hóa đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm thực hiện mục tiêu đưa 100% sản phẩm OCOP của huyện lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Vỏ sò.vn… Qua đó, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, mở rộng thị trường, thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển./.
Phòng Quản lý CNTT – Sở TT&TT