Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 7

    Hôm nay: 408

    Đã truy cập: 7937801

Đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội

Sáng ngày 11/10/2019, tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ cùng Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền, đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội năm 2019”.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng; Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân; đại diện lãnh đạo Sở TT&TT các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chữ ký số, xác thực điện tử, an toàn thông tin…

 
Hội nghị nhằm tuyên truyền, hướng dẫn, trao đổi các văn bản pháp lý liên quan về chữ ký số giao dịch điện tử; góp phần đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội; tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị về việc quản lý, triển khai ứng dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan nhà nước; phát triển thị trường dịch vụ chữ ký số công cộng phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, người dân và xã hội. Đồng thời, giúp lãnh đạo các cơ quan nhà nước, lãnh đạo các doanh nghiệp, đơn vị hiểu đúng lợi ích và vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng chữ ký số trong cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp.
 
Thời gian vừa qua, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực giao dịch điện tử. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện như: Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 23/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động các cơ quan nhà nước; một số Thông tư của Bộ TT&TT hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử, liên thông giữa hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ và hệ thống chứng thực chữ ký số công cộng...  Điều này đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất và thuận lợi trong việc cung cấp, quản lý, sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.
 
Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại Hội nghị
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào cho biết, thời gian qua, Ban Cơ yếu Chính phủ đã phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức triển khai đồng bộ các mặt công tác nhằm thúc đẩy triển khai chữ ký số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và trong lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đặc biệt, các cơ quan chức năng của Ban Cơ yếu Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia - Bộ TT&TT tổ chức triển khai các hoạt động kiểm tra, đánh giá tình hình sử dụng chữ ký số trong các cơ quan Nhà nước; phối hợp thẩm định mới, cấp lại giấy phép hoạt động cho các CA công cộng; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo ở các quy mô khác nhau; phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai chữ ký số của cơ quản Đảng, Nhà nước. Qua đó, việc triển khai chữ ký số tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực.
 
Tính tới tháng 9/2019, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin - Ban Cơ yếu Chính phủ đã cung cấp kịp thời gần 220.000 chứng thư số phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp. Các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ TT&TT triển khai chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong công tác quản lý, điều hành, trao đổi văn bản điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Công tác triển khai chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đã đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí; nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành; góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử.
 
Ngoài ra, theo số liệu thống kê của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, tính đến hết tháng 6/2019, các CA công cộng đã cấp gần 2,7 triệu chứng thư số, với số lượng chứng thư số đang hoạt động là hơn 1.166.000. Các chứng thư số được cấp chủ yếu cho các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện giao dịch trong các lĩnh vực chính như: Thuế điện tử, Hải quan điện tử và Bảo hiểm xã hội điện tử. Ngoài ra, chứng thư số còn sử dụng trong các loại giao dịch khác trong tài chính điện tử (chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử), giao dịch ngân hàng điện tử, chứng khoán điện tử, giao dịch thương mại điện tử, hợp đồng điện tử…
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội nghị
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao sự phối hợp giữa Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ TT&TT) với Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin (Ban Cơ yếu Chính phủ). Tuy nhiên, việc sử dụng chữ ký số vẫn còn nhiều vướng mắc cần phải xử lý, tháo gỡ, đặc biệt liên quan đến các vấn đề về thủ tục hành chính. Theo ông, xây dựng Chính phủ điện tử không hẳn là công tác áp dụng công nghệ thông tin, mà phải thực hiện các biện pháp để quy trình thủ tục hành chính được đơn giản, gắn kết chặt chẽ với công cuộc cải cách hành chính.
 
Các bài tham luận trong Hội nghị được trình bày bởi các diễn giả đến từ Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ và các doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực chữ ký số, xác thực điện tử, an toàn thông tin. Nội dung của các bài tham luận tập trung vào các vấn đề: quản lý nhà nước về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; vai trò của chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong hoạt động Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, văn bản điện tử…
 
Toàn cảnh Hội nghị
 
Cuối Hội nghị là phiên thảo luận do Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia và Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin chủ trì thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham dự. Tại đây, đại diện hai cơ quan và các đại biểu tham dự đã trao đổi những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình triển khai, sử dụng chữ ký số; bàn luận về cách thức làm cho việc triển khai, sử dụng chữ ký số được thuận lợi.
 
Kết luận Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào nhận định, các ý kiến trao đổi, thảo luận đã góp phần giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai chứng thực chữ ký số. Đồng chí tin tưởng rằng, kết quả của Hội nghị sẽ góp phần đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội và góp phần thiết thực, hiệu quả trong cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử trong thời gian tới.
 
Theo antoanthongtin.vn
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THANH HÓA

Giấy phép số 12/GP-TTĐT do Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 11/4/2014

Chịu trách nhiệm: Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc

Địa chỉ: Tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa, Đại lộ Nam Sông Mã - Phố Ái Sơn 2 - Phường Đông Hải - Thành phố Thanh Hóa

Số ĐT: (02373) 713.985 - Fax: (02373) 713.985

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa