Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 2

    Hôm nay: 19

    Đã truy cập: 7935561

Tăng cường bảo đảm trật tự, văn minh đô thị tại TP Thanh Hóa

Thanh Hóa được công nhận đô thị loại I đến nay đã gần 2 năm, bên cạnh bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, diện mạo đô thị văn minh, hiện đại thì vẫn còn tình trạng vi phạm các quy định về trật tự, văn minh đô thị, kèm theo những chồng chéo, bất cập trong công tác quản lý, sự thiếu quyết liệt của chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng.

Thanh Hóa được công nhận đô thị loại I đến nay đã gần 2 năm, bên cạnh bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, diện mạo đô thị văn minh, hiện đại thì vẫn còn tình trạng vi phạm các quy định về trật tự, văn minh đô thị, kèm theo những chồng chéo, bất cập trong công tác quản lý, sự thiếu quyết liệt của chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng.
Từ chuyện “vỉa hè”, nhà vệ sinh công cộng...

Nhiều năm qua, tình trạng lấn chiếm, thậm chí “bức tử” vỉa hè đang trở thành vấn đề nhức nhối và chưa được giải quyết triệt để. Người dân TP Thanh Hóa coi vỉa hè là vị trí đắc địa để tranh thủ làm ăn, buôn bán, dù cho có phạm luật. Quảng trường Lam Sơn vào buổi tối, nhiều khu vực gần như bị “bức tử” bởi hàng chục quán trà đá, giải khát, vui chơi, tràn lan. Với lưu lượng bình quân hàng trăm lượt người/ngày tới khu vực này, kèm theo đó là các phương tiện ô tô, xe máy để lộn xộn, “đội ngũ” hát rong với loa công suất lớn hoạt động tích cực,  “đội quân ăn xin” hành nghề... vừa gây mất an toàn giao thông, mất trật tự công cộng, vừa tạo nên những hình ảnh phản cảm.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè cũng vậy, ở khu vực trung tâm thành phố, các tuyến phố chính sầm uất về thương mại, như: Lê Hoàn, Cao Thắng, Đinh Công Tráng, Lê Hữu Lập, Trần Phú, Quang Trung, Trường Thi, Hàng Đồng, Đào Duy Từ, Hàng Than, Lê Quý Đôn... nhiều đoạn vỉa hè dành cho người đi bộ đã trở thành nơi xếp hàng hóa, bày bán của các cửa hàng. Ngay cả những khu đô thị mới như Bình Minh, đặc biệt là đường Lý Nam Đế, phường Đông Hương, vỉa hè phía trước một số cơ quan, đơn vị hàng ngày bị các cá nhân lấn chiếm làm nơi bán hàng ăn sáng, giải khát; các tài xế taxi biến thành nơi tụ tập khi rỗi khách để ngồi chơi bài; và vỉa hè cũng chính là “bãi đỗ xe ô tô” lý tưởng...

Cùng với nạn lấn chiếm vỉa hè nói trên, sự bất cập trong việc xây dựng, sử dụng, quản lý hệ thống nhà vệ sinh công cộng sao cho hợp lý cũng đang là vấn đề cần quan tâm. Khu vực Quảng trường Lam Sơn vào mỗi tối có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tập trung nhưng nhà vệ sinh phía sau sân khấu chính hoạt động rất “phập phù” và hầu như chỉ mở cửa phục vụ khi có những sự kiện lớn tổ chức. Một nhà vệ sinh di động khác phía bên kia đường Phan Chu Trinh cũng hoạt động tương tự như vậy. Không được vào nhà vệ sinh “giải quyết nỗi buồn”, các “thượng đế” của các quán giải khát, vui chơi ở khu vực Quảng trường Lam Sơn đành thải ra ngay phía ngoài nhà vệ sinh này. Khu vực Tượng đài Lê Lợi có nhiều thời điểm cũng rơi vào tình trạng tương tự. Một số  khu đô thị mới hiện đại nhưng thiếu công trình nhà vệ sinh công cộng cũng đang gây nên tình trạng mất vệ sinh môi trường; việc xả rác thải trên vỉa hè của một bộ phận người dân đã và đang làm cho bộ mặt đô thị của thành phố xấu đi.

... đến chuyện “nhờn luật” và trách nhiệm của chính quyền

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh việc quản lý chung ở cấp thành phố, việc quản lý văn minh đô thị đã được phân cấp xuống phường, xã với vai trò chính của đội quy tắc, quản lý đô thị và công an cơ sở. Lực lượng chức năng này hằng ngày vẫn thực hiện nhiệm vụ của mình trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị, song cách làm còn nhiều bất cập, việc xử phạt chưa nghiêm khắc, chưa đủ sức răn đe... Do đó, tình trạng cơ quan chức năng tới kiểm tra thì các hộ chấp hành nghiêm chỉnh, khi đi khỏi, mọi chuyện “đâu lại vào đấy”, nhất là tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Từ đó, nhiều cá nhân, hộ kinh doanh thay vì có ý thức chấp hành tốt, thì chuyển thành đối phó và dần dần “nhờn luật”. Công tác tuyên truyền dù được tăng cường bằng nhiều hình thức ở phường, xã, song vẫn không “ăn thua”. Một số “bến cóc” xe khách, điểm đỗ xe ô tô trái phép gây nhức nhối dù đã được dẹp bỏ nơi này, lại mọc lên ở nơi khác... Việc xử lý (chủ yếu là xử lý hành chính) các hành vi vi phạm văn minh đô thị trên địa bàn như: xả rác bừa bãi, tiểu tiện không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm tiếng ồn, lộn xộn trong hoạt động của các đối tượng ăn mày... dù đã có quy định cụ thể, song chưa nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng.

Được biết, từ đầu năm 2016 đến nay, Thành ủy, UBND TP Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các phường, xã và các ngành chức năng trên địa bàn tăng cường công tác quản lý đô thị, tăng cường xử phạt với các hành vi vi phạm trật tự, văn minh đô thị, trong đó tập trung vào các điểm nóng, địa bàn gây bức xúc. Điển hình như việc dẹp bỏ bến cóc xe khách tại ngã tư vòng xuyến phía trước Siêu thị BigC (phường Đông Hải); chấn chỉnh tình trạng sử dụng không gian trái phép phía trước chợ Đông Thọ làm nơi đỗ xe tải, xe khách; bắt đầu triển khai việc dẹp bỏ chợ cóc trên đường Đào Duy Từ, phường Ba Đình vào đúng nơi quy hoạch; chấn chỉnh nghiêm tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên các tuyến phố với vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp phường, xã; rà soát trên toàn địa bàn khu vực trung tâm để bố trí, sắp xếp, quy hoạch lại khu vực đỗ xe ô tô trên đường phố; tiếp tục xây dựng, bố trí thêm các khu nhà vệ sinh công cộng song song với việc quản lý có hiệu quả; triển khai các quy định về xử phạt các hành vi vi phạm về văn minh đô thị để lực lượng chức năng tại cơ sở áp dụng thực hiện; từng bước nghiên cứu các giải pháp cấp bách giải quyết những bất cập, vướng mắc khác...

Hy vọng những giải pháp đã được triển khai thực hiện quyết liệt,  TP Thanh Hóa sẽ thật sự trở nên văn minh, thân thiện.


.Bài và ảnh: Mạnh Cường

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THANH HÓA

Giấy phép số 12/GP-TTĐT do Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 11/4/2014

Chịu trách nhiệm: Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc

Địa chỉ: Tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa, Đại lộ Nam Sông Mã - Phố Ái Sơn 2 - Phường Đông Hải - Thành phố Thanh Hóa

Số ĐT: (02373) 713.985 - Fax: (02373) 713.985

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa